Giao dịch dân sự là gì? Đặc điểm, phân loại, ví dụ giao dịch dân sự?

Thưa luật sư, Em có vấn đề cần được giải đáp như sau: Giao dịch dân sự là gì ? Đặc điểm, phân loại của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015? Cho ví dụ minh họa về các loại giao dịch dân sự. Xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

1. Khái niệm giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự thực chất là một loại sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự.

Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý gồm hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương. Việc các chủ thể xác lập hợp đồng nhằm hướng tới làm phát sinh các hậu quả pháp lý nhất định.

Hợp đồng có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của hai hay nhiều chủ thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự như họp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê tài sản… Trong số các loại giao dịch dân sự, hợp đồng là loại giao dịch phổ biến nhất.

Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 dành riêng Mục 7 để quy định về họp đồng với các hợp đồng thông dụng gồm: hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản, hợp đồng vay tài sản, họp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mượn tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển, họp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng hợp tác và hợp đồng về quyền sử dụng đất. Khi các chủ thể giao kết hợp đồng với nhau thì quyền và nghĩa vụ được xác lập cho các bên chủ thể. Tùy theo từng loại hợp đồng cụ thể mà các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được xác lập tương ứng.

Ví dụ: Hai bên chủ thể xác lập hợp đồng thuê nhà ở thì bên cho thuê có quyền thu tiền thuê nhà, có nghĩa vụ giao nhà cho bên thuê sử dụng. Còn bên thuê cỏ quyền sử dụng căn nhà, có nghĩa vụ trả tiền thuê theo thỏa thuận.

Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch chỉ thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền nghĩa vụ như lập di chúc, hứa thưởng, thi có giải… Hành vi lập di chúc là ý chí của người lập di chúc trong việc đinh đoạt tài sản của họ sau khi chết. Hứa thưởng là hành vi của bên hứa thưởng nhằm trao cho chủ thể khác một lợi ích vật chất nếu chủ thể đó thực hiện được công việc hứa thưởng do bên hứa thưởng đưa ra.

Khi các chủ thể xác lập giao dịch dân sự đều hướng tới mục đích nhất định. Mục đích là những lợi ích chính đáng mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch. Chủ thể của giao dịch chỉ đạt được mục đích khi các bên trong giao dịch thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và theo quy định của luật. Khi xác lập giao dịch, các bên chủ thể đều mong muốn đạt được mục đích mà họ đã đặt ra. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp các chủ thể đều đạt được mục đích mà họ đã đề ra. Có một số nguyên nhân sau đây khiến chủ thể không đạt được mục đích khi xác lập giao dịch: Một là, giao dịch dân sự không phát sinh hiệu lực.

Ví dụ: A bán cho B sừng tê giác thì B không được quyền xác lập sở hữu đối với sừng tê giác vì đây là tài sản không được phép mua bán; Hai là, các bên chủ thể trong giao dịch không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong giao dịch. Ví dụ: A thỏa thuận cho B thuê nhà nhưng sau đó A không giao nhà cho B theo đúng thỏa thuận. Trường họp này mục đích của B không đạt được và A phải chịu trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch.

Trong số các căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể trong xã hội, giao dịch dân sự là căn cứ phổ biến, thông dụng. Giao dịch dân sự là công cụ pháp lý quan trọng để các bên thực hiện việc trao đổi lợi ích, dịch chuyển tài sản và cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tất cả các thành viên trong xã hội. Thông qua giao dịch dân sự, các chủ thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và các nhu cầu khác trong đời sống hàng ngày của mình.

Nên chính vì thế, Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự như sau: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Định nghĩa này được xây dựng theo hướng liệt kê, theo đó giao dịch dân sự là họp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương.

Sau khi giao dịch dân sự được xác lập và có hiệu lực, các chủ thể trong giao dịch cần thực hiện theo những nội dung đã thống nhất và được ghi nhận. Một trong những yêu cầu trong quá trình thỏa thuận và soạn thảo giao dịch dân sự là nội dung cần rõ ràng, được hiểu thống nhất. Tuy nhiên, trong quá trình xác lập, thực hiện giao dịch do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc thể hiện ý chí của chủ thể không được rõ ràng, chính xác. Bởi vậy, hoạt động giải thích giao dịch dân sự được đặt ra. Hoạt động giải thích giao dịch là công cụ xác định rõ ý chí của các bên trong trường hợp giao dịch còn có những nội dung không rõ ràng, khó hiểu hoặc được hiểu theo nhiều nghĩa. Hoạt động giải thích giao dịch dân sự sẽ giúp các bên làm rõ những nội dung còn chưa có cách hiểu chung, giải quyết những nội dung còn tồn tại sự bất đồng.

Chủ thể giải thích giao dịch dân sự trước hết chính là các bên trong giao dịch. Họ là những chủ thể nắm bắt rõ nhất nội dung của giao dịch. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các chủ thể trong giao dịch không thống nhất được cách hiểu đối với nội dung cần giải thích mà có yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa là chủ thể có quyền giải thích giao dịch dân sự.

 

2. Đặc điểm của giao dịch dân sự

– Là sự kiện pháp lý thuộc hành vi pháp lý, luôn thể hiện ý chí tự nguyện của chủ thể tham gia (ít nhất thể hiện ý chí trước của 1 bên hoặc cả hai bên).

– Là loại sự kiện pháp lý phổ biến nhất và quan trọng nhất làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự.

Giao dịch dân sự dù là hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương đều có các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, giao dịch dân sự luôn thể hiện ý chí của chủ thể trong giao dịch. Giao dịch dân sự là hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương thì đều là hành vi có ý thức của chủ thể tham gia nhằm đạt được những mục đích nhất định. Trường hợp giao dịch dân sự là hợp đồng thì đó là sự thể hiện và thống nhất ý chí của từ các bên chủ thể. Giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương thì đó là sự thể hiện ý chí của một bên chủ thể. Nội dung của giao dịch phải nhằm truyền tải những suy nghĩ bên trong của mỗi chủ thể. Ý chí là những suy nghĩ bên trong của mỗi chủ thể nên để xác lập giao dịch thì ý chỉ cần phải được thể hiện ra bên ngoài dưới hình thức nhất định. Do đó, giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí bên trong và sự bày tỏ ý chí ra bên ngoài của chủ thể. Thiếu sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, giao dịch dân sự có thể bị vô hiệu. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến ý chí và sự bày tỏ ý chí của chủ thể không thống nhất như trường hợp chủ thể bị nhầm lẫn, bị lừa dối hay cưỡng ép trong việc xác lập giao dịch. Ví dụ: A muốn mua một chiếc bình cổ nhưng do bị người bán lừa dối nên chiếc bình A mua là bình giả cổ.

Thứ hai, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự đều hướng đến phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự cho các chủ thể. Giao dịch dân sự là hành vi của một hay nhiều chủ thể nhằm hướng tới việc làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự gồm:

+ Một là, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự: đây là trường hợp giao dịch dân sự làm xác lập quyên và nghĩa vụ cho các bên chủ thể trong giao dịch.

Ví dụ: A thỏa thuận bán cho B căn hộ chung cư. Giao dịch dân sự giữa A và B có hậu quả pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa A và B. Trong đó, A có quyền nhận tiền bán căn hộ, có nghĩa vụ chuyển giao căn hộ và chuyển quyền sở hữu cho B. Còn B có quyền được nhận chuyển giao và sở hữu căn hộ, có nghĩa vụ trả tiền mua bán cho A.

+ Hai là, làm thay đổi quyền và nghĩa vụ dân sự: đây là trường hợp giữa các bên chủ trong giao dịch dân sự đã tồn tại quyền và nghĩa vụ với nhau nhưng các bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung qua đó làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của mình cũng như của bên kia; Ba là, làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự: đây là trường hợp giữa các bên chủ trong giao dịch dân sự đã tồn tại quyền và nghĩa vụ với nhau. Sau đó, các bên chủ thể xác lập giao dịch để làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ đang tồn tại giữa các bên.

Một giao dịch dân sự được xác lập có thể làm phát sinh một hoặc nhiều hậu quả pháp lý. Điều này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên chủ thể trong giao dịch. Như vậy, giao dịch dân sự có hai đặc điểm chính: (i) giao dịch dân sự phải là sự thể hiện ý chí của chủ thể tham gia và (ii) sự thể hiện ý chí phải nhằm đạt được một hậu quả pháp lý nhất định.

 

3. Các loại giao dịch dân sự

Có 2 loại giao dịch dân sự:

– Hành vi pháp lý đơn phương: là giao dịch thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm phát sinh quan hệ dân sự mà không cần ý chí của các chủ thể khác. Hành vi pháp lý đơn phương có thể do một hoặc nhiều chủ thể ở cùng một bên bày tỏ ý chí. Ví dụ: Lập di chúc chung.

Trong nhiều trường hợp hành vi pháp lý đơn phương chỉ phát sinh hậu quả pháp lý khi có điều kiện do chủ thể bày tỏ ý chí đặt ra, phía bên kia phải đáp ứng mới làm phát sinh nghĩa vụ của bên bày tỏ ý chí đơn phương. Ví dụ: phát sinh nghĩa vụ trả lương.

– Hợp đồng dân sự: là giao dịch thể hiện sự thống nhất ý chí của hai hay nhiều bên chủ thể ở hai phía của giao dịch, làm phát sinh, thay đổi . chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Ví dụ: hợp đồng mua bán xe đạp.

=> Giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương hay hợp đồng đều có thể là giao dịch có điều kiện.

 

4. Căn cứ giải thích ý nghĩa của giao dịch dân sự

Khi giao dịch dân sự có nội dung không rõ ràng, khó hiểu, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì việc giải thích giao dịch dân sự đỏ được thực hiện theo thứ tự sau đây: 1. Theo ý chí đích thực của các bên khi xác lập giao dịch; 2. Theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch; và 3. Theo tập quán nơi giao dịch được xác lập.

Giải thích giao dịch dân sự theo ý chí đích thực của các bên khi xác lập giao dịch. Căn cứ giải thích này dựa trên ý chí của các bên chủ thể trong giao dịch. Đây là căn cứ được áp dụng trước tiên khi tiến hành giải thích giao dịch. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi chính các chủ thể ừong giao dịch là người thỏa thuận xây dựng nội dung của giao dịch nên khi có nội dung cần giải thích thì trước hết phải căn cứ vào chính ý chí của họ. Hơn bất kỳ chủ thể nào khác, chủ thể trực tiếp tham gia giao dịch dân sự mới biết được suy nghĩ, mong muốn, nhu cầu đích thực của mình là gì. Căn cứ giải thích giao dịch dân sự theo ý chí đích thực của chủ thể trong giao dịch được áp dụng đối với cả trường hợp giải thích hợp đồng và giải thích hành vi pháp lý đơn phương nhưng với cách thức khác nhau: trường họp giao dịch dân sự là hợp đồng thì việc giải thích hợp đồng phải theo ý chí của các bên chủ thể giao kết hợp đồng; còn đối với hành vi pháp lý đơn phương như việc lập di chúc thì việc giải thích trước hết căn cứ vào ý chí của chủ thể xác lập hành vi pháp lý đơn phương.

Giải thích giao dịch dân sự theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch. Mục đích của giao dịch là lợi ích hợp pháp mà các bên chủ thể hướng tới khi xác lập giao dịch. Trong quá trình giao kết giao dịch dân sự các bên phải thể hiện rõ mục đích của mình. Khi giao dịch dân sự có những ngôn từ, nội dung không rõ ràng, mục đích giao dịch sẽ là công cụ được sử dụng để giải thích giao dịch. Tuy nhiên, căn cứ này chỉ được áp dụng khi không thể giải thích được giao dịch dân sự theo ý chí của các bên chủ thể trong giao dịch do các bên có các cách hiểu khác nhau và không thống nhất được.

Giải thích giao dịch dân sự theo tập quán nơi giao dịch được xác lập. Tập quán là thói quen sính hoạt tồn tại từ nhiều thế hệ và được thừa nhận ở mỗi địa phương, trong từng lĩnh vực sản xuất hoặc giữa những người cùng ngành nghề. Căn cứ giải thích giao dịch dân sự theo tập quán chỉ được áp dụng khi không thể giải thích được giao dịch dân sự theo ý chí và theo mục đích của giao dịch. Ngoài ra, để giải thích được giao dịch dân sự theo tập quán thì tại nơi xác lập giao dịch phải có tập quán tương thích để giải thích nội dung giao dịch còn vướng mắc. Tập quán áp dụng để giải thích hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái nguyên tắc chung của pháp luật và đạo đức xã hội.

Bên cạnh quy định chung về giải thích giao dịch dân sự, khoản 2 Điều 121 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn có quy định:

“Việc giải thích hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 404 của Bộ luật này; việc giải thích nội dung di chúc được thực hiện theo quy định tại Điều 648 của Bộ luật này”

Đối với việc giải thích hợp đồng, Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định riêng như sau:

Một là, khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đông mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng. Căn cứ vào ý chí của chủ thể của hợp đồng cũng là căn cứ chung được ghi nhận để giải thích các giao dịch dân sự.

Hai là, khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của họp đồng.

Ba là, khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng. Đây cũng là căn cứ được áp dụng cho giải thích các giao dịch dân sự nói chung.

Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng. Trường họp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.

Đối với việc giải thích nội dung di chúc được thực hiện theo quy định tại Điều 648 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường họp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.

 

5. Các nguyên tắc khi áp dụng giải thích giao dịch dân sự

Một là, thứ tự ưu tiên khi áp dụng giải thích

Trong trường hợp giao dịch dân sự cần giải thích thì thứ tự ưu tiên áp dụng như khoản 1 Điều 138 Dự thảo BLDS. Giao dịch dân sự là quan hệ pháp luật có tính chất dân sự. Do đó ý chí tự nguyện được coi là yếu tố quan trọng nhất của một giao dịch. Khi thỏa thuận, các bên được cho là đã có ý chí cùng hướng về một mục đích. Chính vì thế, khi giải thích giao dịch dân sự thì yếu tố đầu tiên cần được xem xét đến là ý chí thực sự của các bên khi thiết lập giao dịch. Ngay cả khi ý chí chung của các bên không thống nhất với sự thể hiện trong giao dịch dân sự thì luật vẫn cho phép sử dụng ý chí chung thật sự của các bên để giải thích. Ý chí này được thể hiện thông qua hành vi của các bên từ thời điểm tiền giao dịch, trong bản thân giao dịch, đến thời gian thực hiện giao dịch dân sự. Mọi hành vi của các chủ thể có liên quan đến giao dịch dân sự có thể dùng làm chứng cứ để chứng minh cho ý chí của mình trong giao dịch dân sự. Các yếu tố đó có thể là các tình tiết liên quan đến việc đàm phán giữa các bên, thói quen đã được thiết lập giữa các bên, bản chất và mục đích của giao dịch…

Tương tự, xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng ý chí thực của các bên mà Bộ quy tắc UNIDROIT 2004 quy định các hợp đồng cần được giải thích sao cho tất cả đều tạo ra hiệu lực hơn là theo cách làm cho một vài điều khoản không có hiệu lực. BLDS Pháp quy định: Khi giải thích hợp đồng, không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên giao kết (Điều 1156).

Khi không thể khám phá được ý chí thực sự của các chủ thể thì cần dựa vào các quy phạm được chứa đựng trong các nguồn pháp luật điều chỉnh giao dịch dân sự. Điều này không thể ứng dụng thay các quy định của nguyên tắc áp dụng pháp luật điều chỉnh giao dịch dân sự. Khi có sự không rõ ràng của ngôn từ hay các điều khoản thì có thể sử dụng đến các quy định có sẵn của luật, hay tập quán. Quy định về thứ tự áp dụng của các nguồn pháp luật tức là nói đến việc đã có hay không có một thỏa thuận. Còn khi nói đến giải thích giao dịch dân sự tức là cần phải hiểu ngôn từ hay điều khoản đó như thế nào? Việc hiểu này mới đòi hỏi phát sinh những quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, được chứa đựng trong các nguồn pháp luật đã định sẵn, hoặc các định nghĩa ngôn từ mà luật định sẵn. Do đó hai việc làm này mang lại hậu quả pháp lý giống nhau nhưng đối tượng điều chỉnh thì khác nhau.

Hai là, trường hợp không thể áp dụng theo quy định của luật

Việc xác định thứ tự ưu tiên khi áp dụng tại Điều 138 Dự thảo BLDS có thể đã là một sự hợp lý hơn so với BLDS năm 2005 và BLDS Pháp. Song nó còn một vướng mắc nhỏ mà chúng tôi muốn đề cập đến: Khoản 4 Điều 138 Dự thảo quy định:

“4. Trong trường hợp không thể áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì giao dịch dân sự được giải thích theo lẽ công bằng và hợp lý”.

Lẽ công bằng và sự hợp lý luôn là một nguyên tắc bao trùm mọi hành xử của con người. Như vậy, trong khi thực hành đời sống hoặc áp dụng pháp luật, lẽ ra nó phải chứa đựng yêu cầu trên. Việc thiết lập thứ tự ưu tiên áp dụng giải thích pháp luật tại Điều 138 Dự thảo BLDS vô tình đặt ba nguyên tắc đầu nằm ngoài yêu cầu về lẽ công bằng. Tất nhiên nó sẽ kéo đổ hàng loạt các nguyên tắc khác của giao dịch dân sự, như tôn trọng, bảo đảm quyền dân sự; bình đẳng; thiện chí; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Và theo chúng tôi, cần áp dụng giải thích ở tất cả các thứ tự trên trong thái độ coi trọng lẽ công bằng và sự hợp lý, đương nhiên điều đó sẽ không dẫn đến sự bế tắc trong giao dịch. Ngược lại, một giao dịch không đạt yêu cầu về lẽ công bằng nó đã lập tức trái với nguyên tắc có hiệu lực của một giao dịch dân sự, đương nhiên nó vô hiệu.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.