Giải quyết tình trạng người không quốc tịch tại Việt Nam
fiogf49gjkf0d
Mặc dù Việt Nam đã có những nỗ trong việc bảo đảm quyền có quốc tịch của cá nhân nhưng trên thực tế vẫn còn trình trạng người không có quốc tịch cư trú trên lãnh thổ. Về lâu dài, để bảo đảm cho người không quốc tịch được hưởng đầy đủ quyền và nghĩa vụ như công dân trong nước, bảo đảm an ninh quốc gia cũng như nâng cao hiệu quả quản lý đối với những trường hợp này, đòi hỏi cần phải có giải pháp để giải quyết tình trạng người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Quốc tịch là quyền cơ bản, đầu tiên của cá nhân
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của quốc tịch của mỗi cá nhân, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, quyền quốc tịch là một trong những quyền cơ bản và đầu tiên của một cá nhân khi ra đời. Quốc tịch thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cá nhân đó đối với quốc gia mà mình mang quốc tịch và quyền, trách nhiệm của quốc gia đó với cá nhân mang quốc tịch của quốc gia mình. Về vấn đề này, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị đều theo hướng mọi người đều có quyền có một quốc tịch và không ai bị tước quốc tịch một cách vô cớ.
Khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến chủ trương, chính sách để bảo đảm quyền có quốc tịch của cá nhân và Việt Nam cũng đã xây dựng được một hành lang pháp lý về vấn đề này song Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng xác nhận, vì những nguyên nhân khác nhau, vẫn có những trường hợp người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo pháp luật quốc tế, tình trạng không quốc tịch có hai dạng chính, một là, người không quốc tịch theo luật được hiểu là một người không được coi là công dân của một nước theo quy định của nước đó, hoặc không xin được xác nhận quốc tịch. Hai là, người không quốc tịch từ thực tế, nghĩa là một người không thể có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh quốc tịch của mình.
Thực trạng không quốc tịch tại Việt Nam
Ở nước ta, người không quốc tịch được hiểu là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài. Với quan điểm, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch theo quy định của Luật Quốc tịch song trên lãnh thổ lãnh thổ Việt Nam vẫn còn không ít trường hợp tồn đọng tình trạng người không quốc tịch.
Theo nghiên cứu báo cáo của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có thể phân loại người không quốc tịch thành 3 nhóm chủ yếu. Đó là những người từ Lào di cư tự do sang Việt Nam sống dọc các tỉnh biên giới phía Tây; những người tị nạn, người di cư từ Campuchia đến sinh sống tại các các tỉnh phía Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và một số người đã được thôi quốc tịch Việt Nam, lấy chồng/ vợ là người nước ngoài để nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vì nhiều lý do khác nhau họ không nhập được quốc tịch của nước đến (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức…) nay họ rơi vào trạng thái không quốc tịch, về Việt Nam sinh sống.
Việc quản lý và cấp giấy tờ cư trú (tạm trú, thường trú), xuất nhập cảnh đối với những trường hợp như trên gặp nhiều khó khăn, hầu như chưa thực hiện được vì những người này hầu như không có giấy tờ tùy thân. Đặc biệt gần đây, tình trạng di cư tự do có diễn biến phức tạp, tác động đến quan hệ hai nước Việt Nam – Lào và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Để giải quyết vấn đề người di cư tự do, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã ký Thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú.
Làm gì để giải quyết tình trạng người không quốc tịch tại Việt Nam
Trước thực trạng ở các địa phương có nhiều người Việt Nam định cư nước ngoài về thăm thân nhân rồi cư trú quá hạn kéo dài nhưng không đủ điều kiện làm thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam theo quy định, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã có thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT/BCA-BNG ngày 12/5/2009 hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam. Theo đó, đối với những người mang hộ chiếu, giấy tờ nước ngoài cấp nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc đã bị thất lạc, nếu có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, công an tỉnh hướng dẫn họ làm thủ tục đăng ký thường trú và vận dụng xem xét theo thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT/BCA-BNG. Nếu không có giấy tờ chứng minh quốc tịch thì hướng dẫn họ liên hệ với Sở tư pháp để giải quyết việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Sau khi họ có quốc tịch Việt Nam mới giải quyết cho làm thủ tục đăng ký thường trú.
Đối với người mang hộ chiếu, giấy tờ nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng nhưng quá hạn tạm trú Việt Nam, Công an tỉnh vận động họ xuất cảnh và giải quyết như sau: đối với trường hợp họ chấp thuận thì cấp tạm trú đủ thời gian để xuất cảnh và miễn xử phạt hành chính. Còn đối với trường hợp sau khi vận động, họ vẫn có nguyện vọng ở lại thường trú tại Việt Nam, nếu có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, Công an tỉnh hướng dẫn họ làm thủ tục đăng ký thường trú và vận dụng xem xét giải quyết theo Thông tư liên tịch số 05/2009/ TTLT/BCA-BNG. Nếu họ không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, Công an tỉnh hướng dẫn họ liên hệ với Sở Tư pháp để giải quyết việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Sau khi có quốc tịch Việt Nam, Công an tỉnh hướng dẫn họ làm thủ tục đăng ký thường trú và vận dung xem xét, giải quyết theo Thông tư liên tịch số 05/2009/ TTLT/BCA-BNG. Còn đối với trường hợp trong quá trình lưu trú tại địa phương có vấn đề phức tạp, xét cho ở lại địa phương sẽ ảnh hưởng không tốt đến an ninh trật tự, Công an tỉnh báo cáo Tổng cục An ninh để xem xét áp dụng biện pháp trục xuất hành chính.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngày càng gia tăng số lượng người không quốc tịch tại Việt Nam và điều này có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Để giải quyết tình hình tồn đọng số lượng người không quốc tịch sống ổn định trên lãnh thổ Việt Nam, có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cần chỉ đạo quyết liệt và cụ thể hơn nữa đối với các bộ, ngành chức năng trong giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú. Cần thành lập một nhóm liên hợp bộ, ngành để rà soát, thống kê, phân loại những người di cư tự do không giấy tờ để có hướng giải quyết, xem xét cấp giấy tờ tùy thân, cư trú xuất nhập cảnh đối với người do tồn đọng và những người tiếp tục di trú trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có quy định, hướng dẫn đối với một số trường hợp theo hướng thông thoáng hơn so với trước đây. Trong đó, những người không có giấy tờ tùy thân nhưng có giấy tờ chứng minh quốc tịch của cha, mẹ, anh, chị em ruột thì vẫn được cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; tất cả những trường hợp trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam hoặc sinh ở Campuchia mà cha mẹ đều từ Campuchia trở về Việt Nam từ 6 tháng trở lên tính từ ngày công an quản lý thì đều được đăng ký khai sinh…