Giỗ tổ Hùng Vương Canh Tý 2020: Cả dân tộc nhớ về nguồn cội
(Thethaovanhoa.vn) – Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt, không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên mà còn khẳng định niềm tự hào dân tộc – một dân tộc luôn đoàn kết nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù.
Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2020 theo quy mô cấp Quốc gia
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Canh Tý – 2020 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương” sẽ được tổ chức theo quy mô cấp Quốc gia.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tinh thần dân tộc ấy lại lại trỗi dậy mạnh mẽ như nhắc nhở, thúc giục mỗi chúng ta hãy đoàn kết lại, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Tưởng nhớ công đức các Vua Hùng
Có lẽ trên thế giới, hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cho dù bất kỳ ở đâu, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hằng năm cứ đến ngày mồng mười tháng ba âm lịch, lại hướng về cội nguồn, nô nức cùng nhau hành hương về Đất Tổ (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Từ ngàn đời nay, giỗ Tổ Hùng Vương đã được xem là ngày lễ trọng của cả dân tộc và trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam. Đây còn là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ về tổ tiên, về các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Theo truyền thuyết, vị vua đầu tiên ở nước ta là Kinh Dương Vương đã truyền ngôi cho con trai là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ, sinh hạ được 100 người con trai, 50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển để lập cơ nghiệp dài lâu. Con trai trưởng được Lạc Long Quân phong làm Vua, lấy hiệu là Hùng Vương. Vua đặt tên nước là Văn Lang lấy đất Phong Châu (Phú Thọ) làm thủ phủ. Vua quan đều cha truyền con nối qua nhiều đời nhưng lịch sử ghi lại được 18 đời vua Hùng.
Để tôn vinh thời kỳ khai thiên lập quốc và tỏ lòng biết ơn công lao của các vị anh hùng có công dựng nước, từ thời phong kiến, các vị vua đã cho lập đền thờ vua Hùng. Các triều đại phong kiến từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần rồi đến nhà Hậu Lê đều tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ đấng Thánh Tổ nước Nam xưa.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chương trình tổ chức Giỗ Tổ năm 2020 không tổ chức phần hội và sẽ chỉ diễn ra phần lễ dâng hương gọn nhẹ vào sáng 10/3 Âm lịch
Kế tục truyền thống cao đẹp của ông cha, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18-2-1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương-hướng về cội nguồn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19-9-1954 và 19-8-1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Từ năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết (năm 1999), Nghị định (năm 2001, năm 2004) về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương như Quốc lễ vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch. Ngày 2-4-2007, Quốc Hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Từ năm 2009, giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng được tổ chức do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia tổ chức của 3 đến 5 tỉnh, thành phố đại diện 3 miền Bắc-Trung-Nam trong cả nước. Từ năm 2013, vào các năm tròn, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia.
Hàng năm, cứ vào ngày này, dân chúng khắp nơi lại trở về Đền Hùng dự lễ, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng , các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc. Đây không chỉ thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam mà còn trở thành niềm kiêu hãnh đối với các dân tộc đã, đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới; bạn bè khắp năm châu cảm phục, kính nể dân tộc Việt Nam anh hùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6-12-2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh – nơi sẽ làm lễ dâng hương