Giải pháp ngăn ngừa sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử

Sáng 8/6, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng Công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thời gian vừa qua lãnh đạo Bộ Công an cũng chỉ đạo các Cục nghiệp vụ Công an của Bộ và Công an các tỉnh, thành phố cũng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ GD ĐT để triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp.

Kỳ thi năm nay giữ ổn định như năm 2021 nhưng vẫn có những điểm mới quan trọng. Bộ cũng tăng cường ứng dụng CNTT trong rất nhiều khâu của kỳ thi, từ việc đăng ký dự thi, ra đề thi, chấm thi đến công bố kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp,

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng Công nghệ cao (A05), Bộ Công an.Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết, khi đã ứng dụng CNTT trong các khâu của kỳ thi, số hóa hồ sơ, tài liệu, xây dựng hệ thống thông tin, xây dựng các cơ sở dữ liệu liên quan đến kỳ thi thì các vấn đề đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng cũng phải được triển khai đồng bộ, ngay từ đầu. Công tác này không phải chỉ trong thời điểm diễn ra kỳ thi mà nó phải được duy trì trong suốt quá trình và phải được đảm bảo an ninh tối đa trong suốt những năm sau này.

Thời gian qua, Cục A05 cũng đã tăng cường công tác nắm tình tình trên không gian mạng, nhất là đối với các hội nhóm, các diễn đàn mạng xã hội có hoạt động phức tạp, có liên quan đến việc chia sẻ tài liệu học tập, đề thi thử, đề thi tốt nghiệp các năm để kịp thời phát hiện xử lý các vấn đề, các tình hình liên quan ảnh hưởng đến kỳ thi.

 “Qua nắm tình hình, chúng tôi thấy vẫn còn tình trạng mua bán thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang, điều này tiềm ẩn yếu tố sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử” – Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết.

Được biết, trong kỳ thi năm 2021, Cục A05 đã phát hiện hoạt động sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. Qua phát hiện này, đã khởi tố vụ án, khởi tố vụ can, bắt 1 nhóm đối tượng có 23 người với tội danh cố ý làm lộ bí mật nhà nước, có những kẻ chủ mưu cầm đầu, đt hỗ trợ kỹ thuật và cấc đối tượng là thí sinh dự thi.

Theo Thiếu tướng, thủ đoạn của những đối tượng này cũng hết sức tinh vi, được tổ chức kỹ lưỡng, xây dựng thành quy trình, sử dụng kết hợp nhiều loại thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang, quay chụp tài liệu, liên lạc giữa bên trong phòng thi với bên ngoài. Các đối tượng cầm đầu lên mạng tìm kiếm người có thể giải đề thi gộp thành 1 nhóm, sau đó tập hợp những thí sinh có nhu cầu gian lận, trước khi thi đã được tập huấn rất kỹ càng.

Thí sinh vi phạm thường sử dụng camera dạng cúc áo và điện thoại chính là thiết bị trung gian được sử dụng để đối tượng bên ngoài điều khiển, kết nối với thí sinh thực hiện hành vi vi phạm.

Liên quan việc cho phép mang các thiết bị ghi âm ghi hình không kết nối mạng, Thiếu tướng Lê Mạnh Minh tiếp tục đề xuất không cho các thí sinh mang các thiết bị này vào. “Việc chúng ta cho các em mang thiết bị không kết nối vào phòng thi, sau đó các cơ quan chức năng phải đánh giá thiết bị có kết nối hay không cũng rất khó khăn, buộc cơ quan chức năng phải triển khai thiết bị chuyên dụng mới có thể đánh giá thiết bị này có chức năng phát sóng hay không. Vì vậy, chúng tôi đề xuất là tất cả các thiết bị ghi âm ghi hình đều không được mang vào phòng thi” – Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết.

Đại diện Cục A05 cũng nhấn mạnh, vi phạm quy chế thi, đặc biệt là để lộ lọt đề thi, hành vi sao chụp đề thi trong thời gian làm bài là vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ bí mật Nhà nước, cần hướng dẫn, răn đe ngăn ngừa hành vi này.

Linh hoạt quy định đeo khẩu trang trong phòng thi

Vấn đề có cho thí sinh đeo khẩu trang trong phòng thi hay không cũng được một số địa phương đề cập và đặt ra lo ngại thí sinh sẽ lợi dụng việc đeo khẩu trang để mang vào phòng thi thiết bị nhằm gian lận thi cử.

(Ảnh minh hoạ)Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cũng cho rằng các thiết bị camera giấu kín có thể có hình thức rất nhỏ, thí sinh có ý định vi phạm có thể lợi dụng khẩu trang để giấu thiết bị này. Giải pháp ngăn ngừa chính là cách ly thiết bị trung gian. Quy định bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi là nhằm thực hiện điều này.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế thì đối tượng F0, F1 bắt buộc đeo khẩu trang.

Ngoài ra, hiện chúng ta vẫn thực hiện quy định 5K, nên địa phương vẫn yêu cầu thí sinh phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên quan điểm của Bộ Y tế là các địa phương có thể thực hiện linh hoạt, khi thí sinh vào phòng thi thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang. Bởi trong phòng thi, các thí sinh không được phép trao đổi và đã bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Ông Dương cũng cho biết, riêng với phòng thi có F0, chắc chắn thí sinh F0 phải đeo khẩu trang y tế; cán bộ coi thi phải bảo đảm các phương tiện phòng hộ theo quy định./.

Minh Khánh/VOV.VN