Giải Quyết Vấn Đề Theo Cách Của Sherlock Holmes

Căn hộ 221B phố Baker luôn là một nơi rất bận rộn. Có lúc một vị hiệu trưởng mập mạp, người vừa mới mất con trai của công tước ngất trên thảm. Sherlock Holmes sẽ tới vào giờ ăn trưa với cây móc vừa dùng để đâm xác những con lợn, kẹp dưới tay. Thủ tướng có thể sẽ ghé qua để thông báo việc một công văn quan trọng của chính phủ vừa biến mất. Và cũng có những lúc tay sai của Moriarty cố thiêu rụi nơi này…

Dù có chuyện gì xảy ra thì tất cả những người đọc truyện của Arthur Conan Doyle (hay xem những bộ phim do Robert Downey Jr. Hoặc Basil Rathbone hoặc Benedict Cumberbatch thủ vai, hay hàng tá phim khác về Sherlocks) đều biết điều này: Ngày nào cũng như ngày nào, Holmes và bác sĩ John Watson đều có những vụ án cần giải quyết.

Là một người nghiện Sherlock lâu năm, tôi khá tự tin rằng mình biết làm thế nào mà ông ấy làm được như vậy. Ông ấy sử hữu khả năng quan sát gần như vượt quá tầm của người bình thường, ví dụ như chỉ cần nhìn vào vết rám nắng của bạn cũng có thể biết bạn đã đi những đâu. Ông ấy đã nói với Watson khi họ gặp nhau lần đầu: “Anh đã ở Afghanistan phải không?” Chỉ đơn giản là Sherlock Holmes có thể nhìn thấy những thứ mà người khác không thấy.

Tôi đã viết cuốn sách The Great Detective (Tạm dịch: Vị thám tử đại tài) lần theo dấu biểu tượng của con phố Baker suốt quá trình lịch sử của những nền văn hóa nổi tiếng từ năm 1887 đến bây giờ. Tôi đã đọc lại tất cả 60 câu chuyện gốc của Arthur Conan Doyle, và tôi nhận ra rằng cách Holmes phá các vụ án dễ tiếp cận hơn tôi tưởng. Thực tế bạn có thể gọi cách tiếp cận của ông ấy là Cách giải quyết 7 bước.

1. Dữ liệu, dữ liệu, và dữ liệu

Nền tảng của cách Sherlock Holmes tiếp cận vấn đề là những sự thật có thể quan sát được và có thể khám phá được. Điều này nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế không phải vậy: con người chúng ta thường có thói quen vội vàng đi đến kết luận trước khi kịp hiểu rõ mọi việc. (Hãy đọc những dòng nhận xét trên các trang tin tức hoặc xem cách mà các thanh tra trung bình ở Scotland Yard của Conan Doyle bắt kẻ tình nghi đầu tiên mà họ thấy.)

Holmes không cho phép bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của mình trước khi ông tìm ra sự thật của vụ án. Trong vụ “A Scandal in Bohemia” (Vụ tai tiếng xứ Bohemia), ông đã đưa ra một quy luật: “Chúng ta thường vô tình bóp méo sự thật để phù hợp với giả thiết thay vì đưa ra những giả thiết phù hợp với sự thật.”

2. Đừng chỉ nhìn – hãy quan sát!

Cũng trong câu chuyện đó, Holmes đã hỏi Watson rằng có bao nhiêu bậc dẫn tới căn hộ của họ trên phố Baker. Watson dù leo cầu thang hàng tram lần vẫn không hề biết. Nhưng Sherlock thì biết rằng có 17 bậc.

3. Hãy nói chuyện với mọi người

Một lần nữa điều này nghe có vẻ rất đơn giản. Nhưng thật đáng kinh ngạc, những mẩu truyện của Conan Doyle có thể chỉ toàn những mẩu hội thoại kéo dài tới vài chục trang mà không hề có thêm bất cứ lời dẫn chuyện nào. Sherlock Holmes lắng nghe tất cả mọi người. Thậm chí ông ấy còn cải trang thành người trông ngựa thất nghiệp để khiến cho những đứa trẻ cùng làm trong chuồng ngựa cởi mở hơn.

4. Hãy luôn bình tĩnh

Đối với Holmes không có bất cứ thứ gì hứng thú hơn một vụ án. Thực tế là khi không có vụ án nào, ông ấy thường hút cocain để có được cảm giác khoan khoái. Nhưng ông ấy có thể bình tĩnh một cách đáng ngạc nhiên thậm chí là đến mức khó chịu. Trong vụ “The Hound of the Baskervilles” (Con chó dòng họ Baskervilles), tất cả các nhân vật kể cả Watson đều trở nên hơi điên dại bởi con chó săn và những sự kiện kì lạ làm dấy lên nỗi ám ảnh về con chó ma vẫn đang lảng vảng quanh vùng Dartmoor hẻo lánh.

Liệu đó có phải là một con ma khát máu? Một lời nguyền từ xa xưa? Chỉ có mình Sherlock Holmes binh tĩnh ngồi lại và làm những việc điều tra nhàm chán và cơ bản như kiểm tra những kẻ tình nghi thông qua những hồ sơ trong quá khứ. Vậy mà chính những việc nhạt nhẽo đó đã giúp phá được vụ án.

 5. Hãy dùng cách tiếp cận của các nghệ sĩ

Những ý tưởng trinh thám lúc đầu của Conan Doyle được dựa vào vị giáo sư y học cũ của ông – nhà vật lý học tiên phong Joseph Bell. Ông rất thích thêm vào câu chuyện của mình những tình tiết khoa học – ví dụ như Holmes lúc nào cũng dí sát vào ống nghiệm, tuyên bố rằng mình sắp phát minh ra một cách mới để phát hiện vết máu hay những thứ tương tự như vậy. Nhưng khi bạn xem xét câu chuyện, bạn sẽ nhận ra rằng khoa học đóng một vai trò rất nhỏ. Thay vào đó, Sherlock Holmes là một nghệ sĩ. Conan Doyle xuất thân từ một gia đình của những nghệ sĩ nghệ thuật thị giác, và cha ông ấy là một họa sĩ tài năng nhưng không thành công.

Ở hiện trường vụ án, Holmes đi lại xung quanh, chú ý tới những điều kì lạ trên bệ cửa sổ hoặc mơ màng với những kiến thức tôn giáo và triết học. Ông mặc những bộ đồ khôi hài, hoặc đi tới những quán rượu để tán gấu hoặc đánh nhau. Ông cũng thường nghỉ ngơi đi xem hòa nhạc hoặc là ăn bánh sandwhich. Và bất cứ lúc nào có thể, ông đưa ra những phát hiện của mình không bằng một bản báo cáo ngay ngắn mà bằng một màn biểu diễn khoa trương. Ông đập vỡ bức tượng bán thân của Napoleon để tìm ra viên Ngọc Trai Đen bị đánh cắp của Borgias, hay ông ấy giấu hiệp ước bị mất trong món điểm tâm. Nói một cách khác, ông ấy tận hưởng sự vui thú.

6. Thỉnh thoảng hãy thoải mái và suy nghĩ

Trong vụ “The Man With the Twisted Lip” (Người đàn ông môi trề), Holmes và Watson đối mặt với một vụ mất tích đầy thách thức: một quý ông biến mất khỏi căn phòng bị khóa. Đó là một câu chuyện rất thú vị và hài hước, khởi đầu bằng chuyến viếng thăm nổi tiếng đến căn phòng bẩn thỉu tràn ngập thuốc phiện và giới thiệu những nhân vật tình nghi rất sinh động. Nhưng cảnh chính của vụ án chỉ là như sau: Sherlock Holmes tự làm cho mình một cái gối tựa thoải mái, châm tẩu thuốc và suy nghĩ.

Tất cả những gì ông ấy làm là suy nghĩ. Ông ấy ngồi suy nghĩ cả đêm, không hề động đậy, cho đến khi tìm ra câu trả lời. Mặc dù vậy, Conan Doyle vẫn khiến cảnh này thú vị như những cảnh hành động khác, và đó chính là phương pháp đặc trung của Holmes. Hãy ngồi yên. Mọi thứ sẽ đến với bạn.

7. Đừng chỉ tìm câu trả lời mà hãy tìm cả giải pháp

Sherlock Holmes không chỉ luôn luôn tìm kiếm kết quả mà còn cả sự công bằng. Khi ông ấy đánh bẫy một tên trộm tân binh trong “The Adventure of the Blue Carbuncle” (Viên ngọc bích màu xanh da trời), ông đã thả hắn đi sau khi chỉ trích nghiêm khắc bởi nếu người đàn ông này bị vào tù ông ta sẽ trở thành tội nhân cả đời. Hơn nữa, lúc đó còn là Giáng Sinh.

Trong vụ “The Adventure of the Second Stain” (Vết máu thứ hai), Holmes đã giải quyết được vụ án có nguy cơ hủy hoại một cuộc hôn nhân và suýt chút nữa đã làm phát sinh chiến tranh toàn Châu Âu. Những manh mối mà vị Thám Tử Đại Tài tìm ra trong cuộc điều tra đã khiến ông ấy hành động – nhưng ông ấy luôn khăng khăng làm những điều đúng đắn. Cuối cùng, tất cả – đôi mắt nhìn thấy được mọi thứ, khả năng phân tích sắc bén và sự nghiện thuốc lá nặng – đã tạo nên không chỉ là một thám tử mà là Sherlock Holmes.

Theo Bookaholic.vn