Giáo viên hợp đồng, phập phồng chỗ dạy: Bài học từ Khánh Hòa
Từ tháng 12-2017 đến nay, 38 trong số 52 giáo viên (GV) trúng tuyển tại kỳ thi viên chức ngành giáo dục của tỉnh Khánh Hòa năm 2017 được phân công nhiệm sở về các trường. Việc bố trí số GV mới cân đối theo biên chế giao, không ảnh hưởng đến GV đang giảng dạy tại các trường.
Thi cử minh bạch
Có tất cả 265 thí sinh dự kỳ thi tuyển dụng giáo viên năm học 2017-2018 nói trên. Toàn bộ quy trình xét tuyển, thi tuyển, công bố kết quả đều công khai trên cổng thông tin điện tử http://khanhhoa.edu.vn.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, nguyên Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa, nhớ lại cách đây nhiều năm, Khánh Hòa rộ lên chuyện tuyển dụng theo kiểu “chạy chọt” ở các huyện, thành phố. Hai năm 2007-2008 cũng rộ chuyện “cò” tuyển dụng GV, lấy tiền của ứng viên rồi thất hứa, dẫn đến kiện tụng khắp nơi… Ông Dũng nói: “Lúc đó, khi còn sống, ông Lưu Quốc Thanh (nguyên giám đốc sở), rồi đến ông Lê Tuấn Tứ (hiện là Giám đốc Sở GD-ĐT) đều chủ trương chống tiêu cực trong ngành. Hồ sơ tuyển dụng không được “gửi trao tay” để phòng trường hợp “cò” lợi dụng. Sau chủ trương này, nhiều người gửi thư về sở cám ơn vì con em họ được đi dạy mà không tốn kém gì. Chuyện này đã thành nếp, tôi nghỉ hưu cũng 4 năm nay rồi không nghe điều tiếng gì cả”.
Nhờ cân đối được giáo viên theo biên chế nên Khánh Hòa khắc phục được tình trạng thừa thiếu giáo viên
Công tác ở Trường Tiểu học Thành Sơn (huyện Khánh Sơn) gần 8 năm nay, cô giáo Lâm Bùi Thị Thiên Trang nhớ lại từ năm 2010, khi còn là sinh viên năm cuối ở TP Nha Trang, cô có chuyến thực tập kết hợp tình nguyện mùa hè xanh tại Khánh Sơn và mơ ước được về đây dạy. Sau khi ra trường, cô viết đơn bày tỏ nguyện vọng và đến ngày 1-9-2010 thì được Phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn ký hợp đồng. “Việc tuyển dụng rất chặt chẽ theo nhu cầu cần giáo viên bộ môn ở các trường. Giáo viên không tốn đồng nào để chạy việc, có việc làm ổn định” – cô Trang nhận xét.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa Lê Tuấn Tứ cho biết từ năm học 2013 -2014, ngành giáo dục tỉnh công khai toàn bộ quy trình xét tuyển. Điểm xét tuyển cũng công bố để các ứng viên xem xét, điều chỉnh trong vòng 10 ngày nếu phát hiện sai sót. Việc công khai, minh bạch trong công tác thi cử, tuyển dụng tạo cho mỗi GV niềm tin biên chế không phải “bùa hộ mệnh” mà dựa trên sự toàn tâm, toàn lực, sáng tạo. Quan trọng hơn là thi cử gắn với tuyển dụng, điều động hợp lý, sát nhu cầu của từng trường, địa phương nên không tước đi cơ hội việc làm của ai; tỉnh cũng không bị áp lực về việc tinh giản biên chế theo quy định.
Bảo đảm quyền lợi giáo viên
Để bảo đảm quyền lợi cho GV, từ vài năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã bỏ hình thức hợp đồng với giáo viên ở các nhà trường. Việc bỏ hình thức này có nhiều lý do, thứ nhất vì nhà trường không có nguồn để chi trả lương; thứ hai là tránh chuyện không minh bạch, chạy chọt trong tuyển dụng.
“Thay vào đó, trường nào thiếu GV, có nhu cầu tuyển dụng thì gửi văn bản báo cáo sở, thiếu bao nhiêu sở sẽ thông báo tuyển dụng bấy nhiêu. Hằng năm, sau khi luân chuyển GV xong, sở sẽ thống kê tuyển dụng ở các vị trí có nhu cầu. Toàn bộ hồ sơ GV đều thông qua Sở Nội vụ để thẩm định, thẩm tra bảo đảm đúng quy trình, chất lượng. GV được ký hợp đồng đều có quyết định rõ ràng, được Sở Nội vụ thông qua, quản lý. Do vậy chắc chắn không có chuyện GV hợp đồng mất việc khi có kỳ thi tuyển viên chức” – ông Tứ nêu cách làm của tỉnh Khánh Hòa.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, công tác tuyển dụng công khai như hiện nay không chỉ áp dụng với các trường THPT do sở này quản lý mà áp dụng chung tất cả phòng giáo dục huyện, thành phố. Toàn bộ kế hoạch phải gửi về Sở Nội vụ, sau khi trúng tuyển cũng phải được sở này thẩm định, thông qua. Như mới đây, ngày 12-3, Phòng GD-ĐT TP Cam Ranh gửi Sở Nội vụ kết quả tuyển 71 chỉ tiêu viên chức giáo dục với 12 chỉ tiêu mầm non, 21 chỉ tiêu tiểu học, 32 chỉ tiêu THCS, 6 nhân viên. Quá trình tuyển dụng, yêu cầu hồ sơ, vị trí ứng tuyển đều được công khai trên website của UBND TP Cam Ranh và trên cơ sở này, Hội đồng Tuyển dụng TP Cam Ranh xét kết quả, công khai xét tuyển.
“Dựa vào các kết quả học tập, sát hạch, các ứng viên dự tuyển sẽ tự mình chấm được bản thân. Kết quả công khai cũng giúp ứng viên có thể tự kiểm tra lẫn nhau. Nhiều ứng viên học cùng lớp biết nhau, rồi người đậu người rớt. Mình công khai như vậy thì GV mới yên tâm. Còn về hợp đồng với các GV, gần đây rộ lên chuyện dư gần 600 GV ở một huyện của Đắk Lắk. Cứ tuyển dụng chặt chẽ như ở Khánh Hòa thì không thể có chuyện dư một chỉ tiêu nào” – ông Tứ đúc kết.
Cân đối giáo viên theo biên chế
Nói về việc không để các trường tự ký hợp đồng với GV, nhất là hợp đồng dạy theo tiết như ở một số địa phương khác, ông Lê Tuấn Tứ cho rằng điều này không chỉ gây áp lực về việc làm, thu nhập cho GV mà còn gây áp lực về kinh phí của các trường. Thực tế những năm học trước đây, do số học sinh các cấp tăng, điểm trường và lớp đều tăng dẫn đến thiếu GV nên các trường ký hợp đồng với GV dạy theo số tiết tăng. Hiện nay, quỹ ngân sách chi lương ở các trường đã chiếm 80%-90%, nên nếu tiếp tục làm theo cách này sẽ khiến các trường không có kinh phí để tổ chức các hoạt động khác. Thay vào đó, qua cân đối các bộ môn, trường nào thấy thiếu GV thì đề xuất lên sở để xem xét. Cũng theo ông Tứ, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 17.000 GV, từ năm 2012 đến nay không được tăng thêm biên chế nên ngành phải tự điều chỉnh trong con số này và nhờ cách làm hợp lý nên tình hình giáo viên khá ổn định, việc thừa – thiếu GV cục bộ cơ bản được khắc phục.