Giáo viên chủ nhiệm lại khổ vì đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh cuối năm
GDVN- Thực tế, khó có giáo viên chủ nhiệm nào theo dõi, đánh giá đúng được các phẩm chất, năng lực của 1 học sinh trong lớp học, chứ chưa nói đến cả lớp học.
Giờ này, phần lớn các cơ sở giáo dục trên cả nước đã và đang hoàn thành đánh giá học sinh cuối năm.
Phần kết quả học tập rất đơn giản, giáo viên bộ môn chỉ cần nhập các điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì vào phần mềm quản lý, phần nhận xét cứ copy, dán, coi như xong.
Với phần đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh học chương trình mới 2018, giáo viên chủ nhiệm lại “đau đầu”.
Các tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh có làm khó giáo viên chủ nhiệm?
Cô giáo N. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Thật khó để đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh lớp 6 năm nay thầy ạ. Với 5 phẩm chất, 10 năng lực cần đạt, giáo viên khó có thể bao quát hết để đánh giá.
Nói thật, nếu đánh giá một giáo viên cuối năm theo 5 phẩm chất như yêu cầu với học sinh, chúng ta đã khó đánh giá, chứ chưa nói giáo viên chủ nhiệm đánh giá hơn 30 học sinh”.
Khoản 1 điều 8 Thông tư Số: 22/2021/TT-BGDĐT ghi: Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh:
1. Căn cứ và tổ chức đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh
a) Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong Chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong Chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông.
b) Giáo viên môn học căn cứ quy định tại điểm a khoản này nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập môn học.
c) Giáo viên chủ nhiệm căn cứ quy định tại điểm a khoản này theo dõi quá trình rèn luyện và học tập của học sinh; tham khảo nhận xét, đánh giá của giáo viên môn học, thông tin phản hồi của cha mẹ học sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giáo dục học sinh; hướng dẫn học sinh tự nhận xét; trên cơ sở đó nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh theo các mức quy định tại khoản 2 Điều này.
Phẩm chất chủ yếu gồm: Yêu nước, Nhân ái, Chăm chỉ, Trung thực, Trách nhiệm. Năng lực chủ yếu gồm: Tự chủ và tự học; Kỹ năng giao tiếp và hợp tác nhóm với các thành viên khác; Giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau một cách sáng tạo và triệt để; Ngôn ngữ; Tính toán; Tin học; Thể chất; Thẩm mỹ; Công nghệ; Tìm hiểu tự nhiên và xã hội.
Thực tế, khó có giáo viên chủ nhiệm nào theo dõi, đánh giá đúng được các phẩm chất, năng lực của 1 học sinh trong lớp học, chứ chưa nói đến cả lớp học.
Chỉ có kết quả học tập của học sinh mới có định lượng rõ ràng, vì thế, giáo viên chủ nhiệm vẫn phải đánh kết quả giá rèn luyện của học sinh theo kết quả học tập của học sinh là chủ yếu.
Hay nói cách khác, các phẩm chất và năng lực cần đạt của chương trình mới khó mà có thể đánh giá đúng, vậy các các tiêu chí đó có phải chỉ mang tính hình thức?
Ai sẽ trả chế độ cho giáo viên chủ nhiệm khi làm việc trong hè?
Điều 13 Thông tư Số: 22/2021/TT-BGDĐT ghi rõ: Rèn luyện trong kì nghỉ hè
1. Học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì phải rèn luyện trong kì nghỉ hè.
2. Hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè do Hiệu trưởng quy định.
3. Căn cứ vào hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè, giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụ rèn luyện trong kì nghỉ hè cho học sinh và thông báo đến cha mẹ học sinh.
Cuối kì nghỉ hè, nếu nhiệm vụ rèn luyện được giáo viên chủ nhiệm đánh giá đã hoàn thành (có báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ rèn luyện có chữ kí xác nhận của cha mẹ học sinh) thì giáo viên chủ nhiệm đề nghị Hiệu trưởng cho đánh giá lại kết quả rèn luyện cả năm học của học sinh.
Kết quả đánh giá lại được sử dụng thay thế cho kết quả rèn luyện cả năm học để xét lên lớp theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
Như vậy, giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi, làm báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ rèn luyện của học sinh chưa đạt trong kì nghỉ hè.
Trong khi đó, nghỉ hè là quyền lợi chính đáng của giáo viên nói chung, giáo viên chủ nhiệm nói riêng, đã được quy định trong Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục 2019, trong đó quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần.
Phải theo dõi, làm báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ rèn luyện của học sinh chưa đạt kết quả rèn luyện trong kì nghỉ hè nhưng không có chế độ, liệu giáo viên chủ nhiệm có đánh giá kết quả rèn luyện học sinh trung thực?
Người viết kiến nghị, các cơ sở giáo dục cần có quy chế, quy định chế độ cho giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi, làm báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ rèn luyện của học sinh chưa đạt trong kì nghỉ hè.
Các nước có nền giáo dục tiên tiến, kinh tế xã hội phát triển, cụ thể như Nhật Bản “chuyện đánh giá đạo đức người khác là nhạy cảm và trong trường học, nơi học sinh được học tập để trở thành công dân dân chủ thì chuyện giáo viên đánh giá đạo đức học sinh là điều khó có thể tưởng tượng. Đơn giản vì người Nhật quan niệm đạo đức hay nhân cách con người khó có thể được đoán định, đánh giá chỉ thông qua học lực và các hành vi tuân thủ hay không tuân thủ nội quy của trường học (đi học muộn, làm bài tập…)”.[1]
Đánh giá hạnh kiểm, kết quả rèn luyện của học sinh sau mỗi học kì, sau mỗi năm học liệu có cần thiết?
Người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt hàng đề tài nghiên cứu về vấn đề này cho các nhà khoa học, nghiên cứu sinh tiến sĩ, tìm ra giải pháp tốt nhất, phù hợp với thực tế nước ta, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm áp lực cho cả thầy và trò.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/su-khac-biet-trong-cach-danh-gia-hoc-sinh-giua-viet-nam-va-phan-lan-nhat-ban-post176391.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Sơn Quang Huyến