Giới thiệu – Cổng thông tin điện tử huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang
Trong tiến trình lịch sử dân tộc, Chiêm Hoá đã nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Thời Đinh, Tiền Lê, Lý được gọi là Châu Vị Long. Thời nhà Minh cai trị nước ta (1414-1427) đổi tên thành châu Đại Man. Từ thời Lê Sơ đến thời điểm thành lập tỉnh Tuyên Quang năm 1831 vẫn giữ tên cũ là châu Đại Man, đến năm 1935 được đổi thành châu Chiêm Hoá (bao gồm cả Na Hang ngày nay) với tổng diện tích là 2.427km2, đến năm 1943 châu Chiêm Hoá được chia thành 2 huyện Chiêm Hoá và Na Hang. Trong cuộc vận động cách mạng tháng Tám năm 1945, sau khi được giải phóng (tháng 4/1945) Chiêm Hoá được gọi là châu Khánh Thiện bao gồm cả một số vùng của huyện Hàm Yên, Yên Sơn, tới đầu năm 1946 huyện được quy về theo địa giới hành chính cũ với tên gọi huyện Chiêm Hoá. Qua nhiều lần thay đổi, tới nay Chiêm Hoá có 23 xã và 1 thị trấn, gồm: thị trấn Vĩnh Lộc, các xã: Yên Nguyên, Hòa Phú, Phúc Thịnh, Tân Thịnh, Tân An, Hà Lang, Trung Hà, Xuân Quang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Ngọc Hội, Phú Bình, Bình Phú, Yên Lập, Kiên Đài, Trung Hòa, Hòa An, Nhân Lý, Vinh Quang, Kim Bình, Linh Phú, Tri Phú, Bình Nhân.
Địa hình của Chiêm Hoá bị chia cắt khá lớn bởi hệ thống sông ngòi và nhiều dãy núi lớn. Nét chung của địa hình là sự xen kẽ không đều giữa các núi đá vôi và núi đất, giữa các dải núi cao và vùng đồi đất có độ cao trung bình hoặc thấp. Giữa các vùng đồi núi đó là các thung lũng có diện tích không lớn song đất đai mầu mỡ, thuận lợi cho việc xây dựng các điểm dân cư, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Chiêm Hoá có nhiều dãy núi cao. Phía Đông có đỉnh cao nhất là núi Khau Bươn (thuộc địa phận xã Kiên Đài, có độ cao 957m), phía Tây có đỉnh cao nhất là núi Cham Chu có độ cao 1.587 m (thuộc địa phận xã Tân An, Hà Lang, Trung Hà) là ranh giới giữa huyện Chiêm Hóa, huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) và huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang).
Sông, suối của Chiêm Hoá có độ dốc cao, hướng chảy khá tập trung, các con suối, ngòi đều đổ dồn về sông Gâm và sông Lô. Con sông lớn nhất là sông Gâm, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, huyện Na Hang, chảy qua Chiêm Hoá với độ dài 40 km và là đường thuỷ duy nhất nối huyện với tỉnh lỵ Tuyên Quang và các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với các con suối lớn, nhiều khe nhỏ tạo thành một nguồn thuỷ sinh phong phú, cung cấp nước, thuỷ sản phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân và là con đường giao thông, vận tải khá quan trọng.
Chiêm Hoá thuộc vùng khí hậu nhiệt đới thấp, được phân chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9, thường có nhiều mưa và mưa rào tập trung từ tháng 5 đến tháng 8, mùa này thường hay xẩy ra lũ lụt; mùa đông kéo dài từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau, thường có gió mùa Đông Bắc, sương mù và sương muối.
Điều kiện tự nhiên mang lại cho Chiêm Hoá nhiều lợi thế, sự giàu có về tài nguyên, khoáng sản cũng như thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp. Rừng Chiêm Hoá có nhiều lâm thổ sản: Đinh, Lim, Nghiến, Lát, Sa nhân… và muông thú quý, hiếm: Gấu, Nhím, Tê tê, Tắc kè, Voọc mũi hếch (một loài thú có nguy cơ bị tuyệt chủng ở mức nguy cấp, được ghi tên trong sách đỏ của thế giới và sách đỏ Việt Nam)… Dưới lòng đất các khoáng sản đã được khai thác có Ăng – ty – moan, Măng – gan, vàng sa khoáng… Đất đai có độ phong hoá cao, lượng mưa và độ ẩm thích hợp, nhiều thung lũng cỏ… Chiêm Hoá có đầy đủ các điều kiện để trồng cây lương thực (lúa, ngô), cây công nghiệp (lạc, mía, chè, các cây họ đậu), chăn nuôi gia súc gia cầm và phát triển nghề rừng cũng như các ngành công nghiệp khai thác, chế biến.
Kinh tế của huyện tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản là thế mạnh; bên cạnh đó sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển du lịch trong những năm gần đây được huyện phát huy lợi thế để đẩy mạnh phát triển. Dự kiến đến hết năm 2018, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 27,05 triệu đồng/người.
Đời sống văn hoá của nhân dân các dân tộc khá phong phú, tứ xa xưa đã sớm biết tạo nên những đường nét hoa văn tinh xảo, thể hiện trình độ nghệ thuật cao trên trang phục và các đồ trang sức. Vào các ngày lễ, tết, đồng bào thường tụ họp theo làng, bản cùng nhau ném còn, hát then, hát cọi… Những điệu hát chứa đựng nhiều nội dung phong phú, trong sáng và đầy sức thuyết phục của một nền nghệ thuật văn hoá dân tộc giầu sức sống. Ngày nay, cứ vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Lễ hội Lồng Tông lại được tổ chức tại trung tâm huyện với nhiều loại hình văn hoá, thể thao… đã thực sự trở thành ngày hội văn hoá của nhân dân các dân tộc trong huyện.
Toàn Đảng bộ có 50 tổ chức cơ sở đảng; trong đó chi bộ cơ sở 18, đảng bộ cơ sở 32, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở 492 với trên 8.600 đảng viên.