Giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh “vượt” 12 tuần
Trao đổi với Dân trí, bà Phạm Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) xác nhận, nhà trường đã nhận được đơn kiến nghị của một phụ huynh ở lớp 4B phản ánh sự việc giao bài tập về nhà của giáo viên đơn vị này.
Liên quan đến việc giao bài tập về nhà của giáo viên, Trường Tiểu học Điện Biên 1 cũng đã có thông báo kết quả giải quyết đơn kiến nghị của phụ huynh học sinh gửi Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa và phụ huynh có kiến nghị.
Theo đó, ngày 24/9, Trường Tiểu học Điện Biên 1 có tiếp nhận đơn kiến nghị của một phụ huynh học sinh phản ánh về việc cô giáo Lê Thị Sáu, giáo viên dạy Toán lớp 4B (giáo viên tổ chuyên môn 4) giao bài tập về nhà cho học sinh không phù hợp.
Giáo viên Trường Tiểu học Điện Biên 1, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa giao bài tập về nhà bị phụ huynh phản ứng (Ảnh: Trần Lê).
Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của phụ huynh, nhà trường đã họp cán bộ quản lý, tổ trường tổ chuyên môn 4, Trưởng ban thanh tra nhân dân và cô Lê Thị Sáu.
Theo trình bày của cô Sáu, năm học 2020 – 2021, lớp 3B (nay là lớp 4B) do cô chủ nhiệm, có nhiều học sinh vượt trội, có 22 học sinh đạt giải trong các cuộc thi tự nguyện do các đơn vị truyền thông tổ chức. Năm nay, một số học sinh muốn được tiếp tục tự thử sức mình với các cuộc thi dành cho học sinh năng khiếu môn Toán.
Do đó, giáo viên có giao bài tập về nhà cho học sinh thực hiện một số phép chia cho sổ có 2 chữ số (phép chia phải đến tuần thứ 15 học sinh mới được học). Theo cô giáo trình bày khi giao bài tập có ghi chú là không bắt buộc với học sinh cả lớp.
Tuy nhiên, khi phụ huynh thắc mắc, giáo viên có trả lời là không bắt buộc tất cả học sinh phải làm nhưng cách trả lời của giáo viên chưa rõ ràng, không khéo léo trong cách giao tiếp với phụ huynh khiến phụ huynh chưa hài lòng về cách giải thích và trả lời của cô giáo.
Theo lãnh đạo Trường tiểu học Điện Biên 1, việc dạy cá biệt hóa học sinh là rất cần thiết vì yêu cầu của giáo dục hiện nay là dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Tuy nhiên, giáo viên phải giao riêng cho nhóm đối tượng học sinh có nhu cầu, không đưa ra trên bảng lớp. Cách trả lời của giáo viên với phụ huynh chưa làm rõ mục đích của việc mình làm, chưa khéo léo, chưa thuyết phục khiến một số phụ huynh chưa hiểu và lo lắng cho việc học của con em mình.
Qua ý kiến của lãnh đạo nhà trường và tổ trưởng chuyên môn tổ 4, cô Sáu đã nhận thấy việc giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 4B như vậy là chưa đúng và cách trả lời phụ huynh chưa rõ ràng. Cô Sáu đã xin nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm để sửa chữa.
Nhà trường đã đề nghị giáo viên Lê Thị Sáu rút kinh nghiệm sâu sắc về việc giao bài tập về nhà cho học sinh. Việc giao bài tập cho học sinh năng khiếu phải phù hợp với đối tượng, khả năng học sinh, tránh gây áp lực cho học sinh và phụ huynh. Giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong giảng dạy và giáo dục học sinh để có kết quả giáo dục cao nhất.
“Cô không yêu cầu bắt buộc cả lớp, chỉ có 6 học sinh đề nghị giao bài tập về phép chia 2 chữ số. Hôm nay nhà trường đã làm việc với phụ huynh, cô giáo cũng đã nhận khuyết điểm trước nhà trường, phụ huynh và nhận thiếu sót trong cách trả lời phụ huynh. Cho dù ý đồ cô tốt, nếu cô ghi rõ ra dành riêng bài tập cho mấy bạn mà gia đình có nhu cầu thì phụ huynh đã không hiểu lầm”, bà Phạm Thị Mai Hoa cho biết.