Giáo dục STEM: Khuyến khích sự sáng tạo trong học sinh
Những năm gần đây, giáo dục STEM được Sở GD&ĐT khuyến khích đưa vào trường học. Hoạt động này là cơ hội khuyến khích khả năng sáng tạo, vận dụng tổng hợp kiến thức, tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cô giáo Hoàng Ngọc Cầm tổ chức bài học STEM cho học sinh lớp 8A4, Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc (TP Hạ Long).
Từ năm học 2020-2021 Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc (TP Hạ Long) triển khai giáo dục STEM. Ban đầu chỉ là hình thức hoạt động ngoại khóa; đến nay Trường đã đưa giáo dục STEM vào các môn học Toán, Lý, Hóa… Đối với các khối lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các giáo viên thiết kế bài học STEM theo nội dung kiến thức, như thực hành trải nghiệm trong môn Toán, thời lượng từ 7-10 tiết, có 2/3 chủ đề dạy được dưới dạng bài học STEM. Đối với các khối vẫn học chương trình cũ, giáo viên chọn chủ đề để tự xây dựng bài học STEM trong môn học đảm bảo ít nhất 1 chủ đề/năm học, tối đa là 3 tiết học.
Cô giáo Hoàng Ngọc Cầm, Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, chia sẻ: Triển khai bài học STEM, giáo viên vất vả hơn vì phải chuẩn bị nội dung, các phiếu đánh giá, hướng dẫn học sinh chuẩn bị dụng cụ. Cái khó nhất là làm thế nào để kết nối kiến thức nền với sản phẩm thực hành.
Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc hiện có 942 học sinh, 21 lớp, 35 giáo viên. Để triển khai giáo dục STEM hiệu quả, hằng năm nhà trường đều tạo điều kiện để giáo viên tham gia các buổi tập huấn chuyên môn do Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT tổ chức. Cô giáo Vũ Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, cho biết: Giáo dục STEM mang lại hiệu quả khá cao đối với hoạt động dạy và học trong nhà trường. Học sinh phát triển tư duy phản biện, kỹ năng thực hành, tạo động lực để các em tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Khi tham gia Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp thành phố, cấp tỉnh, nhà trường giành nhiều giải cao. Năm nay học sinh của nhà trường giành giải ba cấp tỉnh, giải nhì cấp thành phố Cuộc thi này.
Thầy giáo Tạ Huy Tám hướng dẫn học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc thực hiện sản phẩm hệ thống bán hàng tính tiền thu ngân tự động nhờ trí tuệ nhân tạo trong siêu thị.
STEM là một chương trình giảng dạy được thiết kế để trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineer), toán học (Math). Thuật ngữ STEM ra đời do ghép bốn chữ cái đầu tiên theo tên tiếng Anh của bốn chuyên ngành tự nhiên quan trọng mà nó hướng đến.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có trên 88.000 lượt bài dạy STEM đã và đang được triển khai tại các cơ sở giáo dục trung học trên cả nước trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023. Tại tỉnh Quảng Ninh, ở cấp trung học, giáo dục STEM đã được các địa phương chủ động thực hiện từ nhiều năm nay, bằng nhiều hình thức, dưới hình thức trải nghiệm hoặc tổ chức các câu lạc bộ, gắn hoạt động STEM vào các cuộc thi. Với cấp mầm non, một số trường đã bắt đầu đưa bài học STEM vào hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Học sinh Trường THPT Cẩm Phả đoạt giải ba tại Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2022-2023.
Đối với giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn chính thức từ năm học 2022-2023. Trong đó, các môn học theo bài học STEM được triển khai tối thiểu 2 chủ đề/học kỳ/lớp. Đối với trường đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM trong giờ chính khóa hoặc ngoài giờ chính khóa. Đối với trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM ngoài giờ chính khóa. Hoạt động làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật ở mức độ khởi đầu, thời gian, nội dung hoàn toàn linh hoạt, đáp ứng nguyện vọng và năng lực của các học sinh tham gia, đồng thời phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, năng lực hướng dẫn nghiên cứu khoa học của giáo viên của đơn vị.
Giáo dục STEM đã góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Thông qua đó, có những tác động tích cực, làm chuyển biến công tác dạy và học tại các nhà trường, học sinh được thực hành, trải nghiệm, học tập gắn với cuộc sống thực tế.