Giải quyết khiếu nại về hành chính sau khi quyết định giải quyết lần 2 đã có hiệu lực pháp luật
Giải quyết khiếu nại về hành chính sau khi quyết định giải quyết lần 2 đã có hiệu lực pháp luật
Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền vẫn thực hiện rà soát lại các vụ việc khiếu nại, đặc biệt là các vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, tồn đọng trong nhiều năm, các vụ việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nhưng công dân không lựa chọn khởi kiện vụ án hành chính (hoặc khởi kiện nhưng Tòa án không thụ lý do đã hết thời hiệu) mà vẫn tiếp tục gửi đơn, thư khiếu nại và các hình thức đơn thư khác đề nghị xem xét, giải quyết…
Công dân vẫn tiếp khiếu sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2
Hiện nay, Luật Khiếu nại chưa quy định xem xét, giải quyết lại các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu khởi kiện ra Tòa án nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Nhưng trên thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn thực hiện rà soát, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, đặc biệt là các vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, tồn đọng trong nhiều năm, các vụ việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nhưng công dân không lựa chọn khởi kiện vụ án hành chính (hoặc khởi kiện nhưng Tòa án không thụ lý do đã hết thời hiệu) mà vẫn tiếp tục gửi đơn, thư khiếu nại và các hình thức đơn thư khác đề nghị xem xét, giải quyết…
Từ thực tiễn đó, vấn đề phát sinh là cần thiết phải có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về xem xét giải quyết lại khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu khởi kiện ra Tòa án nhân dân nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại hay không?
Trên thực tế, qua theo dõi cho thấy các vụ việc khiếu nại đã được giải quyết lần hai nhưng công dân không đồng ý và chủ yếu vẫn tiếp tục khiếu nại hoặc chuyển sang tố cáo để được giải quyết bằng thủ tục hành chính, chỉ một số ít vụ việc được khởi kiện tại Toà án theo thủ tục tố tụng.
Nguyên nhân của tình trạng này là do tâm lý người dân luôn ưu tiên lựa chọn giải quyết bằng thủ tục hành chính, bởi các vụ việc khiếu nại, nhất là các vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai thường rất phức tạp, cần có quá trình quản lý, theo dõi các hồ sơ, tài liệu, các vấn đề đền bù về kinh tế mới nắm bắt cụ thể và có điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết quyền lợi của người khiếu nại, đây cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng cũng có đề xuất theo hướng khuyến khích người dân lựa chọn Toà án để giải quyết các vụ việc khiếu nại, đặc biệt là các vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai thì nên chuyển toàn bộ sang Toà án giải quyết nhằm đảm bảo tính khách quan, khả thi, sự tuân thủ, chấp hành của các đối tượng khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Còn trên phương diện quy định pháp luật, khoản 7 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định “khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai” thuộc một trong các trường hợp không được thụ lý giải quyết và Điều 42 quy định “… người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.
Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp trong một buổi tiếp dân. Ảnh: PV
Có “Điểm dừng” trong giải quyết khiếu nại, khuyến khích người dân khởi kiện vụ án hành chính
Tiếp thu đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Nghị định số 75/2012/NĐ-CP đã bỏ quy định tại Điều 20 của Nghị định số 75/2012/NĐ-CP. Tại Điều 38 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại (thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP) quy định: “Khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người có thẩm quyền hoặc giao Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết”.
Tại Điều 9 Thông tư số 05/2021/TT-CP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh quy định về xử lý đơn khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, trong đó nêu rõ đơn khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 44 Luật Khiếu nại thì người xử lý đơn không thụ lý, không chuyển đơn mà hướng dẫn người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính, trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều này.
Còn trong trường hợp đơn khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng qua nghiên cứu, xem xét phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 38 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại thì người xử lý đơn phải báo cáo để người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mình xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, Luật Khiếu nại, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, Thông tư số 05/2021/TT-CP không quy định cơ chế để xem xét, giải quyết lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, nhằm tạo “điểm dừng” trong giải quyết khiếu nại và khuyến khích người dân khởi kiện vụ án hành chính khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại. Các quy định tại Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, Thông tư số 05/2021/TT-CP đã thể hiện đúng tinh thần của Luật Khiếu nại và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 279/BC-UBTVQH14, Văn bản số 2663/TTKQH-TH.
Do đó, trong khuôn khổ pháp lý hiện hành việc nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định điều kiện xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại hành chính đã có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu khởi kiện ra Tòa án nhân dân nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại theo quy định hiện hành là chưa đủ cơ sở. Trong tương lai, khi sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại thì cần tiếp tục nghiên cứu , xem xét các vấn đề lý luận, thực tiễn, tính khả thi để đề xuất các quy định cụ thể về vấn đề này nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện./.
Lan Anh
Nguồn: thanhtravietnam.vn (09/3/2023)