Giao dịch là gì? Cho ví dụ về các loại giao dịch theo pháp luật?

Giao dịch là sự thỏa thuận, trao đổi với nhau giữa các chủ thể về một vấn đề nào đó cụ thể. Kính mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê để hiểu rõ hơn về chủ đề này.

1. Giao dịch là gì?

Theo từ điển tiếng Việt: 

“Giao dịch là những hành vi của công dân và của các tổ chức nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự. Phần lớn các giao dịch là sự thoả thuận của hai hoặc nhiều người hoặc chỉ cần sự biểu hiện ý chí của một bên”.

 

2. Giao dịch dân sự

2.1. Giao dịch dân sự là gì?

Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra định nghĩa về giao dịch dân sự như sau: 

“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Trong đó, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015) (Ví dụ: Hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mua xe máy…). Còn hành vi pháp lý đơn phương thông thường được hiểu là sự thể hiện ý chí của một bên làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự (Ví dụ: lập di chúc, hứa thưởng…). Trong số các loại giao dịch dân sự thì hợp đồng là loại giao dịch phổ biến nhất.

 

2.2. Hình thức của giao dịch dân sự

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, các hình thức của giao dịch dân sự bao gồm: lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể.

Cần lưu ý rằng:

– Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

-Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

 

2.3. Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • (i) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  • (ii) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  • (iii) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Lưu ý: Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Ví dụ: Việc tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực (Điều 167 Luật Đất đai năm 2013). Lúc này, điều kiện về hình thức của giao dịch là phải được lập thành văn bản (hợp đồng) và phải được công chứng/ chứng thực là một trong những điều kiện để giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất này có hiệu lực.

 

2.4. Các trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu

Trong Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định có 07 trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, cụ thể là:

  1. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123)
  2. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124)
  3. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125)
  4. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 126)
  5. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127)
  6. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 128)
  7. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129).

 

3. Giao dịch thương mại

Giao dịch thương mại là việc thực hiện hoạt động thương mại của thương nhân làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của thương nhân. Giao dịch thương mại có thể là một hành vi đơn phương hoặc một hợp đồng.

Theo quy định của Luật thương mại năm 2005, một giao dịch thương mại phải đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Chủ thể thực hiện giao dịch thương mại phải có ít nhất một bên là thương nhân;
  2. Các hoạt động mà các thương nhân thực hiện phải là hoạt động thương mại;
  3. Giao dịch thương mại là các giao dịch có mục tiêu sinh lời, các thương nhân thực hiện giao dịch thương mại đều trực tiếp hoặc gián tiếp tìm kiếm lợi nhuận từ giao dịch đó

Trong thời đại 4.0 hiện nay, giao dịch thương mại dần được thực hiện nhiều hơn thông qua các phương tiện điện tử thay cho phương thức truyền thống. Giao dịch thương mại điện tử (Electronic transactions hoặc E-transactions) là việc mua bán sản phẩm, dịch vụ thông qua Internet và các phương tiện điện tử khác. Các hoạt động giao dịch này bao gồm tất cả các hoạt động như việc mua, bán trên mạng, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng… được thực hiện trên nền tảng điện tử.

 

4. Giao dịch trong kinh doanh

Trong kinh doanh, giao dịch là một thỏa thuận giữa người mua và người bán để trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc tài sản tài chính thành tiền. Các giao dịch giữa người mua và người bán tương đối đơn giản, trong đó một bên thanh toán cho bên kia cho một sản phẩm hoặc dịch vụ. Sau khi đồng ý về các điều khoản, họ đổi tiền lấy món hàng, hoàn tất giao dịch.

Các giao dịch kinh doanh thường được phân loại theo bốn cách sau:

– Giao dịch tiền mặt: Giao dịch tiền mặt xảy ra khi các khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt tại thời điểm giao dịch xảy ra.

Ví dụ: Nếu khách hàng mua sản phẩm của bạn và thanh toán. Giao dịch này sẽ được gọi là “giao dịch tiền mặt” ngay cả khi khách hàng thanh toán bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng vì việc thanh toán vẫn diễn ra cùng lúc với giao dịch.

– Giao dịch tín dụng: Giao dịch tín dụng xảy ra khi việc thanh toán được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định sau giao dịch, còn được gọi là thời hạn tín dụng.

Ví dụ: Khách hàng thuê bạn thực hiện một số công việc cho họ. Họ không trả tiền cho bạn ngay khi bạn đồng ý thực hiện công việc đó mà bạn sẽ gửi cho họ một hóa đơn sau khi hoàn thành công việc và cho phép họ thanh toán cho bạn trong khoảng thời gian 05 ngày. Đây được gọi là giao dịch tín dụng.

– Giao dịch nội bộ: Nếu một giao dịch kinh doanh xảy ra mà không có bên ngoài tham gia, thì đó được gọi là giao dịch nội bộ. Đây có thể là chuyển tiền sang một tài khoản khác, sử dụng lợi nhuận của bạn để tự trả cổ tức hoặc mất mát tài sản.

– Giao dịch bên ngoài: Giao dịch bên ngoài, hoặc giao dịch trao đổi, là loại giao dịch liên quan đến hai hoặc nhiều bên riêng biệt. Các giao dịch này nói chung là các giao dịch hàng ngày như bán hoặc mua hàng hóa hoặc dịch vụ, trả tiền thuê nhà hoặc tiện ích hoặc trả tiền cho nhà cung cấp. 

Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê về chủ đề Giao dịch là gì? Cho ví dụ về các loại giao dịch theo quy định pháp luật. Hy vọng những nội dung trên đây đã đem đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích.

Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của công ty chúng tôi: 1900.6162 để nhận được sự giải đáp thắc mắc nhanh chóng, kịp thời đến từ đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Xin cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng!