Giao dịch dân sự là gì? 07 Trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu – Công ty Luật Quốc tế DSP

Giao dịch dân sự là loại giao dịch thường xuyên phát sinh trong đời sống xã hội. Mặc dù các giao dịch dân sự diễn ra thường xuyên nhưng không phải bất kì giao dịch dân sự nào cũng sẽ làm phát sinh hiệu lực giữa các bên. Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin cần biết về giao dịch dân sự.

1. GIAO DỊCH DÂN SỰ LÀ GÌ?

Căn cứ theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 116. Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Theo đó, giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý gồm hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương. Việc các chủ thể xác lập hợp đồng nhằm hướng tới làm phát sinh các hậu quả pháp lý nhất định.

– Hợp đồng có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của hai hay nhiều chủ thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê tài sản… Trong số các loại giao dịch dân sự, hợp đồng là loại giao dịch phổ biến nhất.

Ví dụ: Hai bên chủ thể xác lập hợp đồng thuê nhà ở thì bên cho thuê có quyền thu tiền thuê nhà, có nghĩa vụ giao nhà cho bên thuê sử dụng. Còn bên thuê có quyền sử dụng căn nhà, có nghĩa vụ trả tiền thuê theo thỏa thuận.

– Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch chỉ thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền nghĩa vụ như lập di chúc, hứa thưởng, thi có giải…

2. ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA GIAO DỊCH DÂN SỰ

Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, để một giao dịch dân sự phát sinh hiệu lực thì cần phải đảm bảo những điều kiện sau:

– Chủ thể trong giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

Chủ thể trong giao dịch dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân. Bộ luật Dân sự cũng đã quy định cụ thể về năng lực pháp luật và năng lực hành vi đối với hai chủ thể trên.

– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, cho nên “tự nguyện” bao gồm các yếu tố cấu thành là tự do ý chí và bày tỏ ý chí. Không có tự do ý chí và bày tỏ ý chí không thể có tự nguyện, nếu một trong hai yếu tố này không có hoặc không thống nhất cũng không thể có tự nguyện.

– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

– Hình thức của giao dịch dân sự cũng là một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Giao dịch dân sự có thể được xác lập dưới hình thức bằng lời nói, bằng văn bản hoặc một hành vi cụ thể. Người xác lập giao dịch dân sự có quyền lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự đó và pháp luật chỉ quy định những hình thức giao dịch dân sự bắt buộc đối với một số giao dịch dân sự cụ thể (như là yêu cầu phải lập thành văn bản, phải có chứng nhận, chứng thực, đăng kí, xin phép). Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải được công chứng, đăng kí hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

3. CÁC TRƯỜNG HỢP GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU

Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015, một giao dịch dân sự nếu không có một trong các điều kiện nêu trên thì vô hiệu, trừ trường hợp khác. Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể 07 trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu.

3.1. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

3.2. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

Theo Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

Đồng thời trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

3.3. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

Căn cứ tại Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ những trường hợp sau:

– Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

– Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

– Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

3.4. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

Theo quy định tại Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được thì giao dịch dân sự do nhầm lẫn trên sẽ không bị vô hiệu.

Vậy thì, thế nào được coi là nhầm lẫn? Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra một khái niệm cụ thể nên nhầm lẫn ở đây có thể hiểu là việc các bên trong giao dịch hình dung sai về nội dung của giao dịch mà tham gia vào giao dịch gây thiệt hại cho mình hoặc bên kia, sự nhầm lẫn xuất phát từ nhận thức các bên hoặc phán đoán sai lầm về đối tượng của sự việc, sự nhầm lẫn phải được thể hiện rõ ràng mà căn cứ vào nội dung của giao dịch phải xác định được. Nếu bên nhầm lẫn chứng minh được sự nhầm lẫn của mình thì giao dịch có thể bị tuyên bố vô hiệu.

3.5. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Căn cứ tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

– Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

– Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Theo đó, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

3.6. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ hành vi của mình

Theo Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

3.7. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Theo nguyên tắc chung, các chủ thể được tự do lựa chọn hình thức của giao dịch. Chỉ những giao dịch pháp luật quy định bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản, phải có chứng thực, chứng nhận, đăng ký hoặc xin phép mà các bên không tuân thủ quy định này mới bị vô hiệu.

Căn cứ theo Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015, có hai trường hợp khi giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức nhưng vẫn được Tòa án công nhận hiệu lực khi có yêu cầu của một bên hoặc các bên là:

– Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch

– Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch.

4. HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA GIAO DỊCH DÂN SỰ BỊ VÔ HIỆU

Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một giao dịch dân sự bị tuyên bố vô hiệu sẽ dẫn đến các hậu quả pháp lý sau:

– Không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch dân sự được xác lập

– Khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả bằng hiện vật thì sẽ dùng trị giá bằng tiền để hoàn trả,

– Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

– Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường

5. CĂN CỨ PHÁP LÝ:

 

– Bộ luật Dân sự năm 2015

Trên đây là bài viết của Công ty Luật Quốc tế DSP. Nếu còn những vướng mắc, bạn đọc vui lòng trao đổi trực tiếp với chúng tôi qua Hotline: 089.661.6767 / 089.661.7728 hoặc gửi về Email: [email protected] để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.