Giải pháp khắc phục tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay

TÓM TẮT:

Những thiệt hại do thực phẩm bẩn
gây nên nhiều hậu quả khác nhau, từ bệnh cấp tính, mạn tính đến tử vong. Thiệt
hại chính do các bệnh gây ra từ thực phẩm bẩn đối với cá nhân là chi phí khám bệnh,
phục hồi sức khỏe, chi phí do phải chăm sóc người bệnh, sự mất thu nhập do phải
nghỉ làm… Đối với nhà sản xuất, đó là những chi phí do phải thu hồi, lưu giữ sản
phẩm, hủy hoặc loại bỏ sản phẩm, những thiệt hại do mất lợi nhuận do thông tin
quảng cáo… Thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của người tiêu dùng và còn làm giảm
lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Từ khóa: Thực phẩm bẩn, ngộ độc, lợi thế cạnh tranh, uy tín quốc tế,
hàng hóa, xuất khẩu.

I. Đặt vấn đề

Theo số liệu từ Cục An toàn thực
phẩm (Bộ Y tế), chỉ tính trong 10 tháng năm 2016, cả nước đã xảy ra 150 vụ ngộ
độc thực phẩm làm 21 người tử vong, hơn 4.400 người bị nhiễm độc phải đi cấp cứu.
Đây chỉ là những con số ghi nhận được qua các vụ ngộ độc nghiêm trọng gây chết
người hoặc các vụ ngộ độc từ các bếp ăn tập thể. Trong thực tế, vẫn có những vụ
ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ trong các gia đình chưa được cơ quan chức năng thống
kê, ghi nhận đầy đủ. Nguyên nhân trực tiếp là từ nguồn thực phẩm bẩn, chứa chất
bảo quản độc hại, quá hạn sử dụng được bán trên thị trường, đưa vào chế biến
làm thức ăn hằng ngày cho người dân.

Theo kết quả giám sát trên diện rộng
trong 6 tháng cuối năm 2016, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol
là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu
thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%; mẫu thủy sản các loại chứa
hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3%.

Kết quả kiểm tra các chỉ tiêu vệ
sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm lưu thông trên thị trường vẫn còn tồn dư
hóa chất bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép trong rau chiếm 11,65% -13%,
trong quả từ 5%-15,15%. Việc không bảo đảm điều kiện vệ sinh của các cơ sở sản
xuất, chế biến thực phẩm còn khá phổ biến.

Theo số liệu của Chi Cục quản lý
thị trường Hà Nội, từ ngày 20/12/2015 đến ngày 19/11/2016, đơn vị này kiểm tra,
xử lý 2.246 vụ vi phạm về đo lường và an toàn vệ sinh thực phẩm, phạt hành
chính hơn 14,301 tỷ đồng và trị giá hàng vi phạm hơn 10,337 tỷ đồng. Trong khi
đó, 11 tháng qua, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thí điểm lập 15 đoàn thanh tra chuyên
ngành tại năm quận, huyện và 10 phường, xã, kiểm tra 1.377 cơ sở sản xuất, kinh
doanh thực phẩm, phát hiện 799 cơ sở vi phạm. Trong tháng 9/2016, Phòng Cảnh
sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện
và thu giữ 12 tấn măng tươi được ngâm trong chất tẩy độc hại tại cơ sở sản xuất
măng tại tổ 3 ấp 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.

Năm vừa qua, qua kiểm tra, lực lượng
thanh tra của 63 tỉnh, thành phố chỉ mới xử phạt gần 9.000 cơ sở với số tiền
26,3 tỉ đồng, trong khi số cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện là
gần 57.000. Theo nhận định của giáo sư Nguyễn Bá Đức-chuyên gia hàng đầu về ung
thư của Việt Nam thì hàng năm Việt Nam có khoảng 126.000 ca mới mắc và 35% số
đó có nguyên nhân do ăn phải thực phẩm bẩn chứa chất gây ung thư. Số người chết
do ung thư ở Việt Nam khoảng 94.700/năm theo số liệu năm 2010. Như vậy số người
chết do ung thư gây ra bởi thực phẩm bẩn là 94.700 x 35%= 33.145 người. Đây là
một con số đáng sợ và ảnh hưởng đến cả giống nòi Việt Nam về vấn đề an toàn thực
phẩm.

II. Thực trạng và ảnh hưởng của thực phẩm bẩn đến nền kinh tế thị trường

1. Thực trạng

Đối với nước ta cũng như nhiều nước
đang phát triển, lương thực thực phẩm là một loại sản phẩm chiến lược, cóý
nghĩa kinh tế rất quan trọng. Vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tăng lợi thế cạnh
tranh trên thị trường quốc tế. Để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thực phẩm
không những cần được sản xuất, chế biến, bảo quản phòng tránh ô nhiễm các loại
vi sinh vật mà còn không được chứa các chất hóa học tổng hợp hay tự nhiên vượt
quá mức quy định cho phép của tiêu chuẩn quốc tế hoặc quốc gia, gây ảnh hưởng đến
sức khỏe người tiêu dùng. Những thiệt hại khi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực
phẩm gây nên nhiều hậu quả khác nhau, từ bệnh cấp tính, mạn tính đến tử vong.
Thiệt hại chính do các bệnh gây ra từ thực phẩm đối với cá nhân là chi phí khám
bệnh, phục hồi sức khỏe, chiphí do phải chăm sóc người bệnh, sựmất thu nhập do
phải nghỉ làm. Đối với nhà sản xuất, đó là những chi phí do phải thu hồi, lưu
giữ sản phẩm, hủy hoặc loại bỏ sản phẩm, những thiệt hại do mất lợi nhuận từ
thông tin quảng cáo… và thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của người tiêu
dùng. Ngoài ra còn có các thiệt hại khác như phải điều tra, khảo sát, phân
tích, kiểm tra độc hại, giải quyết hậu quả…

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
của Việt Nam thực sự là vấn đề đáng báo động không chỉ đối với hàng hóa nội địa
mà còn đến hàng xuất khẩu. Thực tế, vấn đề không đảm bảo an toàn thực phẩm đang
hạn chế khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng ra nước ngoài. Trong năm 2015, Liên
minh châu Âu (EU) đã từ chối 21 sản phẩm đến từ Việt Nam, 17 sản phẩm phải ngừng
xuất khẩu để làm rõ thông tin chất lượng. Năm 2016, Việt Nam cũng có tới 130 sản
phẩm không được phép xuất khẩu trực tiếp vào EU; 51 lô hàng bị phát hiện chứa
hóa chất, kháng sinh quá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có
hàng thủy sản bị trả về cao nhất từ các thị trường xuất khẩu vì bị nhiễm khuẩn,
dư lượng thuốc thú y vượt ngưỡng, chứa chất gây ô nhiễm… Việc này không chỉ ảnh
hưởng tới các doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa, dịch vụ của
Việt Nam trên thế giới. Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
tham gia trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm cần tuân thủ
các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng các mặt hàng
nông sản, thực phẩm của Việt Nam, phục vụ tốt thị trường trong nước cũng như
đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng tính cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam
trên trường quốc tế.

Trong quá trình hội nhập sâu và rộng
với quốc tế, Việt Nam đang phải đương đầu với những thách thức lớn trong kinh
doanh, sản xuất thực phẩm. Bởi, các tiêu chuẩn đo lường của Việt Nam chưa thật
sự đáp ứng được các quy định của nhiều thị trường khó tính. Đặc biệt, sau khi
gia nhập TPP, an toàn thực phẩm là thách thức lớn của Việt Nam mà chúng ta cần
phải nỗ lực vượt qua trong những năm tới. Ngành Công nghiệp thực phẩm, đặc biệt
là các nông phẩm, trở thành tâm điểm khi Việt Nam mang trong mình nguồn tài
nguyên thiên nhiên phong phú và sản lượng khổng lồ nhưng vẫn thiếu một hệ thống
tiêu chuẩn sản xuất chất lượng để đảm bảo tính an toàn cho thực phẩm.

Có thể nói, thực phẩm bẩn làm cho
nền kinh tế Việt Nam đứng trước thách thức không nhỏ từ bên trong và bên ngoài.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và giải pháp là gì?

2. Nguyên nhân vấn đề

Thứ nhất, một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong
quản lý an toàn thực phẩm, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc
vi phạm, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của
Trung ương phát hiện; rất ít vụ vi phạm do địa phương phát hiện. Nhiều Ban chỉ
đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tại địa phương (được tổ chức tại cấp tỉnh,
cấp huyện) hoạt động chưa hiệu quả.

Thứ hai, việc ban hành các văn bản dưới luật, nhất là thông tư hướng
dẫn thi hành luật trong những năm đầu còn chậm.

Thứ ba, chưa có cơ chế tài chính phù hợp giải quyết kinh phí, ngay
cả kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Lực
lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu nhiều trang thiết bị
kỹ thuật.

Thứ tư, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của
cán bộ, công chức.

Thứ năm, chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị
– xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm và
đấu tranh với các hành vi vi phạm, nhất là tại cơ sở.

Thứ sáu, công tác truyền thông về thực phẩm an toàn và không an
toàn còn hạn chế. Trong tuyên truyền còn nặng về các nội dung tiêu cực, chưa có
nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong
nhân dân…

Thứ bảy, hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan
tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng
sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu
giả, kinh doanh thực phẩm chức năng, nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn
kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

III. Giải pháp khắc phục tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan

Thực phẩm xung quanh chúng ta tiềm
ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh do tình trạng mất vệ sinh và không an toàn, nhưng
trên thực tế, những vụ việc được phát hiện chưa nhiều. Bằng chứng là các vụ ngộ
độc vẫn diễn ra và tăng lên hàng năm. Thực phẩm mất vệ sinh bày bán tràn lan
nhưng không được xử lý hoặc chỉ xử lý được khi có đoàn kiểm tra rồi sau đó, đâu
lại vào đấy. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự và được
quan tâm đặc biệt của tất cả mọi người. Không phải tự nhiên mà các quốc gia đều
xem an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu, bởi vì trên thực tế, đây là
vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến cả hệ thống kinh tế mà còn tác động đến sức khỏe
toàn xã hội, đến giống nòi và mỗi cá nhân. Quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm để
chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm là hết sức cần thiết, vừa cấp bách, vừa
lâu dài, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để khống chế các nguy cơ
gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong các dịp lễ, tết. Do vậy cần
thiết có một vài giải pháp sau:

– Các ngành chức năng phải phối hợp
chặt chẽ với nhau, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý
nghiêm những vi phạm trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm để công tác
bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từng bước được kiểm soát chặt chẽ
và hiệu quả.

– Tổ chức tốt công tác truyền
thông về an toàn thực phẩm cho người dân cũng như người sản xuất kinh doanh các
mặt hàng thực phẩm. Các cơ quan báo chí tăng cường các bài viết, chuyên mục về
an toàn thực phẩm; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp
thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông
thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm.

– Xây dựng khuôn khổ luật pháp nhằm
tiến tới việc xã hội hóa trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực
phẩm. Cụ thể là áp dụng tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại
Điều 317 Bộ luật Hình sự mới với mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng, phạt
tù cao nhất là 20 năm, Chính phủ cần sớm rà soát, bổ sung, quy định rõ ràng,
minh bạch hơn về danh mục chất cấm, quy chuẩn ngưỡng cho phép tồn dư hóa chất,
kháng sinh, phương thức giám định xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe do thực phẩm
bẩn gây nên để vừa xử lý nghiêm minh nhưng cũng tránh oan sai và hình sự hóa
các vi phạm hành chính.

– Ngoài ra, một yếu tố không kém
phần quan trọng là ý thức của người tiêu dùng trong chọn lựa thực phẩm. Bên cạnh
việc cần thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài, ti vi để nắm tình hình,
thì việc chủ động lựa chọn thực phẩm sạch và kiên quyết tẩy chay thực phẩm
không an toàn là hình thức trừng phạt cao nhất đối với nhà sản xuất, chế biến,
đồng thời sẽ góp phần rất lớn trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn
thực phẩm nói chung.

– Nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng
các công cụ để kiểm soát an toàn thực phẩm. Song song đó, phải tăng yếu tố “sạch”
trong sản xuất, phân phối thực phẩm. Có nâng cao chất lượng, điều kiện sống của
người dân thì mới có thể thanh lọc được vấn nạn thực phẩm bẩn đang từng ngày, từng
giờ đe dọa bữa cơm của người dân. Bên cạnh đó, nhằm ràng buộc trách nhiệm của
nhà sản xuất trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, cần xây dựng chuỗi sản xuất
để nếu một cơ sở trong chuỗi vi phạm sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kinhtevadubao.vn

2. Vietnambiz.vn

3. Cafebiz.vn

4. Wikipedia.org

5. Tailieu.tv

6. Tusach.thuvienkhoahoc.com

7. Cafef.vn

SOLUTIONS FOR THE CONTAMINATED FOOD SITUATION

MA. NGUYEN NGOC MINH

Faculty of Economics,
University of Industrial Economic Technical Industries

ABSTRACT:

Contaminated food causes various
consequences, ranging from acute to chronic to fatal. The main damage caused by
dirty food to individuals are the cost of medical fees, the loss of income due
to absenteeism, etc. For producers, these are the costs of retrieving, storing,
destroying or removing the product, the loss of profit due to advertising
information, and the biggest loss is the loss of consumer confidence. It also
reduces competitive advantages in the international market.

Keywords: Dirty food, poisoning, competitive advantage,
international prestige, commodity, export.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây