Giáo viên được tập huấn dạy chương trình mới ra sao?

Giáo viên vừa học vừa áp dụng vào giờ dạy

Hoạt động tập huấn giáo viên (GV) về chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai theo mô hình mới, vừa trực tiếp, trực tuyến. GV chủ yếu tự tập huấn qua mạng trên hệ thống tập huấn trực tuyến (LMS).

Bà Vũ Hạnh Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), cho biết GV đã được tập huấn để nắm chương trình, tập huấn về thiết kế bài dạy một cách bài bản và đầy đủ. Tuy nhiên, việc tập huấn này mới là lý thuyết, còn về trường sử dụng lý thuyết ấy để áp dụng thực tế ra sao mới quan trọng. Do vậy, từ vài năm gần đây, nhà trường đã cố gắng áp dụng tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới ở các môn học.

Bà Tạ Thị Sim, GV Trường THPT Tây Tiền Hải, Thái Bình, cho biết đã thấm dần chương trình giáo dục phổ thông mới từ mục tiêu, nội dung đến phương pháp. “Tôi đang áp dụng dần vào giảng dạy chương trình hiện tại để không bỡ ngỡ khi triển khai vào năm học tới”, bà Sim nói.

Bà Trần Thị Phương Anh, GV cốt cán Trường THPT Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, cho biết những điểm mới thể hiện rõ nét của chương trình giáo dục phổ thông mới là chú trọng việc hình thành năng lực hành động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Sau khi được tập huấn, nhiều GV đều cho biết đã có thêm nhiều kiến thức về phương pháp dạy học phát triển năng lực, biết cách tổ chức hoạt động học lôi cuốn học sinh.

Cần giảm tải cho giáo viên cốt cán

Đối với bà Đỗ Khánh Hoàn, GV đại trà, Trường THPT Tây Tiền Hải (Thái Bình), hình thức học trực tuyến kết hợp hỗ trợ của GV cốt cán và giảng viên sư phạm là hợp lý vì GV vừa đảm bảo công việc giảng dạy, vừa chủ động việc học, không phải đi tập huấn tập trung, đỡ tốn kém. Dù đánh giá các ví dụ trong tài liệu sát thực tế, có thể áp dụng vào bài giảng nhưng bà Khánh Hoàn cũng đề xuất cần tăng thêm nhiều video phù hợp vùng miền.

Học trên hệ thống tập huấn trực tuyến LMS, bà Sim đánh giá cao tài liệu rõ ràng, có video, infographic, ví dụ cụ thể các nội dung phù hợp. Tuy nhiên, bà Sim cho rằng lực lượng GV cốt cán mỏng lại phải hỗ trợ nhiều GV đại trà nên đôi lúc bị quá tải, dẫn đến không đủ thời gian.

Do vậy, các GV đã khắc phục bằng cách thiết lập thành các nhóm trao đổi trực tuyến để GV cốt cán vào hỗ trợ.

Bên cạnh đó, không ít ý kiến mong muốn thời gian học các modul kéo dài khoảng 1 tháng thì việc học của GV sẽ hiệu quả hơn và GV cốt cán cũng đỡ quá tải như hiện nay. Ông Phạm Hải Ninh, GV cốt cán môn ngữ văn của Trường THPT Bắc Kiến Xương (Thái Bình), cho biết ông được phân công hỗ trợ tới 127 GV đại trà, thuộc 12 trường. Do vậy, ông Ninh đề nghị cần tăng cường GV cốt cán để đỡ gánh nặng về thời gian vì liên tục phải hỗ trợ GV truy cập, giải đáp thắc mắc, theo dõi GV trên hệ thống xem GV học đến đâu và cần có sự phối hợp của tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường trong việc đôn đốc GV đại trà để hoàn thành các modul bồi dưỡng.

Chú trọng năng lực nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn đội ngũ GV. Bộ đã xây dựng các modul bồi dưỡng, trong đó chú trọng phát triển năng lực nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm của GV.

Ông Độ thông tin: “Công tác tập huấn GV đại trà lần này có nhiều điểm mới so với việc tập huấn thay sách giáo khoa trước đây. Thời gian trước, Bộ GD-ĐT ban hành chương trình, sách giáo khoa rồi tổ chức tập huấn cho GV cốt cán ở T.Ư, sau đó GV cốt cán T.Ư tập huấn cho GV cốt cán cấp tỉnh; GV cấp tỉnh tiếp tục tập huấn cho GV cấp huyện/trường. Như vậy, đến GV cấp trường là “F3” của quá trình bồi dưỡng. Cách làm này công phu, tốn thời gian nhưng chưa thật sự hiệu quả.

Do vậy theo ông Độ, lần này Bộ GD-ĐT triển khai mô hình tập huấn với nhiều điểm mới, theo công thức 5 – 3 – 7. Với mỗi mô đun bồi dưỡng, GV, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông phải có tối thiểu 5 ngày tự học, nghiên cứu; sau đó sẽ có 3 ngày để tập huấn trực tiếp dưới hình thức sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường, cụm trường để trao đổi và 7 ngày làm bài tập kiểm tra đánh giá.

Tất cả GV trong cả nước đều được cấp tài khoản để truy nhập vào LMS để tự học, bồi dưỡng. Các GV cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt là những người hướng dẫn các thầy cô thông qua hệ thống trực tuyến, qua trao đổi trong sinh hoạt chuyên môn. GV cốt cán hỗ trợ, hướng dẫn GV đại trà tự học. Sở GD-ĐT sẽ đánh giá chất lượng tập huấn của GV đại trà để cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. Chỉ khi được đánh giá đạt chất lượng khóa bồi dưỡng, GV mới được tham gia giảng dạy trực tiếp trên lớp.

Theo ông Độ, đội ngũ cán bộ quản lý, hiệu trưởng phải là người tạo điều kiện, môi trường, động lực để GV thực hiện hoạt động đổi mới. Cần tập huấn tốt để cán bộ quản lý, hiệu trưởng hiểu kỹ về đổi mới giáo dục phổ thông để chỉ đạo, truyền cảm hứng, không trở thành rào cản cho GV.