Giáo viên có còn dự giờ, thăm lớp?

Theo nhiều giáo viên (GV) đang giảng dạy tại các trường THCS, THPT, nếu chiếu theo Thông tư 32 thì GV không còn phải dự giờ nữa. Tuy nhiên, thực tế tại các trường phổ thông hiện nay, không có sổ dự giờ không đồng nghĩa với bỏ quy định dự giờ.

Vẫn có phiếu đánh giá giờ dạy

Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có hiệu lực từ ngày 1-11 quy định hệ thống hồ sơ, sổ sách về hoạt động giáo dục, khiến nhiều GV như trút được gánh nặng khi từ nay có thể thoát cảnh phải dự giờ, thăm lớp. Cụ thể, ở Thông tư 12 trước đây, các loại hồ sơ, sổ sách đối với GV gồm: giáo án (bài soạn); sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; sổ điểm cá nhân; sổ chủ nhiệm (đối với GV làm công tác chủ nhiệm lớp).

Tuy nhiên, với Thông tư 32, không còn quy định GV phải có sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp. Ngoài ra, thông tư còn quy định, GV làm công tác chủ nhiệm được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm. Điều này có nghĩa chỉ có GV chủ nhiệm mới được dự các giờ học hoạt động giáo dục khác của học sinh.

Giáo viên có còn dự giờ, thăm lớp? - Ảnh 1.

Nếu vận dụng quy định không cứng nhắc, tạo điều kiện cho giáo viên thì chính những giờ dự giờ, thăm lớp lại là những buổi sinh hoạt chuyên môn bổ ích Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều GV tại TP HCM cho biết quy định của thông tư là thế nhưng thực tế tại các trường phổ thông, việc dự giờ, thăm lớp vẫn duy trì lâu nay, song không nặng nề, hay phải “diễn” như dư luận phản ánh lâu nay. Theo ThS Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), cho biết không có sổ dự giờ không có nghĩa là không dự giờ. Thực tế, bỏ sổ dự giờ nhưng vẫn có phiếu đánh giá giờ dạy. “Hằng năm, dịp 20-11, vẫn có những giờ thao giảng và dự giờ để đánh giá, xếp loại GV. Trong tiêu chuẩn xét thi đua, vẫn có 1 điểm dành cho thao giảng” – thầy Du nói.

Theo một chuyên gia về giáo dục phổ thông, hoạt động dự giờ, thăm lớp lâu nay vẫn đang bị đánh giá theo chiều hướng phiến diện. Tức là GV phải “diễn”, học sinh được tập dượt nhiều lần để làm sao có một tiết học hoàn hảo trước nhiều người chứng kiến. GV không thể mắc một sai sót nào và học sinh cũng phải “diễn” theo như một cái máy được lập trình. “Không phải là không có tình trạng trên, thậm chí ở một số nơi chuộng thành tích, điều này khiến GV mệt mỏi, dẫn đến phải đối phó hình thức” – vị này cho biết.

Dự giờ không phải để “vạch lá tìm sâu”

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng những tiết học có dự giờ sẽ tạo cho GV một tâm thế chuẩn bị bài giảng chỉn chu, ứng dụng những hình thức dạy học sáng tạo. Đối với nhà trường, đó là một phong trào, giúp mọi người gắn kết với công việc hơn, để chia sẻ, học hỏi với các đồng nghiệp. “Thông qua các tiết học được đầu tư và dành tâm huyết, các học sinh sẽ thêm yêu quý thầy cô mình hơn. Hoạt động dự giờ, thăm lớp chỉ xấu, phản tác dụng khi GV mang tư tưởng “vạch lá tìm sâu”, tự gây căng thẳng, mệt mỏi cho mình và đồng nghiệp” – thầy Phú bày tỏ.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du cho rằng để đánh giá hoạt động dự giờ có phải là “diễn” hay không thì tùy GV và quan điểm của mỗi người. Sự chuẩn bị chu đáo có thể bị cho là diễn. Ngược lại, nếu một giờ học bê bối, lộn xộn có thể được bao biện là sự thật. Đôi khi một số GV do quá lo lắng về mục tiêu giờ dạy nên chuẩn bị quá mức về phía học sinh nên sẽ bị đánh giá là “diễn”. Ở góc độ cá nhân, thầy Du cho rằng: “Khi có dự giờ, tôi sẽ có sự chuẩn bị nhiều hơn về phương pháp, giáo án. Tuy nhiên, luôn phải nghĩ khi mình thao giảng phải có một điểm gì mới cho đồng nghiệp theo dõi và góp ý”.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5, TP HCM), đánh giá dự giờ và thăm lớp là hoạt động để nắm tình hình giờ học và phương pháp giảng dạy của GV. Việc làm này nhằm nắm bắt việc đổi mới phương pháp giảng dạy của GV, xem có phù hợp hay không. “Vì vậy, dự giờ không báo trước và chỉ thông báo cho GV ngay trước khi dự” – ông Hoàng nói. 

Dự giờ, thăm lớp ở cấp tiểu học là chủ yếu

Theo lãnh đạo một phòng GD-ĐT tại TP HCM, hiện nay hoạt động dự giờ, thăm lớp ở cấp tiểu học là chủ yếu. Điều này nằm trong chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP HCM, vì đây là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục mới và SGK lớp 1. Ban đầu khi tiến hành dự giờ, nhiều ý kiến GV cũng không vui, cho rằng khiến họ thêm áp lực. Nhưng các trường cũng đã giải thích cho GV là dự giờ, thăm lớp chỉ để nắm tình hình, không đánh giá xếp loại, giúp GV làm quen hơn với chương trình mới nên tư tưởng nặng nề cũng dần được cởi bỏ. “Riêng ở cấp THCS, tùy kế hoạch các trường triển khai nhưng quan điểm của chúng tôi là yêu cầu những tiết dự giờ không cần phải tròn trịa, hoàn hảo. GV nào có sáng kiến trong giờ dạy, nếu có chưa hoàn chỉnh đều cần được hoan nghênh và đánh giá cao” – vị này cho biết.

TÀI TRỢ CHÍNH “ĐƯA TRƯỜNG HỌC ĐẾN THÍ SINH” 2020

Giáo viên có còn dự giờ, thăm lớp? - Ảnh 3.