Giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”[1]. Ly hôn tất yếu sẽ kéo theo hậu quả pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt những quan hệ HN&GĐ
Mục Lục
Một số khái niệm.
Khái niệm ly hôn và hậu quả pháp lý của ly hôn.
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”[1]. Ly hôn tất yếu sẽ kéo theo hậu quả pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt những quan hệ HN&GĐ, cụ thể[2]:
Quan hệ nhân thân của vợ chồng chấm dứt, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm các quyền và nghĩa vụ như: Nghĩa vụ sống, nghĩa vụ yêu thương và chung thuỷ, nghĩa vụ chăm sóc và giúp đỡ nhau,… Nhưng một khi hai vợ chồng ly hôn các quyền và nghĩa vụ trên sẽ không phải ràng buộc thực hiện nữa.
Quan hệ tài sản của vợ chồng, khi ly hôn chế độ tài sản chung của vợ chồng được chấm dứt và tài sản chung được chia cho mỗi bên vợ chồng sẽ thuộc sở hữu riêng của mỗi người.
Nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ và con, vấn đề nuôi con chung của vợ chồng khi ly hôn được đặt ra về việc ai có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung, vấn đề thăm nom, giáo dục con chung chưa thành niên, bên cạnh đó là sự đóng góp, cấp dưỡng nuôi con chung của hai vợ chồng.
Nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn, việc cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn được đặt ra nếu một bên vợ hoặc chồng túng thiếu. yêu cầu cấp dưỡng và có lý do chính đáng.
Khái niệm con chung và căn cứ xác định con chung.
Việc ly hôn chỉ làm chấm dứt quan hệ hôn nhân vợ chồng chứ không làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con giữa vợ chồng và con chung. Do đó, khi cha, mẹ ly hôn thì vấn đề con chung là một trong những vấn đề quan trọng cần xem xét giải quyết. Với Luật HN&GĐ, khái niệm “con chung của vợ chồng” được đặt ra đối với vợ chồng có quan hệ hôn nhận hợp pháp – tức là có giấy đăng ký kết hôn theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Vậy, con chung của vợ chồng là con mà vợ chồng được xác định là cha, mẹ của người đó, bao gồm cả con đẻ và con nuôi[3].
Điều 88 Luật HN&GĐ 2014 đã quy định rõ ràng về căn cứ xác định con chung của vợ, chồng. Cụ thể, trường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, hoặc người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân hoặc sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân thì đứa trẻ sinh ra sẽ được xác định là con chung của người vợ với chồng. Trong trường hợp con được sinh ra trước khi vợ chồng đăng ký kết hôn, nhưng được vợ chồng thừa nhận là con chung, thì đứa trẻ vẫn được xác định là con chung của vợ chồng.
Trong các trường hợp trên, toà án sẽ dựa vào giấy khai sinh của con để xác định bố, mẹ. Trong trường hợp trong quá trình ly hôn, người vợ hoặc người chồng không đồng ý rằng đứa trẻ là con chung của cả hai thì cần phải tự cung cấp chứng cứ chứng minh trước Toà án[4]. Mặt khác, con chung của vợ chồng khi đã thành niên và có khả năng lao động thì không thuộc đối tượng con chung phải giải quyết khi vợ chồng ly hôn.
Giải quyết con chung khi cha, mẹ ly hôn.
Vậy, đối tượng con chung là trọng tâm trong quan hệ con chung của vợ chồng khi ly hôn bao gồm con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự mình nuôi, là đối tượng cần được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích mọi mặt. Do đó, giải quyết vấn đề con chung của vợ chồng khi ly hôn là toàn bộ quy định của pháp luật về xác định quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng khi ly hôn nhằm bảo vệ quyền lợi mọi mặt của con chung. Hoạt động giải quyết vấn đề con chung khi cha, mẹ ly hôn được tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.
[1] Khoản 14 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014.
[2] Nguyễn Xuân Tùng (2018), “Áp dụng pháp luật giải quyết vấn đề nuôi con chung của vợ chồng khi ly hôn”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr. 8 – 9.
[3] Nông Thị Trang (2019), “Giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Kạn”, Luật văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr. 7.
[4] Khoản 2 Điều 88 Luật HN&GĐ 2014.
Giao con cho một bên trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục khi ly hôn.
Vấn đề ai là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có thể được hai bên đương sự (vợ, chồng) tự thoả thuận với nhau và được Toà án ghi nhận trong quyết định, bản án. Trong trường hợp hai bên không thể tự thoả thuận được với nhau, Toà án sẽ xem xét, giao quyền nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng (căn cứ khoản 2 Điều 81 Luật HN&GĐ 2014). Cụ thể:
Với việc toà án tôn trọng thoả thuận của hai bên đương sự, xuất phát từ thực tiễn bố, mẹ là người gần gũi với con cái, đồng thời là một trong những người hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện, tính cách, con người đối phương. Do đó mà các bên biết được rằng lựa chọn ai là người trực tiếp nuôi con thì sẽ có lợi cho những đứa con của họ.
Nếu hai bên đương sự không thoả thuận được, Toà án sẽ căn cứ vào các yếu tố sau để xác định người đáp ứng điều kiện phù hợp, tốt nhất cho trẻ, gồm: điều kiện tài chính, thu nhập,tài sản của hai bên vợ chồng – có đủ khả năng để chăm sóc, tạo điều kiện giáo dục tốt nhất cho trẻ hay không; điều kiện, công việc của hai bên vợ, chồng có phù hợp, thuận lợi, không làm xáo trộn việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển của con hay không; đặc biệt là yếu tố đạo đức của người trực tiếp nuôi con; cuối cùng là xem xét xem một trong hai bên đương sự có thuộc một trong các đối tượng có các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật HN&GĐ: “a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; b) Phá tán tài sản của con; c) Có lối sống đồi trụy; d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Toà án căn cứ vào việc xác minh tại cơ quan, tổ chức nơi đương sự công tác, làm việc, chính quyền địa phương nơi đương sự sinh sống cũng như người có liên quan như người thân thích sống chung. Thực hiện một trong những hành vi trên, đồng nghĩa với việc cha (mẹ) không có đủ điều kiện để thực hiện việc trực tiếp nuôi dưỡng trẻ.
Ngoài ra, còn có các trường hợp sau: Thứ nhất, nếu như cha, mẹ ly hôn khi con chung của cả hai là trẻ dưới 36 tháng tuổi thì sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi nếu người mẹ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và các bên không có thoả thuận khác (khoản 3 Điều 81 Luật HN&GĐ). Thứ hai, “nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”[1], bởi, từ giai đoạn này trở đi, con đã có đủ nhận thức và mong muốn của riêng mình. Việc ở cùng ai là vấn đề quan trọng quyết định một phần tương lai của con, do đó, ý kiến của con phải được lắng nghe và tôn trọng.
Cấp dưỡng cho con khi ly hôn.
Khi ly hôn và một trong hai bên đương sự là người trực tiếp nuôi con, chi phí vật chất cần sử dụng là vô cùng lớn, nếu riêng một bên gánh vác là vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, chăm sóc con là trách nhiệm của cả bố và mẹ, do đó, vấn đề cấp dưỡng được đặt ra đối với một bên đương sự không phải là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con chung. Cha (mẹ) không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cho đến khi con đủ 18 tuổi hoặc cấp dưỡng cho con nếu con thuộc đối tượng đã đủ 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình[2].
Về mức cấp dưỡng, theo Điều 116 Luật HN&GĐ, pháp luật không ấn định mức cấp dưỡng mà cha (mẹ) phải chi trả khi không trực tiếp nuôi con, mà quyền quyết định được giao cho hai bên tự thoả thuận căn cứ vào nhu cầu thiết yếu của con chung được cấp dưỡng và thu nhập, khả năng thực tế của đối phương.
Về phương thức thực hiện cấp dưỡng, pháp luật ưu tiên sự thoả thuận của các bên về phương thức cấp dưỡng. Toà án chỉ giải quyết khi các bên không tự thoả thuận được. Pháp luật cũng quy định nhiều phương thức cấp dưỡng khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người có nghĩa vụ cấp dưỡng: định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần[3].
Việc thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Theo quy định của pháp luật, sau khi vợ chồng ly hôn, người con không thể đồng thời sống cùng với cả cha và mẹ bởi khi đó nghĩa vụ chung sống và cùng nhau xây dựng gia đình của vợ chồng không còn tồn tại. Vì vậy, dù không muốn nhưng một trong hai người phải chấp nhận sống xa con cái, không được trực tiếp hàng ngày chăm sóc, nuôi dưỡng con chung. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho con và cũng để người không trực tiếp nuôi con thực hiện trách nhiệm của mình và bù đắp phần nào nỗi day dứt khi phải sống xa con, Luật HN&GĐ 2014 quy định tại khoản 3 Điều 82 như sau: “ Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”. Việc thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của người đó[4]. Vì vậy, không ai có quyền cản trở quyền thăm non con chung của người không trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, trong trường hợp người này lợi dùng quyền hạn của mình gây ảnh hưởng đến xấu đến trẻ hoặc ảnh hưởng đến việc chăm sóc con của người đang trực tiếp nuôi con, thì người đó có thể bị Toà án tuyên hạn chế quyền thăm nom con nếu như bên còn lại có yêu cầu.
Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Trong trường hợp theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật HN&GĐ 2014, Toà án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, gồm: “a) Người thân thích; b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; d) Hội liên hiệp phụ nữ”. Xuất phát từ thực tiễn nhiều trường hợp cho thấy rằng khi giao cho một bên cha (mẹ) nuôi dưỡng, cuộc sống của con không được đảm bảo, tuy nhiên, cha (mẹ) vì lí do nào đó lại không yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con. Khi đó, để đảm bảo quyền lợi của con chung thì cá nhân, cơ quan, tổ chức trên có thể đứng ra yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con, đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của con chung.
Về căn cứ để Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng, trông nom, chăm sóc, giáo dục con; được quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật HN&GĐ. Thứ nhất, cha mẹ có thoả thuận về việc thay đổi người nhằm mục đích tạo ra môi trường tốt hơn cho con. Trong trường hợp này, Toà án cần xem xét cẩn thận khi có yêu cầu, tránh xảy ra tình trạng cha, mẹ tranh giành quyền nuôi con hoặc có mục đích khác mà không phải vì đặt lợi ích của con lên hàng đầu. Đồng thời, “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên”[5]. Hoặc thứ hai, người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Tuy nhiên chỉ khi xét thấy thật cần thiết, Toà mới chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống cũng như tâm lý của trẻ.
Khi xác định lại người trực tiếp nuôi con, Toà án có thể thay đổi một số nội dung trong quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con như mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng, quyền thăm nom con cho phù hợp với điều kiện thực tế của các bên.
[1] Khoản 2 Điều 81 Luật HN&GĐ 2014.
[2] Điều 110 Luật HN&GD và khoản 1 Điều 21 BLDS năm 2015.
[3] Điều 117 Luật HN&GĐ 2014.
[4] Nông Thị Trang (2019), “Giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Kạn”, Luật văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr. 29.
[5] Khoản 3 Điều 84 Luật HN&GĐ 2014.