giải pháp skkn: “Biện pháp rèn cho trẻ 24-36 tháng tuổi có thói quen tốt trong chế độ sinh hoạt …
UBND HUYỆN TRÀ ÔN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG MN THỚI HÒA Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Thới Hòa, ngày 19 tháng 5 năm 2020
GIẢI PHÁP SÁNG KIẾN
Thực hiện nhiệm vụ công tác năm học 2019 – 2020
I . THÔNG TIN CÁ NHÂN
– Họ và tên : Nguyễn Thiện Minh Nam/nữ: Nữ
– Ngày tháng năm sinh: 19/4/1993
– Chức vụ / Đơn vị công tác: Giáo viên Trường Mầm non Thới Hòa
II . NỘI DUNG SÁNG KIẾN
1. Tên sáng kiến: “Biện pháp rèn cho trẻ 24-36 tháng tuổi có thói quen tốt trong chế độ sinh hoạt giờ ăn của trẻ tại trường mầm non Thới Hòa”
2. Tóm tắt nội dung sáng kiến.
2.1 Lý do chọn đề tài
Giáo dục trẻ ngay từ những ngày đầu đi học là một vai trò rất quan trọng đến việc phát triển và hình thành nhân cách trẻ đặt biệt là trẻ 24-36 tháng. Bên cạnh đó việc dạy cho trẻ có những thói quen nề nếp trong ăn uống là một việc làm vô cùng quan trọng và rất khó trong việc nuôi dạy giáo dục trẻ ở trường vì trẻ còn quá nhỏ. Thông qua việc tập cho trẻ tự phục vụ góp phần giúp trẻ có một thói quen tốt trong ăn uống, trong sinh hoạt, đồng thời rèn luyện những tố chất vận động, sự khéo léo, tính kiên trì, kỷ luật….Giúp trẻ phát triển toàn diện và góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách mới cho trẻ.
Thực tế một số phụ huynh chăm sóc trẻ một cách chu đáo lúc nào cũng làm thay, làm hết những việc mà trẻ cần làm nhất là trong ăn uống. Phụ huynh không nghĩ rằng những việc làm đó dẫn đến trẻ có một thói quen ăn uống không tốt, không những ảnh hưởng đến ham muốn ăn uống mà còn ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng cho nên khi trẻ đến lớp, bản thân tôi thiết nghỉ phải rèn thói quen ăn uống tốt cho trẻ từ nhỏ, phải kết hợp phụ huynh thay đổi cách chăm sóc trẻ và rèn thói quen trong chế độ sinh hoạt giờ ăn của trẻ trong trường và ở nhà.
2.2 Biện pháp thực hiện sáng kiến:
* Rèn kỹ năng rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn cho trẻ.
Tôi thường xuyên dạy và rèn thói quen rửa tay cho trẻ vào các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Tuy nhiên việc rèn kỹ năng và thói quen rữa tay bằng xà phòng trước và say bữa ăn là việc làm hàng ngày mà tôi và giáo viên chung lớp cùng làm.
Giải thích cho trẻ hiểu: Rửa tay là cách tốt nhất để ngăn chặn vi khuẩn lây lan sang trẻ từ những thứ mà bé chạm vào trong ngày như đồ chơi trong lớp, tham gia các hoạt động ngoài trời, nhà vệ sinh…Rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn có thể gây bệnh ra khỏi tay.
Thực hành dạy trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi ăn bằng xà phòng theo 6 bước.
Qua những việc làm đó tôi giáo dục trẻ tiết kiệm nước, tiết kiệm xà phòng, lấy cất hộp xà phòng đúng qui định, rèn kỹ năng xếp hàng chờ đến lượt.
* Rèn thói quen tự phục vụ giờ ăn và thu dọn đồ dùng khi ăn.
Từ những ngày đầu vào lớp thì là các cô là người sắp xếp bàn ghế và đồ dùng ăn uống cho trẻ. Qua một thời gian thì tôi nhờ trẻ lớn hỗ trợ và cùng làm với cô công việc như sắp bàn, xếp ghế,chén, muỗng, hộp giấy…Dù không sắp xếp đẹp mắt nhưng cô vẫn tuyên dương và khích lệ tinh thần cho trẻ, từ đó trẻ sẽ tự tin, chủ động giúp đỡ cô giáo và cô khuyên trẻ nên hợp tác với bạn để công việc nhanh hơn.Từ những việc làm đó cũng giúp cho những trẻ hay khóc đòi mẹ cũng hoà vào thực hiện.
Ví dụ: Chuẩn bị đến gờ ăn tôi nhờ sự giúp đỡ của trẻ bằng một tình huống:
“Hôm nay có bạn nào muốn giúp cô dọn bàn ăn và sắp ghế không?”
Chắc chắn sẽ nhiều cánh tay giơ lên.Cô hỏi: Con sẽ làm gì? Con xếp như thế nào?
Khuyến khích trẻ ăn xong phân loại chén, muỗng, xếp bàn, ghế ngay ngắn.
Cô giáo là người quan sát và cổ vũ tinh thần cho trẻ và giúp trẻ có nhiều năng lượng hơn trong các nhiệm vụ lần sau. Những việc làm tưởng chừng thật đơn giản nhưng với trẻ đó là một hành độnglớn cần tuyên dương và phát huy.
* Rèn cho trẻ thói quen ăn uống tại bàn, biết mời cô mời bạn.
Trong các gia đình hiện nay, các bậc phụ huynh lúc nào cũng thương yêu và mong muốn những điều tốt đẹp nhất giành cho con trẻ, nhưng không phải những tình yêu thương nào cũng đúng cách ví dụ như trong giờ ăn, phụ huynh dùng mọi cách để trẻ ăn hết phần, dắt trẻ đi khắp nhà, cho trẻ xem tivi, xem laptop, xem điện thoại….Mong cho trẻ ăn hết phần mà không nghĩ rằng trẻ ăn mà không có cảm nhận vị ngon của thức ăn, không dạy trẻ hành vi văn minh trong ăn uống. Do vậy, trong lớp tôi xác định phải rèn lại kỹ năng cho trẻ, tìm hiểu về trẻ để bước đầu giúp trẻ ngồi trên ghế và từ từ hình thành cho trẻ muốn được ăn thì phải ngồi đúng vị trí bàn ăn để cô chia phần ăn, dạy cho trẻ thói quen khi ngồi vào bàn ăn không được chạy nhảy và không được chọc phá bạn kế bên.
Ví dụ: Cô giáo có thể dùng nhiều cách cho trẻ ngồi vào bàn ăn:
Đứng gần trẻ và nhắc nhở trẻ
Ngồi kế bên và hỗ trợ cho trẻ mới vào, trẻ nhỏ tháng
Khen ngợi những trẻ an ngoan và tự múc ăn.
Để giáo dục trẻ khi ở nhà trước khi ăn phải mời người lớn ăn trước, mời ông bà cha mẹ anh chị cùng ăn còn ở lớp biết mời cô mời bạn. Thói quen tốt sẽ dẫn đến những hành động tốt, trẻ biết mời người lớn mời bạn cùng ăn ngoài việc thể hiện sự lễ phép còn lịch sự trong việc giao tiếp. Đây là hành vi văn minh lịch sự trẻ không dễ dàng nhớ được vì ngôn ngữ trẻ chưa phát triển nhiều tôi đã sưu tầm và đưa vào các bài thơ dạy trẻ đọc, trẻ nhớ và thực hiện.
* Rèn cách sử dụng đồ dùng, vật dụng trong ăn uống đúng cách.
Trẻ cần được tìm hiểu khám phá cũng như làm quen về những đồ dùng ăn uống mà ở nhà đôi lúc phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến. Thông qua các hoạt động trong ngày để cho trẻ hiểu hơn về những đồ dùng đó tôi cho trẻ xem vật thật những đồ dùng trẻ sẽ dùng trong giờ ăn, hướng dẫn và cho trẻ gọi tên, công dụng, cách sử dụng và cho trẻ thực hành cách cầm tô, cầm muỗng, cách xé giấy lao tay, lao miệng, dạy trẻ xếp chồng tô to ở dưới, tô nhỏ ở trên, xếp hộp giấy ngay ngắn vào tủ…Nếu trẻ thuần thục những kỹ năng trên trẻ sẽ thích thú khi ăn, ăn không rơi cơm và giữ gìn đồ dùng trong trường và đồ dùng gia đình.
Ví dụ: Rèn cho trẻ ngồi thẳng lưng khi ăn, cách cầm muỗng tay phải, tay trái cầm tô, múc ăn nhẹ nhàng.
* Kết hợp với phụ huynh khi chăm sóc trẻ ở nhà.
Kết hợp với phụ huynh cùng rèn cho trẻ thói quen tốt khi ăn. Ở nhà khi cho trẻ ăn cũng phải cho trẻ ngồi vào bàn ăn, cho trẻ tự múc cơm ăn, hạn chế đút trẻ. Không cho trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại, ti vi, vừa ăn vừa chạy đi chơi. Phụ huynh cũng nên cho trẻ tự lấy đồ dùng khi ăn để trẻ có khả năng tự phục vụ không để việc gì cũng làm giúp trẻ sẽ dễ gây việc trẻ dựa vào người lớn.
Mời phụ huynh quan sát giờ ăn của trẻvà trao đổi với phụ huynh về cách chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ ở trường để phụ huynh phối hợp chăm sóc trẻ.
3. Tính mới
– Phối hợp với phụ huynh rèn luyện thói quen ăn uống của trẻ ở nhà như ở trường, giúp trẻ mạnh dạng tự tin, giúp đỡ người lớn, giúp đỡ bạn bè.
– Kết hợp với giáo viên cùng lớp cho trẻ thực hành tốt và lặp đi lặp lại thói quen trong các giờ ăn của trẻ tại trường.
4. Phạm vi ứng dụng, triển khai thực hiện.
– Sau khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này vào thực tế của lớp đạt kết quả rất tốt, được bạn đồng nghiệp đánh giá cao và nhân rộng trong hội đồng trường áp dụng có hiệu quả.
5. Hiệu quả mang lại.
Sau khi áp dụng các giải pháp thì kết quả đạt được là:
Mức độ khảo sát
Đầu năm
Tỉ lệ %
Cuối năm
Tỉ lệ %
So sánh tỉ lệ đầu năm
Trẻ có thói quen rữa tay trước và sau khi ăn.
5/25
20%
22/25
88%
Tăng 68 %
Trẻ có thói quen tự phục vụ giờ ăn và thu dọn đồ dùng khi ăn.
4/25
16%
20/25
80%
Tăng 64%
Trẻ có thói quen ăn uống tại bàn, biết mời cô mời bạn.
4/25
16%
20/25
80%
Tăng 64%
Trẻ biết sử dụng đồ dùng, vật dụng trong ăn uống đúng cách.
10/25
40%
22/25
88%
Tăng 48%
6. Thành tích khen thưởng đạt được liên quan đến sáng kiến.
Sáng kiến được hội đồng xét sáng kiến kinh nghiệm trường đánh giá đạt kết quả tốt trong hội thi giáo viên giỏi trường năm học 2019- 2020 và có khả năng nhân rộng cho các nhóm lớp độ tuổi 24-36 tháng cùng thực hiện.
Tôi xin chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện giải pháp, sáng kiến như đã nêu trên là trung thực./.
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ XÁC NHẬN NGƯỜI VIẾT SÁNG KIẾN
Nguyễn Thiện Minh