Giải thích thuật ngữ, nội dung và phương pháp tính một số chỉ tiêu thống kê giáo dục
Trường mẫu giáo là cơ sở giáo dục mầm non, nhận trẻ em từ 3 đến 6 tuổi. Trường mẫu giáo gồm có các lớp mẫu giáo.
Trường tiểu học là cơ sở giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 5.
Trường trung học cơ sở là cơ sở giáo dục phổ thông từ lớp 6 đến lớp 9.
Trường trung học phổ thông là cơ sở giáo dục phổ thông từ lớp 10 đến lớp 12.
Trường phổ thông có nhiều cấp: Bao gồm (1) Trường phổ thông cơ sở là trường ghép giữa trường tiểu học và trung học cơ sở; (2) Trường trung học là trường ghép giữa trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Lớp học phổ thông là một tổ chức của trường học phổ thông gồm các học sinh cùng học một chương trình giáo dục hoặc nhiều chương trình giáo dục, do một giáo viên giảng dạy hoặc do nhiều giáo viên giảng dạy nhưng có sự quản lý trực tiếp của một giáo viên chủ nhiệm. Lớp học phổ thông bao gồm các lớp của cấp tiểu học, các lớp của cấp trung học cơ sở và các lớp của cấp trung học phổ thông.
Giáo viên phổ thông là người có trình độ, kiến thức theo quy định, làm công tác giảng dạy, giáo dục trong các trường phổ thông, theo từng bậc học phù hợp. Giáo viên phổ thông chia theo cấp học có giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở và giáo viên trung học phổ thông:
Học sinh phổ thông là những người đang theo học các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 thuộc các trường phổ thông.
– Học sinh tiểu học là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
– Học sinh trung học cơ sở là học sinh từ lớp 6 đến lớp 9
– Học sinh trung học phổ thông là học sinh từ lớp 10 đến lớp 12.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là tỷ lệ phần trăm giữa số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông so với tổng số học sinh học dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trường đại học là cơ sở giáo dục đào tạo của bậc đại học. Trường đào tạo trình độ đại học bốn đến sáu năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành.
Giảng viên đại học là những người trực tiếp giảng dạy, các tổ trưởng, tổ phó bộ môn, các chủ nhiệm khoa, phó chủ nhiệm khoa tại các trường cao đẳng, có bằng đại học trở lên và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, bao gồm giảng viên cơ hữu (biên chế, hợp đồng dài hạn từ 1 năm trở lên) và những người đang trong thời kỳ tập sự và có thời gian giảng dạy trên 50% thời gian làm việc. Những người có chức vụ quản lý như: Hiệu trưởng, hiệu phó, các trưởng, phó phòng, các cán bộ làm việc ở các phòng ban như phòng giáo vụ, kế hoạch tài vụ, các phòng ban liên quan khác, dù có tham gia giảng dạy đều không tính là giáo viên giảng dạy.
Sinh viên đại học là những người có tên trong danh sách, đang theo học tại trường đại học, được đào tạo trình độ đại học từ bốn đến sáu năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành.
Trường công lập là trường do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.
Trường ngoài công lập bao gồm trường dân lập và trường tư thục; trong đó trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động; Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng hoạt động theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp.