Giáo sư Văn Như Cương: ‘Osin và gia sư làm hư con’
Gặp Giáo sư Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội) khi hàng triệu học sinh Việt Nam vừa bước vào năm học mới, người thầy giáo với hàng chục năm gắn bó với ngành giáo dục vẫn mang trong mình nhiều trăn trở.
Cuộc trao đổi của chúng tôi với Giáo sư sẽ đưa đến cho phụ huynh đặc biệt những bố mẹ có con vừa bước vào lớp 1 có những kinh nghiệm quý báu.
Osin, gia sư làm hư con
– Năm học mới 2013-2014 đã bắt đầu được ít ngày, có lẽ còn quá sớm để nói đến những kết quả sẽ làm được khi kết thúc năm học. Tuy nhiên, xin Giáo sư cho biết những điều mà bản thân kỳ vọng ngành sẽ làm được trong năm học này?
Nếu bây giờ chưa có kế hoach lâu dài để thay đổi cơ bản, toàn diện thì ngành giáo dục ít nhất cũng nên thay đổi những điều mà rõ ràng là không tốt. Ví dụ một trong những vấn đề xã hội đều thấy trong hàng chục năm nay là chương trình quá nặng nề, học sinh học rất vất vả. Về việc này, trong năm nay, Bộ có thể làm được việc chỉ thị những môn học nào, chương trình nào cắt bỏ những chương hay bài nào.
Việc giảm tải đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo thực hiện trong vài năm trở lại đây nhưng đó là đưa ra những cắt giảm vụn vặt, chắp vá như môn Toán bỏ ví dụ này, ví dụ kia… Ngoài vấn đề giảm tải, cần làm quyết liệt để chấn chỉnh và chống việc dạy thêm học thêm. Điều này đã được ngành giáo dục thực hiện nhưng vẫn chưa đi đến đâu. Lễ khai giảng năm học mới đã hoàn tất, tôi rất mong muốn, ngành giáo dục sẽ giảm tải chương trình phổ thông.
– Bức tâm thư của Giáo sư gửi tới phụ huynh vào thời điểm cả nước rộn ràng không khí khai giảng năm học mới đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Những gì được đề cập là tâm huyết của bản thân nhưng qua đó phải chăng Giáo sư cũng nhận ra cách giáo dục con của phụ huynh đang có vấn đề?
Trong cách dạy con của phụ huynh hiện nay đúng là có vấn đề. Một trong những cách dạy của một số phụ huynh là chiều chuộng con cái quá mức và không bắt con làm gì. Và chính osin và gia sư làm hư con. Vì osin làm thay tất cả từ việc nhỏ đế việc lớn, biến đứa trẻ thành không biết lao động.
Khi trẻ đến trường mầm non, được cô giáo hướng dẫn tự cởi giày dép, mũ, cặp để đúng nơi quy định. Trẻ con rất thích làm những việc này. Tuy nhiên, khi về đến nhà, dép cởi ra sẽ có osin đi cất. Lên cấp 2, khi về nhà, thay quần áo có người giặt và gấp. Ăn cơm xong không phải rửa bát vì có osin hoặc mẹ làm thay.
Còn về gia sư làm cho trẻ không động não. Ví dụ ngày mai thầy giáo chữa bài tập, nếu tối nay không có gia sư đến dạy thì trẻ sẽ tự làm, suy nghĩ, đến khi không làm được thì trẻ sẽ tự hỏi bạn bè hoặc bố mẹ. Tuy nhiên, vì có gia sư đến dạy, nếu giảng mà không hiểu thì gia sư sẽ nói mở vở ra rồi đọc cách giải luôn.
Ngày hôm sau, trẻ đưa 3 bài toán lên bảng, thầy giáo cho 10 điểm. Khi phụ huynh thuê gia sư kèm con em mình thì gia sư phải tạo được sự tin tưởng bằng việc học sinh tiến bộ. Vì vậy người gia sư phải tỏ ra là học sinh mình dạy kèm đang tiến bộ nhưng rõ ràng không có tiến bộ gì cả.
Giáo sư Văn Như Cương cho rằng: “Tiểu học chỉ nên vừa học vừa chơi, phụ huynh không nên quá lo lắng” Cũng cách đây ít hôm, cộng đồng mạng xôn xao về câu chuyện học mầm non ở Nhật Bản. Cách dạy về tự lập của người Nhật khiến mọi người không khỏi choáng. Phụ huynh Việt Nam dường như đã nhận ra được tác dụng của điều này, nhưng theo Giáo sư vì sao ngành giáo dục chúng ta chưa làm được những điều như họ?
Tôi nghĩ rằng cách giáo dục này đã được một số trường mầm non bài bản ở Việt Nam đưa vào áp dụng. Tuy nhiên, giữa phụ huynh và nhà trường cần có sự phối hợp. Bởi vì, có khi trẻ về nhà, vứt đôi dép ra sàn thì bố mẹ cần nhắc nhở con để đúng chỗ, chứ không phải làm thay hay để osin làm.
Hay ví dụ như khi ở trường dạy về luật giao thông có quy định khi gặp đèn đỏ phải dừng lại. Tuy nhiên, trên đường đón con về, qua chỗ ngã tư có đen đỏ thấy vắng vẻ có bố mẹ vẫn sẵn sàng vượt. Như vậy là phản tác dụng. Cho nên, giáo dục ở gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp để đạt được hiệu quả.
– Không ít phụ huynh nói muốn dạy con tự lập nhưng lại sợ con bị mệt hay không lo được cho bản thân nên lại giúp con làm mọi việc. Phải chăng điều này là mâu thuẫn ngay trong suy nghĩ của nhiều bố mẹ?
Mâu thuẫn trong phụ huynh như vậy là rõ ràng, với bố mẹ không có quan điểm thì một bên nói muốn con tự lập nhưng lại cứ thích làm hộ con mọi việc. Tuy nhiên, điều đáng nói nữa. là sai lầm ngay trong nhận thức. Có phụ huynh quan niệm để cho con tự lập là cho con thời gian, tiền bạc để con suốt ngày chỉ có học, đi học các lò luyện thi hay mua đồ xịn để trao đổi với bạn bè… song điều này không biết đang vô tình làm hư con.
Hiểu biết và thời gian dạy con còn thiếu
– Vấn đề trường điểm, lớp chọn đã bớt nóng trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những phụ huynh còn xem đây là chuyện rất quan trọng và tạo áp lực cho con. Phải chăng tâm lý thích cái gì cũng nhất của phụ huynh, khiến căn bệnh trầm kha này chưa thực sự chấm dứt?
Với nhiều phụ huynh, cái gì cũng muốn mình là nhất. Trong lớp, muốn con là nhất, chỉ cần xuống vị trí thứ hai hay ba đã ;là không bằng lòng. Tôi đồng tình với việc không chấm điểm ở lớp 1. Đi học không phải là để xếp thứ tự hay xem học sinh nào hơn học sinh nào. Vân đề quan trọng là phải biết con mình như thế nào và cách dạy con.
Một năm học mới đã bắt đầu với bao kỳ vọng về sự đổi mới của ngành giáo dục. (Ảnh minh họa) Có phụ huynh cố gắng cho con vào trường tiểu học mà người này truyền tai người kia là trường điểm để hơn những đứa trẻ khác, hết tiểu học thì vào trường THCS cũng được truyền tai là “trường điểm”… để vào đại học.
Mục tiêu cuối cùng mà hầu hết phụ huynh hướng đến cuối cùng là đại học. Nhiều phụ huynh vẫn có suy nghĩ,muốn vào đại học thì cứ phải ở vị trí cao trong lớp.
– Điều đó có nghĩa sự kỳ vọng mà không ít phụ huynh Việt Nam đặt lên vai con đang quá lớn, thưa Giáo sư?
Kỳ vọng vào con cái bao giờ bao giờ cũng có, vấn đề đặt ra là đôi khi kỳ vọng không đánh giá đúng năng lực của con để đặt ra mục tiêu vừa phải. Tại sao nhiều gia đình biết năng lực của con không thể đổ đại học mà vẫn cứ bắt đi học thêm. Rõ ràng trong tư tưởng của nhiều người vẫn nghĩ là học để làm quan.
Có những nghề như đầu bếp, làm tóc… có thể chỉ cần học trung cấp mà vẫn rất vinh quang nhưng nhiều người trong xã hội vẫn chưa hiểu được điều này.
– Như Giáo sư nói ở trên về chuyện phụ huynh cố gắng bù đắp cho con bằng việc cho tiền mua cái này cái kia nhưng dường như vẫn còn tồn tại một “khoảng trống” trong việc dạy con hiên nay?
Hiểu biết và thời gian của phụ huynh để dạy con còn thiếu. Ở các nước trên thế giới, có những lớp học dạy dỗ cách làm bố, làm mẹ như thế nào. Nếu không có những lớp như vậy thì báo chí cần có các chuyên đề hướng dẫn thêm về điều này.
Nhiều phụ huynh bây giờ phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, không phải lúc nào cũng có mặt đầy đủ cha mẹ và con cái trong bữa cơm gia đình để trò chuyện với nhau..
Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc giáo dục, khuyên răn con. Bởi chỉ cần thông qua bữa cơm có thể tâm sự, hướng dẫn để con em hiểu hơn về những điều trong cuộc sống.
– Một chương trình học như Giáo sư nói là quá nặng, có vẻ như việc dạy chữ đang được chú ý hơn là yếu tố dạy làm người?
Gia đình lăn lộn với mưu sinh, bận rộn là thế, trách nhiệm của nhà trường là dạy học sinh về lòng nhân ái, cái đúng, cái sai…Ví dụ hai bạn đánh nhau, thái độ của mình trước sự việc đó như thế nào, báo cáo với cô giáo hay đứng ngoài cổ vũ…
Việc dạy về làm người không thể chỉ dừng ở việc học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân với lý thuyết sách vở. Chúng ta phải để các em tự giáo dục nữa, cho học sinh tham gia các chuyến dã ngoại là điều cần thiết.
Cần có quy định rõ ràng, khi đến trường, bao nhiêu phần trăm chương trình học kiến thức văn hóa, bao nhiêu phần trăm học về làm người. Theo tôi cần ở mức cân bằng 50-50.
Tiểu học chỉ nên “vừa học vừa chơi”
– Hiện nay, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1. Giáo sư có ý kiến như thế nào về điều này?
Việc bố mẹ cho con học thêm trước khi vào lớp 1 là rất có hại. Bởi, chương trình lớp 1 của Việt Nam không nặng lắm. Tuy nhiên, có tình trạng một số thầy cô làm nặng thêm chương trình.
Như cháu tôi khi học lớp 2, gần 23h đêm vẫn gọi điện để nhờ giảng về một bài toán ngoài sách giáo khoa. Hoặc trước khi về Tết, có thầy cô ra tới 20 bài khó để học sinh làm. Khi viết sách giáo khoa không ai đưa ra những bài như thế cả.
– Vậy, Giáo sư có lời khuyên như thế nào với phụ huynh vừa có con bước vào lớp 1 – ngưỡng cửa quan trọng trong hành trình học tập kéo dài trước mắt?
Khi con học tiểu học thì chỉ nên vừa học vừa chơi, phụ huynh không nên quá lo lắng. Bây giờ áp dụng không chấm điểm nữa thì hãy để các cháu được thoải mái. Sự học là một cuộc chạy marathon, không ai chạy nước rút ngay khi mới bắt đầu. Học cũng cần sự thong thả, có thời gian nghỉ ngơi. Chạy nước rút là giai đoạn cuối chứ không phải ngay khi vừa bắt đầu.
– Xin Giáo sư bật mí một chút kinh nghiệm về cách dạy con học và đối nhân xử thế của gia đình?
Với gia đình tôi, có kinh nghiệm nào của ông cha thì tôi áp dụng để dạy con. Tôi để con cái tự học, khi con hỏi thì giải thích cặn kẽ. Tôi chú ý tới thời gian học của các con, khi học cần chú tâm và tập trung. Tôi không cho con đi học thêm, chỉ có những năm cuối cấp có nhóm bạn. Còn với việc dạy đối nhân xử thế, trước hết bố mẹ phải làm gương trong ứng xử với hàng xóm làng giềng, bạn bè, học sinh…
Xin cám ơn Giáo sư!
Giáo sư Văn Như Cương sinh năm 1937. Quê quán làng Quỳnh Đôi, Huyện Quỳnh Lưu – Tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cha của ông là một thầy giáo dạy chữ Hán trong làng
Ông từng học chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ Toán năm 1971
Ông từng giảng dạy tại Khoa Toán (Đại học Sư phạm Hà Nội), Đại hoc Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh)
Ông là chủ biên của nhiều đầu sách giáo khoa, tham khảo và giáo trình đại học.
Năm 1989, ông mở trường THPT DL Lương Thế Vinh,Hà Nội và liên tục giữ vai trò Hiệu trưởng từ đó đến nay.
Theo Khám phá