Giáo sư đại học lo ngại khi điểm chuẩn đại học sát ngưỡng tuyệt đối

Tường Vân

  –  

Thứ tư, 21/09/2022 06:00 (GMT+7)

Câu chuyện phải đạt gần điểm tuyệt đối 3 môn mới đỗ đại học là sự thật xảy ra tại mùa tuyển sinh năm nay. Điều này khiến nhiều chuyên gia bày tỏ e ngại về tình trạng “lạm phát” điểm chuẩn khi xét tuyển đại học.

Giáo sư đại học lo ngại khi điểm chuẩn đại học sát ngưỡng tuyệt đối
Mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều ngành có mức điểm chuẩn gần kịch trần.

Điểm chuẩn gần đạt ngưỡng tuyệt đối

Mùa tuyển sinh năm nay, tại nhiều ngành đào tạo, thí sinh phải đạt mức điểm gần tuyệt đối mới có cơ hội trúng tuyển. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là: Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng đều là 29,95 điểm. Kế tiếp là ngành Báo chí với 29,9 điểm.

Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Sư phạm Lịch sử chất lượng cao cùng lấy 39,92 điểm (thang điểm 40) và ngành Sư phạm Lịch sử lấy 29,75 điểm (thang điểm 30).

Một số ngành của các trường đại học khác cũng có điểm chuẩn cao gần chạm ngưỡng 30 như ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội lấy điểm chuẩn là 29,5 điểm; chuyên ngành Trung Quốc học, Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn 29,25 điểm,…

Mức điểm này đồng nghĩa thí sinh phải đạt gần 10 điểm/môn bao gồm cả điểm ưu tiên, khu vực, đối tượng thì mới có thể trúng tuyển vào các ngành kể trên.

TS Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính nhận định, mặt bằng chung, điểm chuẩn năm nay thấp hơn năm ngoái, tuy nhiên, một số trường có điểm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng.

“Tại một số trường, số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ít. Bên cạnh đó, các trường xét tuyển nhiều phương thức nên chỉ còn một tỉ lệ nhất định cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi vậy, điểm trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT cao hơn các phương thức khác là điều dễ hiểu” – ông Tùng nói. 

“Cứ thất thường và thiếu bản lĩnh như thế, thật khó lường cho thí sinh”

Nhìn vào mức điểm chuẩn đại học năm nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội không cảm thấy vui mừng mà ngược lại “thấy nóng hết cả mặt” khi một số ngành học điểm chuẩn liên tục tăng trong nhiều năm qua.

Ông cho rằng, việc sử dụng kết quả thi THPT để tuyển vào đại học khi đề thi cực dễ như những năm 2020, 2021, 2022, lại cộng thêm việc coi thi, chấm thi ở các địa phương khác nhau, có thể rất khác nhau, thậm chí là có vấn đề, là hết sức nguy hiểm và có thể để lại những hệ lụy lâu dài và nguy hiểm với giáo dục đại học Việt Nam.

“Đã thế, đề thi THPT lại chạy theo dư luận. Năm ngoái tiếng Anh điểm cao, mưa điểm giỏi, khoảng 20% từ điểm 8 trở lên, xã hội kêu, thì năm nay lại thít lại hơn 10%; năm 2018, tỉ lệ này dưới 5%. Môn Lịch sử, điểm thấp, dư luận xã hội lên tiếng, đại biểu quốc hội lên tiếng, tốn bao là giấy bút, thế là chỉ từ 5,44% thí sinh điểm 8 trở lên, năm nay tỉ lệ này 18,1% (chả trách điểm khối C00 cao ngất). Cứ thất thường như thế, thật khó lường cho thí sinh.

Theo định hướng của Bộ, việc tuyển sinh dùng kết quả THPT như hiện nay cơ bản ổn định, kéo dài đến 2025. Cũng theo Luật Giáo dục đại học mới sửa đổi, tuyển sinh đại học là việc của các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo là vô can.

Với cách diễn đạt này trong Luật, Bộ giũ bỏ được trách nhiệm và áp lực lên Bộ về kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng trên thực tế hiện nay lại không phải như vậy. Cũng cần phải hiểu cho đúng, thế nào là tuyển sinh là việc của các trường, giao cho các trường? Mạnh trường nào tổ chức thi riêng cho trường ấy cũng không ổn.

Thí sinh muốn thử sức vào nhiều trường, lại phải trải qua nhiều kỳ thi riêng khác nhau. Hơn nữa rất dễ nảy sinh tiêu cực khi chuyển trường, chuyển ngành ở những ngành hot. Phải có mặt bằng năng lực chung để đảm bảo khách quan và công bằng” – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.

Từ những phân tích trên, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vấn đề đổi mới tuyển sinh đại học một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể đứng ngoài cuộc. Các cơ quan nhà nước, Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc. Và xem ra, nếu không học thật, thi thật, nhân tài thật; không đổi mới một cách bài bản, căn cốt để tuyển đầu vào có chất lượng, thực chất; cứ nhắm mắt buông xuôi chạy theo số lượng (dễ dãi đầu vào, tăng quy mô – để đủ kinh phí trang trải cho tự chủ), giáo dục đại học Việt Nam sẽ còn nhiều truân chuyên” – ông Đức nêu quan điểm.