Giáo dục nghề nghiệp là gì?

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế dẫn tới đòi hỏi về mặt chuyên môn thì sự quan tâm đối với lĩnh vực giáo dục ngày càng nâng cao. Định hướng phát triển sau khi rời xa mái trường cấp Trung học phổ thông cũng có nhiều lựa chọn hơn.

Giáo dục nghề nghiệp cũng đang là một trong những xu thế được lựa chọn đông đảo. Vậy giáo dục nghề nghiệp là gì? Các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp? Những cơ hội và thách thức như thế nào đang chờ đợi giáo dục nghề nghiệp?

Trong bài biết lần này chúng tôi sẽ đi sâu vào phân tích cho các bạn.

Giáo dục nghề nghiệp là gì?

Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên theo quy định tại khoản 1 – Điều 3 – Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014.

Hiểu được khái niệm giáo dục nghề nghiệp, trong phần tiếp theo Quý độc giả sẽ có thêm thông tin giải đáp các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp là gì?.

Các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp

Các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp được quy định rõ ràng, chi tiết tại Điều 35 – Luật giáo dục năm 2019 như sau:

“ Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.”

Như vậy giáo dục nghề được phép đào tạo bốn trình độ:

+ Trình độ sơ cấp;

+ Trình độ trung cấp;

+ Trình độ cao đẳng;

+ Chương trình đào tạo nghề nghiệp khác.

Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế; bảo đảm năng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học trình độ cao hơn. (theo quy định tại Điều 36 – Luật giáo dục năm 2019)

Những cơ hội và thách thức của giáo dục nghề nghiệp

Cơ hội:

Đối với thị trường hội nhập quốc tế hiện nay, sự phát triển của các lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi đáng kể các quy trình công nghệ trong sản xuất, thậm chí đã làm mất đi vai trò của một số ngành nghề và mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực mới, ngành nghề mới. Điều này dẫn đến những đòi hỏi về kiến thức, năng lực chuyên môn của những ngành nghề khác nhau. Nắm bắt được tình hình đó, đây chính là cơ hội lợi đối với giáo dục nghề nghiệp.

Nếu chúng ta phán đoán được những ngành nghề sẽ thiếu hụt lao động trong những năm tiếp theo, thay đổi hướng đào tạo để cho ra người lao động đáp ứng được yêu cầu của thị trường đó thì chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội mới.

Hơn thế nữa dân số của nước chúng ta đang là dân số “vàng”. Lợi thế về việc những người trẻ tuổi đi theo con đường giáo dục ngành nghề là rất lớn.

Theo những thống kê về mặt số lượng thì 85% người học giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm ngay. Đây cũng là một con số khả quan, tạo tiền đề thu hút lượng lao động dồi dào của chúng ta.

Thách thức:

Bên cạnh những cơ hội mở ra đó, giáo dục ngành nghề cũng đối mặt với những thách thức nhất định. Thách thức có thể kể đến như giáo dục nghề nghiệp hiện chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất đối với học sinh, tuyển sinh khóa khăn, các điều kiện đảm bảo còn hạn chế; hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo còn chưa bền vững.

Mặc dù trên thực tế hiện nay, chúng ta có một mạng lưới dày đặc các cơ sở dạy nghề trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Thế nhưng thực trạng thiếu lao động có trình độ cao, tay nghề chuyên môn giỏi đang đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp, khiến cho họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp

Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp bao gồm các mục tiêu sau đây:

Mục tiêu chung

– Đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế;

– Bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

Mục tiêu cụ thể

– Đào tạo trình độ sơ cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề;

– Đào tạo trình độ trung cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ sơ cấp và thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm;

– Đào tạo trình độ cao đẳng để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết giáo dục nghề nghiệp là gì? Quý độc giả hãy liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp nhanh theo số 1900 6557.