Giáo dục hòa nhập chất lượng cho trẻ em tự kỷ
“Giáo dục hòa nhập chất lượng cho tất cả” là chủ đề cho Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ 2/4.
(Ảnh: jagrantv.com)
Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ” được tổ chức hàng năm nhằm kêu gọi và tập trung chú ý vào sự cần thiết phải cải thiện chất lượng cuộc sống của những người tự kỷ, cũng như nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cho những người mang khuyết tật này.
Bên cạnh đó, Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ cũng nhằm tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng đối với người tự kỷ. Đó là việc phát hiện sớm, đánh giá kịp thời và có kế hoạch can thiệp phù hợp đối với trẻ tự kỷ, mà trước hết là sự đồng hành của cha mẹ để giúp trẻ có cơ hội phát triển. Đó còn là những chương trình mang việc làm hay đưa người tự kỷ hòa nhập xã hội.
Trên thế giới, tỷ lệ người mắc chứng tự kỷ rất cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên toàn thế giới, cứ 160 người thì có 1 người tự kỷ. Tự kỷ là một rối loạn lan tỏa sự phát triển do bất thường của não bộ xuất hiện sớm trong những năm đầu đời. Tự kỷ không phân biệt giới tính, chủng tộc hay tình trạng kinh tế xã hội.
Trẻ bị tự kỷ có những biểu hiện kém tương tác xã hội, bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi. Do truyền thông chưa đến được với nhiều phụ huynh, các bậc cha mẹ chưa nhận thức rõ về các dấu hiệu báo động của tự kỷ, dẫn đến việc không phát hiện kịp thời để đưa trẻ đi thăm khám và lên kế hoạch can thiệp. Theo các chuyên gia y tế, nếu không được can thiệp sớm đúng phương pháp, vấn đề tự kỷ có thể làm cho trẻ chịu những hệ quả rất nặng nề như không nói được, không giao tiếp được, không tự phục vụ bản thân được suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng hướng, đúng cách, trẻ tự kỷ vẫn có thể phát triển và rút ngắn khoảng cách so với những trẻ cùng trang lứa khác. Trong can thiệp trẻ tự kỷ, phương pháp can thiệp dựa trên chơi là một trong những cách thức tốt nhất để tiếp cận và hòa mình vào “thế giới” của trẻ.
Mục tiêu phát triển bền vững số 4
Ngày 25 – 27/9/2015, Hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã diễn ra tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Mỹ), với sự tham dự của 193 quốc gia thành viên. Tại hội nghị, các đại biểu đã chính thức thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu năm 2030 gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, thay thế 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ được thực hiện từ năm 2000 đến năm 2015
Mục tiêu Phát triển Bền vững 4 (SDG 4) tập trung vào việc đảm bảo giáo dục hòa nhập và bình đẳng có chất lượng, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi đối tượng, làm nền tảng để cải thiện cuộc sống của toàn dân và giảm sự bất bình đẳng.
Các mục tiêu cụ thể cho SDG 4 đề cập đến nhu cầu đảm bảo “tiếp cận bình đẳng với tất cả các cấp học và dạy nghề” cho người khuyết tật và xây dựng các cơ sở giáo dục nhằm cung cấp “môi trường học tập hòa nhập và hiệu quả cho tất cả mọi người.”
Về mục tiêu này, SDGs đã lặp lại nội dung trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật. Điều 24 của Công ước công nhận rằng người khuyết tật có quyền được giáo dục hòa nhập, có chất lượng trên cơ sở bình đẳng với những người khác và phải cung cấp chỗ ở phù hợp theo yêu cầu của cá nhân.
Giáo dục hòa nhập chất lượng đối với trẻ tự kỷ
Từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, phần lớn các quốc gia đã thông báo tạm thời đóng cửa các trường học, ảnh hưởng đến hơn 90% học sinh trên toàn thế giới. Sự gián đoạn trong học tập do đại dịch gây ra đã làm đảo lộn quá trình giảng dạy và học tập, đồng thời, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục.
Nhiều học sinh mắc chứng tự kỷ đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt nghiêm trọng. Các nghiên cứu cho thấy người bị tự kỷ đã bị ảnh hưởng rất nhiều do sự gián đoạn các quyền lợi, cũng như các dịch vụ và hỗ trợ mà họ vốn đang được hưởng.
Năm nay, Liên hợp quốc công bố chủ đề Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ 2/04 là “Giáo dục hòa nhập chất lượng cho tất cả”. Chủ đề năm nay là sự tiếp nối với chủ đề năm 2021 – “Hòa nhập tại nơi làm việc”, nhằm nhấn mạnh rằng người tự kỷ cũng có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng như những người khác. Việc thúc đẩy giáo dục hòa nhập chất lượng cho những người mắc chứng tự kỷ sẽ giúp họ phát huy hết tiềm năng của mình và đạt được thành công bền vững khi tham gia thị trường lao động. Hơn nữa, giáo dục hòa nhập còn là chìa khóa cho lời hứa mang tính đột phá của các Mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau”./.