Giáo viên làm gì để lôi cuốn trẻ lớp 1 học trực tuyến?
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ 10 điều giáo viên nên làm với trẻ lớp 1.
Đặc điểm của trẻ 6 tuổi là dễ mất tập trung; hiếu động, khó ngồi yên một chỗ; không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc như không thể vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác tay do kỹ năng phối hợp thính giác, vận động hoặc thị giác, vận động đang phát triển. Các em rất dễ lo lắng và tổn thương, đặc biệt bất an khi bị tách khỏi người chăm sóc. Hiểu được những đặc điểm này, giáo viên sẽ có cách thu hút các em với bài giảng trực tuyến.
Đầu tiên, giáo viên dành tuần đầu tiên thiết lập mối quan hệ, làm quen và tổ chức trò chơi để kết nối với trẻ. Giới thiệu cho trẻ menu lời chào thú vị có thể là ý tưởng hay. Trẻ sẽ học tích cực hơn khi đã biết và thân thiết với thành viên trong lớp.
Giáo viên cũng cần dành tuần đầu tiên để xây dựng mối quan hệ với cha mẹ học sinh, thống nhất về nội quy lớp học, hướng dẫn chuẩn bị tại gia đình như cách để giúp trẻ trở thành học sinh độc lập, khuyến khích trẻ thực hiện nhiệm vụ ở nhà, hình thành thói quen học tập như ngồi đúng tư thế, cầm bút đúng cách, rèn cách làm việc với sách và đồ dùng học tập.
Thứ hai, trẻ lớp 1 sẽ cảm thấy bất an nếu giáo viên không hiện diện, vì vậy cần cài đặt chế độ để hình ảnh của thầy cô luôn nổi trên màn hình chính (kể cả trong lúc nghỉ giải lao). Có thể thu sẵn video với hoạt động khởi động vui nhộn, thể dục giữa giờ với hình ảnh cô giáo đang hướng dẫn các con để giúp cô chuyển tiếp các hoạt động mà vẫn giữ được sự kết nối.
Thứ ba, thầy cô luôn bắt đầu bằng một điều gì đó trẻ yêu thích như những lời chào sáng tạo trước khi vào bài học. Vì khoảng chú ý của học sinh lớp 1 không dài quá 15 phút, để bài giảng không quá tải thì nên giới hạn thời gian cho mỗi phiên học kéo dài 15 phút làm việc với màn hình, nghỉ 5 phút và tiếp tục một phiên học 15 phút khác.
Sau 4 phiên như vậy thì nghỉ. Việc học online như vậy sẽ năng suất và hiệu quả hơn theo phương pháp Pomodoro. Thầy cô cần thay đổi quan điểm từ nhiều giờ học sang giờ học chất lượng. Việc thiết kế thời khóa biểu, các phiên học phải được cân nhắc dựa trên đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục. Ảnh: VNU
Thứ tư, học sinh lớp 1 cần được tạo điều kiện để vận động thường xuyên, qua đó phát triển kỹ năng vận động tinh và phối hợp tay mắt cũng như là một hình thức thư giãn giữa các bài học. Giáo viên phải rất chú ý đến hoạt động thể chất xen giữa các tiết dạy, tạo điều kiện cho trẻ được đứng lên khỏi chỗ ngồi và làm một số động tác theo hướng dẫn.
Thứ năm, thầy cô phải ý thức học online khó khăn hơn nên việc hướng dẫn học sinh cần chậm hơn bình thường. Cần tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho học sinh vì sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập.
Thứ sáu, để hấp dẫn học sinh trên bài giảng trực tuyến, giáo viên cần sáng tạo trong các hình thức ghi nhận, khen thưởng, có thể chuẩn bị hình dán ngôi sao, trái tim, bông hoa cùng lời khen tặng các con. Thầy cô thậm chí có thể thống nhất với cha mẹ để quy đổi số bông hoa điểm thưởng của cô trên lớp trực tuyến thành phần thưởng hữu hình do cha mẹ giám sát và trao thưởng tại nhà.
Thứ bảy, đối với việc dạy trực tuyến, giáo viên cần lưu ý một số học sinh và gia đình không thể hôm nào cũng tham gia đầy đủ vì rất nhiều lý do từ công việc đến trục trặc kỹ thuật. Vì vậy nên có một kênh để cung cấp và lưu trữ bài giảng để phụ huynh tiếp cận. Giáo viên cũng có thể giới thiệu các link video bài giảng trên Youtube hoặc truyền hình để phụ huynh cho con xem lại.
Thứ tám, để hỗ trợ một số học sinh gặp khó khăn trong học tập, ngoài giờ dạy, giáo viên hãy cung cấp thông tin liên lạc và giờ hỗ trợ cá nhân dựa trên nhu cầu và đăng ký của học sinh.
Thứ chín, giáo viên thiết lập các kênh liên lạc để hỗ trợ phụ huynh tiếp cận với sách giáo khoa số, chia sẻ gợi ý về vận động cho trẻ ở nhà, cung cấp hình ảnh/video/tài liệu để thực hiện cho con ở nhà, đề xuất cuốn sách hay truyện phù hợp, bài hát thiếu nhi để hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ; gửi phiếu hoạt động để học sinh chơi theo mục tiêu giáo dục và qua đó nhận được một số kỹ năng.
Cuối cùng, giáo viên cần được cập nhật về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bản thân và phòng chống kiệt sức. Không chỉ học sinh, phụ huynh, ngay cả người dạy cũng căng thẳng do dịch bệnh Covid-19. Để sáng tạo, lôi cuốn học sinh, thầy cô cần sức khỏe thể chất và tâm thần thật tốt.
Trần Thành Nam