Giáo dục đạo đức cho trẻ mầm non
Đạo đức hay nhân cách của một người được nuôi dưỡng và hình thành dần từ khi còn bé. Điểm xuất phát của quá trình này là khi trẻ có nhận biết và mọi yếu tố xung quanh đều góp phần hình thành nhân cách của trẻ. Vì thế, cần nuôi dưỡng và dạy dỗ có kế hoạch, trên cơ sở đó mà định ra phương hướng giáo dục đạo đức cho trẻ mầm non.
Giáo dục đạo đức cho trẻ mầm non
Đạo đức là một hệ thống các quy tắc về chuẩn mực xã hội, mà con người dựa vào đó để điều chỉnh hành vi của bản thân.
Với trẻ mầm non, giáo dục đạo đức là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch giúp trẻ nhận thức và điều chỉnh hành vi trong các hoạt động thường ngày. Đây là phương thức tốt nhất để nuôi dưỡng, uốn nắn phẩm chất và tính nết cá nhân.
Ý nghĩa của việc giáo dục đạo đức
Đạo đức chính là kết quả của quá trình giáo dục và tự nhận thức. Các tác động từ ngành sư phạm sẽ định hướng cho trẻ cách ứng xử đúng đắn, nhận thức về cái tốt – cái xấu, những thứ được phép – bị cấm,… Có nghĩa là trẻ đã được trang bị các kiến thức sơ đẳng về đời sống và chuẩn mực về hành vi.
Giáo dục đạo đức còn ảnh hưởng đến việc giáo dục thể chất, giáo dục trí tuệ, giáo dục tính thẩm mỹ,… của trẻ mầm non. Nhờ có đạo đức tốt mà trẻ có thể tự giác hoàn thành các hoạt động phục vụ cá nhân, giúp đỡ mọi người,…
Nội dung giáo dục đạo đức cho trẻ mầm non
Giáo dục đạo đức cho trẻ được xây dựng trên 3 khía cạnh cự thể:
Phát triển cảm xúc lành mạnh
Cảm xúc là yếu tố thể hiện rõ nhất trạng thái hiện tại của trẻ, cũng là yếu tố được quan tâm nhiều nhất khi giáo dục đạo đức cho trẻ. Những cử chỉ yêu thương, vỗ về, chăm sóc chu đáo tù người lớn sẽ giúp trẻ có năng lượng cảm xúc tích cực. Trẻ sẽ ngoan ngoãn, nghe lời, vui vẻ và dễ dàng nghe lời. Trái lại, những hành động tiêu cực khiến trẻ thờ ơ, lạnh nhạt, không quan tâm, khủng hoảng ở trẻ là điều có thể xảy ra.
Vỗ về, yêu thương, che chở là vô cùng cần thiết. Tuyệt không đánh đập, bạo hành và la mắng là ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Cần xem xét mức độ bảo bọc tránh hiện trạng trẻ phụ thuộc vào người khác.
Dạy trẻ biết yêu thương và giúp đỡ mọi người
Trên cơ sở cảm xúc trẻ phát triển lành mạnh, các yếu tố về thái độ và yêu thương mọi người xung quanh cũng được hình thành một cách tự nhiên.
Thực tế cũng cho thấy, chỉ những người thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc trẻ mới được trẻ quý mến và gần gũi. Khi tiếp xúc với người lạ mặt, trẻ thường mất an toàn, la hét.
Đặc biệt, trẻ mầm non có tính đòi hỏi, chiếm hữu rất cao, không muốn san sẻ cho ai bất cứ thứ gì. Các bậc phụ huynh và giáo viên cần dạy cho trẻ cách chia sẻ, yêu thương đùm bọc và vui chơi cùng bạn.
Hướng trẻ đến các kỹ năng tự phục vụ cá nhân
Từ 2 đến 3 tuổi, trẻ đã có khả năng cầm nắm được các vật dụng, có khả năng phục vụ cá nhân trẻ. Hình thành các kỹ năng: tự ăn uống, mặc quần áo, cất đồ chơi,… Các kỹ năng này vừa hình thành, còn chưa vững vàng cần phải tích cực rèn luyện. Tránh tình trạng, giáo viên tạo điều kiện cho trẻ tự phục vụ, phụ huynh lại can ngăn hoặc làm thay trẻ.
Để trẻ có được nền tảng cơ bản của việc giáo dục đạo đức, gia đình và nhà trường cần thống nhất về nội dung và phương pháp giáo dục trẻ ngay từ đầu.