Giáo dục đại học: Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số
3. Thách thức đặt ra đối với chuyển đổi số trong giáo dục đại học
3.1. Năng lực ứng dụng công nghệ
Ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là xu thế của giáo dục thế giới. Tại Việt Nam, việc triển khai đào tạo từ xa theo phương thức đào tạo trực tuyến trong hệ thống GDĐH đã có chủ trương, kế hoạch và lộ trình từ trước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn:
Mặc dù có số lượng lớn người sử dụng Internet và các mạng xã hội, việc truy cập di động vào Internet tăng đáng kể trong những năm vừa qua, nhưng việc sử dụng công nghệ cho mục đích giáo dục thì chưa cao, đặc biệt trong giáo dục phổ thông, vì vậy khi bước chân vào môi trường GDĐH, sinh viên thường mất thời gian để hoàn thiện kỹ năng sử dụng không gian mạng trong học tập.
Ở phía còn lại, không phải tất cả các giảng viên đều có năng lực và sự tự tin việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ công tác giảng dạy. Chuyển đổi số trong GDĐH được hiểu là việc áp dụng các dịch vụ, công nghệ và kỹ thuật số của các trường đại học, giúp cải thiện kết quả học tập, nâng cao công bằng và nâng cao hiệu quả, nhưng hiệu quả này chỉ thực sự bền vững khi cả người học và người dạy đều được đào tạo tốt về cách sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật để đạt được các mục tiêu giáo dục.
Những tiến bộ trong kỹ thuật số cũng mang đến những thách thức cho người học và người dạy bởi thông tin đa chiều, khó kiểm chứng hoặc thông tin thiên lệch được cung cấp bởi không gian mạng. Những người trẻ tuổi, cũng như người lớn dễ bị quấy rối, đe dọa hoặc các hành vi tiêu cực, bị làm phiền từ các nội dung trực tuyến. Việc tiếp xúc hàng ngày với dữ liệu số được điều khiển phần lớn bởi các thuật toán khó hiểu tạo ra rủi ro và đòi hỏi nhiều hơn bao giờ hết tư duy phản biện và khả năng tham gia tích cực và thành thạo vào môi trường kỹ thuật số.
3.2. Chuyển đổi số trong GDĐH không chỉ là về công nghệ
Chuyển đổi kỹ thuật số của GDĐH không chỉ là về công nghệ, mục tiêu của nó là thông qua cách thức làm việc mới để tiếp tục cung cấp các dịch vụ tập trung vào con người (người dạy, người học) trước sự thay đổi của công nghệ, của áp lực đến từ cạnh tranh và đến từ thay đổi nhu cầu cũng như hành vi của con người đối với giáo dục. Trong điều kiện không chắc chắn và cạnh tranh gia tăng, đòi hỏi GDĐH phải dự đoán được tương lai và sẵn sàng cho tương lai.
Hiện nay các trường đại học đang chuyển đổi số, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến. Chính vì vậy vấn đề đang được quan tâm nhất của các trường đó là việc xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu.Điều này có thể cho phép các trường đại học sử dụng các công cụ để phân tích ngày càng đa dạng. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018 đã chỉ ra rằng việc quản trị dữ liệu là chìa khóa cho nhiều bên liên quan, quan tâm đến hiệusuất của sinh viên. Phân tích dữ liệu cũng đang biến đổi cách thức các trường đại học đang làm với sinh viên, giáo sư và giảng viên.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học dữ liệu, sự dễ dàng để thu thập và xử lý dữ liệu cũng như nhiều phương pháp đã được các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng và tận dụng được sức mạnh của dữ liệu trước các quyết định quan trọng ảnh hướng đến hiệu quả hoạt động. Đây là con đường tất yếu mà các tổ chức GDĐH cần đi theo để biến các dữ liệu của mình thành thông tin có ý nghĩa, quay lại phục vụ cho chính hoạt động của mình. Khối lượng dữ liệu cực lớn đang được thu thập từ nhiều hệ thống nội bộ, các nguồn dữ liệu bên ngoài như điện thoại di động và các thiết bị khác có thể được phân tích và thể hiện giúp người sử dụng có những góc nhìn trực quan và tương tác hơn nhiều.
Để có được cái nhìn sâu sắc từ dữ liệu đã tích lũy, thậm chí là ở mức độ phức tạp hơn, hiểu được dữ liệu và ứng dụng những thông tin ý nghĩa này vào các quyết định của tổ chức, các trường đại học cần phải nắm bắt được dữ liệu lớn và các công cụ phân tích dữ liệu như là yếu tố hỗ trợ cho việc ra quyết định. Các trường đại học cũng có thể gặt hái từ việc phân tích dữ liệu thông minh, sử dụng chúng để tạo ra những tác động như nâng cao hiệu quả giảng dạy, tỷ lệ sinh viên được tuyển dụng, từ đó tạo ra những lợi thế cạnh tranh.
Thực tế chỉ ra rằng chuyển đổi số trong GDĐH là rất quan trọng đối với thành công trong tương lai của các trường đại học, trong đó có khía cạnh chuyển đổi số là quản lý và khai thác dữ liệu. Cần lưu ý rằng chính dữ liệu là một tài sản trong khi thách thức thực sự là biến dữ liệu đó thành giá trị.
3.3. Vấn đề tài chính
Chuyển đổi số sẽ làm cho những yếu tố vốn dĩ là thế mạnh của mô hình giáo dục truyền thống sẽ không còn khi giáo viên không phải là tài sản riêng của trường đại học vì họ có thể tham gia bất kỳ tổ chức nào sinh lợi nhuận và nhiều giá trị gia tăng khác. Trong khi đó, sinh viên không còn là nguồn thu duy nhất của cơ sở giáo dục, khi đây là chủ thể chủ động chọn mua các thành phần kiến thức có lợi cho kho tri thức cá nhân của họ. Giá trị thương hiệu của trường khi đó không phải đo bằng những chỉ số giới hạn như cơ sở vật chất, thâm niên và các cá nhân xuất sắc của trường mà là lòng tin của công chúng, khả năng tiếp thị số… Một trong những thách thức đặt ra là nếu các trường chuyển đổi sang mô hình trường học thông minh thì hàng loạt các yếu tố sẽ phải thay đổi liên quan tới các thiết bị phần cứng, phần mềm, công nghệ, phòng học thông minh đi cùng với hoạt động sư phạm thông minh, quản lý người học, giáo viên thông minh và chương trình giảng dạy thông minh. Do vậy nhà trường cần nhiều kinh phí hơn để đầu tư cho hệ thống trang thiết bị số.
3.4. Đánh giá chất lượng
Làm thế nào để chứng minh rằng đầu ra của một trường đại học nhất định phù hợp với nhu cầu thị trường? Các tổ chức GDĐH đang thực hiện các hình thức giảng dạy mới như một phần của chương trình giảng dạy hoặc thông qua quan hệ đối tác trực tiếp với các doanh nghiệp, các tổ chức trong ngành, nhằm thiết kế chương trình giảng dạy cụ thể dựa trên phản hồi của người sử dụng lao động. Một đánh giá tốt sẽ cho phép kiểm tra thành tích các kỹ năng cần thiết của người học. Mặt khác, việc quốc tế hóa GDĐH đặt ra các tiêu chuẩn cao đối với các trường học, chuyển sang các tổ chức kiểm định để được chứng nhận chất lượng. Tại Việt Nam, các trường đại học, cao đẳng được kiểm định chất lượng giáo dục bởi các tổ chức chức đánh giá ngoài. Các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục phối hợp với các tổ chức KĐCL của ASEAN (ASEAN-QA và AQAN), APQN, INQAHEE và các tổ chức để tổ chức đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục và các chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của tổ chức quốc tế.
4. Kết luận
Ngày nay, các ngành công nghiệp và dịch vụ đã bắt đầu một sự chuyển đổi để thích nghi với thời đại số, các tổ chức GDĐH cũng không phải ngoại lệ. Chuyển đổi kỹ thuật số là điểm đến bắt buộc đối với hầu hết các tổ chức. Chuyển đổi số đã và đang thúc đẩy cũng như phát huy các luồng thông tin cũng như liên hệ hai chiều giữa người dạy và người học, nó cũng giúp cho tổ chức cải thiện mối quan hệ này cũng như thúc đẩy việc sử dụng tốt những nguồn lực sẵn có.
Không có gì hiệu quả hơn việc tổ chức có thể xử lý được tất cả các dữ liệu của mình trong một nền tảng thống nhất nhờ có chuyển đổi số. Mặc dù có thể có những lo ngại, nhưng lợi ích mang lại là nhiều và thuận lợi cho những tổ chức GDĐH quyết định dấn thân vào con đường này. Quá trình chuyển đổi số tự nó đã là một thách thức, không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mà còn đòi hỏi con người cũng như tổ chức phải thay đổi cách suy nghĩ của mình. Do đó, việc tổ chức GDĐH tối ưu hóa các quy trình hành chính nội bộ bằng công nghệ là không đủ, điều cần thiết là lãnh đạo của nó phải hiểu rõ lý do tại sao cần phải làm điều này, khả năng và mục tiêu là gì, và hậu quả lâu dài cho năng lực hoạt động và kế hoạch mở rộng.
Chuyển đổi số hàm chứa những thách thức nhưng cũng là cơ hội, chuyển đổi số cung cấp các công cụ và cung cấp các phương pháp để biến thách thức này thành cơ hội.
Tài liệu tham khảo
1. H. T. Bảo, “Chuyển đổi số thời Covid-19,” 2020. https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Chuyen-doi-so-thoi-Covid19-23135 (accessed May 20, 2020).
2. George Mehaffy, “Challenge and Change,” Educ. Rev., vol. 47, pp. 25–42, 2012, [Online]. Available: https://er.educause.edu/articles/2012/9/challenge-and-change.
3. H. H. Nam, “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thực trạng và giải pháp,” Tạp chí Thông tin và Truyền thông, vol. số 2 tháng, 2020, [Online]. Available: http:// ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-giao-duc-va-dao-tao-thuc-trang-va-giai-phap-20200522150010574.htm.
4. “Đại học tiên phong đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục,” 2020. https://moet.gov.vn/tintuc/ Pages/phong-chong-nCoV.aspx?ItemID=6615 (accessed Jun. 20, 2020).
5. “Bộ trưởng Nhạ: Đại dịch COVID-19 thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục – Giáo dục Việt Nam,” 2020. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-nha-dai-dich-covid-19-thuc-day-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-post210240.gd (accessed Jun. 20, 2020).
6. “Thống kê Internet Việt Nam 2020 | Vnetwork JSC,” 2020. https://vnetwork.vn/news/thong-ke-internet-viet-nam-2020 (accessed May 20, 2020).
(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 5+6 tháng 6/2020)