Giáo dục giới tính trong trường học – thiếu và muộn
Những tiết học giáo dục giới tính ở trường luôn khiến Phạm Thanh Nga, nữ sinh một trường công lập ở quận Cầu Giấy, ngượng ngùng.
Nga cho biết các em được học nội dung này trong chương XI Sinh sản ở bộ môn Sinh học lớp 8. Chương có các bài giới thiệu về cơ quan sinh dục nam, nữ, sự thụ tinh, thụ thai và các biện pháp tránh thai. Sinh sản là chương cuối cùng của sách sinh học 8, không nằm trong nội dung của các bài kiểm tra, giáo viên chỉ “lướt qua” nên học sinh cũng ít quan tâm. Nga không nhớ đã học gì trong các tiết giáo dục giới tính ấy.
“Sĩ số lớp em chia đều cho cả nam và nữ. Chúng em đang ở tuổi mới lớn nên khi học những bài này, ai cũng mong chuyển chủ đề và không muốn đề cập đến vì ngại”, Nga, hiện học lớp 9, kể.
Nga cho hay, giáo dục giới tính ít được nhắc tới ở các lớp dưới nên khi bắt đầu học, các em cảm thấy ngượng. Các bài giảng về giới tính trên lớp có cách tiếp cận thiếu tự nhiên và gần gũi khiến học sinh đã ngại lại càng không muốn trao đổi. Thời lượng học trong sách không nhiều, trong khi các buổi trò chuyện giáo dục giới tính ít được tổ chức.
“Giáo viên đôi khi cũng thiếu cởi mở làm cho học sinh cảm thấy chủ đề này không quan trọng. Nếu có thắc mắc, chúng em tìm tới nhóm bạn thân để chia sẻ, thay vì đặt câu hỏi công khai”, Nga nói.
Bài 61 sách Sinh học 8 dạy về cơ quan sinh dục nữ.
Trong khi đó, Nguyễn Diệu Linh, lớp 11 một trường tư thục ở quận Hà Đông, cảm thấy thoải mái, không bỡ ngỡ hay ngại ngần khi học về giáo dục giới tính. Linh cho hay các trường tư thục thường chú trọng tới nội dung này cho học sinh thông qua nhiều hoạt động.
Từ những năm cấp dưới, Linh được tham gia nhiều buổi trò chuyện cùng chuyên gia, những tiết sinh hoạt về chủ đề giáo dục giới tính do trường tổ chức. Em được mở rộng kiến thức, có thêm thông tin và học kỹ năng. Ngoài ra, các giáo viên cũng được khuyến khích có phương pháp dạy học sáng tạo, sinh động bằng hình ảnh, video.
Nữ sinh cho biết, năm lớp tám, khi học đến bài bộ phận sinh dục của nam ở môn sinh học, giáo viên dành một buổi để giảng lý thuyết. Hôm sau, các bạn nữ sẽ lên thuyết trình về nội dung đó. Giờ tiếp theo học về bộ phận sinh dục nữ sẽ tới lượt các nam sinh. Để bài thuyết trình thu hút, bên cạnh thông tin trong sách giáo khoa, Linh và các bạn phải lên mạng tải về những hình ảnh, video khoa học.
“Em thấy cách tiếp cận đó hay. Các bạn nữ không chỉ cần hiểu rõ cơ thể mình mà còn phải hiểu cả cơ thể của bạn khác giới để có sự tôn trọng lẫn nhau. Buổi học như vậy diễn ra rất vui vẻ, chúng em được thoải mái đặt câu hỏi với cô giáo, miễn là trong phạm vi bài học”, Linh nói.
Một buổi chia sẻ kiến thức về phòng tránh xâm hại tình dục ở thanh thiếu niên của trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, thực hiện qua Zoom. Ảnh: Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng
Trong các trường học hiện nay, giáo dục giới tính không phải môn riêng biệt mà được lồng ghép, tích hợp với môn học khác như Khoa học và Sinh học. Theo cô Đào Thị Thu Hường, giáo viên trường Tiểu học Đa Tốn, chương trình giáo dục giới tính được bắt đầu học từ lớp năm, trong môn Khoa học. Trước đó, ở lớp ba, các con đã làm quen với cách vệ sinh thân thể nhưng phải đến lớp năm mới có những bài về giáo dục giới tính ở chủ đề Con người và Sức khỏe.
Chủ đề gồm các bài về sự sinh sản, phân biệt nam hay nữ, cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào, cần làm gì để cả mẹ và bé đều khỏe, tuổi dậy thì và vệ sinh ở tuổi dậy thì… Các nội dung này chia thành 10 tiết và được dạy trong năm tuần.
Cô Hường cho hay, một số học sinh lớp năm đã dậy thì, thường xấu hổ khi học bài về giới tính. Vì vậy, trước mỗi bài giảng, cô phải giải thích đây là sinh lý của cơ thể con người và chúng ta cần biết để hiểu được giá trị bản thân, biết trân trọng, bảo vệ cơ thể mình và tôn trọng cơ thể của người khác.
Trong tiết phòng tránh xâm hại, cô còn sưu tầm video và các tình huống giúp học sinh dễ hiểu hơn. Cô không né tránh nội dung nhạy cảm song sẽ lựa chọn từ ngữ diễn đạt cho phù hợp với lứa tuổi các con.
Cô Hường cho rằng, các bài giáo dục giới tính hiện còn sơ sài, thiếu hợp lý. Nội dung chăm sóc mẹ bầu và em bé, vốn chưa thực sự cần thiết với học sinh lớp năm, có thể thay bằng một số tiết nói về chăm sóc bản thân và cách phòng tránh xâm hại.
“Những kiến thức giáo dục giới tính nên được dạy từ sớm hơn để các con không ngượng ngùng ở các lớp trên. Khi được trang bị kiến thức, kỹ năng sớm, con sẽ chủ động phòng tránh và biết cách bảo vệ mình”, cô Hường chia sẻ.
Là giáo viên Sinh học lâu năm, cô Trần Thị Kim Anh, trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, đánh giá nội dung giáo dục giới tính “rất quan trọng và cần thiết”, tuy nhiên hiện chưa được chú trọng. Ở bậc tiểu học, học sinh được học sơ lược nhưng đến lớp tám sẽ có một chương chuyên sâu về sinh sản.
“Cách xây dựng chương trình vẫn hàn lâm, chưa có các câu hỏi gắn liền thực tế, buộc giáo viên phải dựa vào kinh nghiệm để chia sẻ với học trò”, cô Kim Anh nói.
Cô cho hay cùng dạy về chương sinh sản nhưng không phải giáo viên nào cũng có khả năng truyền đạt, liên hệ, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên. Một số giáo viên trẻ tránh nói sâu về chủ đề này vì ngại, trong khi các cô đã có gia đình sẽ chủ động mở rộng kiến thức vì nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục giới tính. Không chỉ dạy trong các giờ chính khóa, cô Kim Anh còn lồng ghép trong những buổi sinh hoạt lớp.
“Cách tiếp cận khoa học, bài bản, không né tránh của giáo viên sẽ giúp học sinh nhìn nhận nội dung này một cách nghiêm túc”, giáo viên Sinh học cho hay.
Do nội dung giới tính trong sách ít, cô Kim Anh phải tìm hiểu thêm tài liệu để bài giảng trở nên hấp dẫn với học trò. Cô mong muốn các công ty giáo dục hay nhà xuất bản hỗ trợ thêm video mô phỏng để có tư liệu dạy học hiệu quả hơn.
Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, cựu giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, giáo dục giới tính trong trường học đang “thiếu, ít và muộn”. Chương trình mới có đề cập sâu hơn nhưng nội dung mỏng và không đáp ứng được nhu cầu học sinh. Giáo dục giới tính ở tiểu học được lồng ghép trong môn Khoa học, trong khi bậc trung học cơ sở, nội dung này ở cuối chương trình Sinh học lớp tám.
“Cách bố trí cho thấy những nội dung này không quan trọng. Nếu để ở cuối sách như vậy, bài học sẽ rơi vào tuần chuẩn bị thi học kỳ hoặc tuần dự trữ sau thi học kỳ. Các con lớp tám hầu hết đã dậy thì cũng không còn quan tâm nữa”, tiến sĩ Hương phân tích, bày tỏ lo ngại, thay vì được xem là một môn riêng, có bài kiểm tra đánh giá, giáo dục giới tính lại được ghép vào môn khác.
Giáo viên hướng dẫn trẻ tìm hiểu về bộ phận sinh dục nữ với búp bê trong một lớp học giáo dục giới tính tại trường mẫu giáo Yaolan ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, hôm 29/4/2011. Ảnh: AP
Chuyên gia cho hay, trẻ hiện nay dậy thì sớm, do đó, học sinh lớp năm hay lớp tám mới học về giới tính là quá muộn. Trong khi đó, trẻ em ở nước ngoài được học từ sớm, từ bậc mầm non đã được dạy cách mặc đồ lót, bảo vệ bản thân, vệ sinh vùng kín và phòng tránh xâm hại. Đến lớp năm tuổi, các con học về quá trình hình thành thai nhi, dậy thì…
“Tư tưởng trẻ biết sớm sẽ dậy thì sớm là sai lầm. Dậy thì là vấn đề của cơ thể còn biết sớm là hiểu biết trí não. Các con biết sớm sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho bản thân, biết chăm sóc vùng kín, biết quan sát để đón nhận hoặc phát hiện những vấn đề không bình thường”, tiến sĩ nói.
Tiến sĩ Hương cho biết nhiều trường hiện nay, đặc biệt là tư thục, nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính. Khi nhận thấy học sinh có vấn đề như xem phim khiêu dâm, thủ dâm trong giờ ngủ trưa hay bị người lạ xâm hại, các trường đã đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa hoặc thường xuyên mời chuyên gia về chia sẻ.
“Giáo dục giới tính là nội dung cồng kềnh, không thể ‘cấu’ một chút cho vào lớp năm hoặc lớp tám. Các vấn đề khác như LGBT, chất gây nghiện, gây mê cũng cần được dạy để học sinh đề phòng”, bà Hương cho hay.
Bình Minh