Giải pháp căn cơ chống gian lận thi cử
Chưa có dấu hiệu vi phạm trong công tác điều tra gian lận thi cử
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình, cho biết, cử tri rất quan tâm tới việc điều tra các vụ việc gian lận điểm thi, đây là hành vi phạm tội nghiêm trọng, xâm hại quyền lợi của trẻ em là các em học sinh. Người phạm tội là người có chức vụ quyền hạn, điều tra cần đặc biệt chú ý bảo đảm khách quan không để lọt vi phạm.
“Mặc dù không trái pháp luật nhưng hiện nay việc giao thẩm quyền điều tra tại các địa phương khác nhau, như: ở Hoà Bình việc điều tra cho Cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an, tại các địa phương khác do cơ quan an ninh điều tra thuộc công an tỉnh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc giao thẩm quyền điều tra như vậy có bảo đảm khách quan toàn diện hay không, cơ quan điều tra có chịu áp lực nào không, trường hợp có dấu hiệu không khách quan thì Bộ có phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo chuyển thẩm quyền chỉ đạo hay không”? đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chất vấn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình). Ảnh: Quốc hội.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm, cho biết: Hiện nay, Cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an và Cơ quan an ninh điều tra các tỉnh Sơn La, Hà Giang đang điều tra ba vụ, 16 bị can gian lận thi cử xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Kết quả điều tra ba vụ án đến nay đã đủ căn cứ để kết luận hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn nhiệm vụ được giao thực hiện can thiệp sửa chữa nâng điểm cho thí sinh theo tội danh bị khởi tố, đã làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi, cụ thể: Hoà Bình 63 thí sinh, Hàn Giang 107 thí sinh, Sơn La 44 thí sinh.
Vấn đề làm rõ vi phạm của các phụ huynh đưa tiền cho các bị can để nhận nâng điểm thì trước mắt để bảo đảm đúng thời hạn điều tra theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra kết luận điều tra để truy tố các bị can xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhiệm vụ được giao để thực hiện việc can thiệp sửa chữa nâng điểm thi cho thí sinh. “Việc đưa nhận tiền nêu trên đang được tiếp tục điều tra củng cố chứng cứ theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ có công bố sau khi có kết quả điều tra”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Vấn đề cho rằng Bộ Công an vào cuộc điều tra để bảo đảm tính khách quan không để các địa phương làm, theo Bộ trưởng, trong ba vụ án nêu trên thì hai vụ án xảy ra tại Sơn La và Hà Giang do công an địa phương thụ lý điều tra và do Viện Kiểm sát địa phương kiểm sát điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Do tính chất đặc biệt của các vụ án nên Bộ Công an vẫn luôn luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giám sát để bảo đảm việc điều tra đúng pháp luật, đúng người, đúng tội. Đến nay chưa có dấu hiệu nào thể hiện việc các cơ quan điều tra công an địa phương không khách quan để lọt người, lọt tội, Bộ Công an cũng đang tiếp tục giám sát đồng thời phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng như Viện Kiểm sát địa phương giám sát vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm nói rõ vì sao giao thẩm quyền điều tra khác nhau, liệu có khách quan không có phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân trong việc này hay không, tức là nơi thì là Cơ quan an ninh điều tra của Bộ, các địa phương khác thì công an tỉnh thì liệu có khách quan.
Về việc này, Bộ trưởng Tô Lâm giải thích, thẩm quyền điều tra các vụ việc này cơ bản là của của Cơ quan an ninh điều tra địa phương thực hiện nhưng việc điều tra của Hoà Bình Bộ Công an chúng tôi thấy đây là loại tội phạm mới cần Bộ phải tập trung điều tra để có kinh nghiệm trực tiếp, với đề nghị của địa phương, của Tỉnh uỷ, của công an địa phương chúng tôi quyết định điều tra cùng với địa phương.
“Trong quá trình điều tra Bộ Công an quan tâm đặc biệt quá trình điều tra các vụ tiêu cực mới này, cũng như phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát các cấp. Cho đến nay không có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong điều tra liên quan đến gian lận điểm thi”, Bộ trưởng Tô Lâm tái khẳng định.
Giải pháp căn cơ chống gian lận thi cử
Về giải pháp ngăn chặn gian lận thi cử, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, chất vấn: “Trong báo cáo của chính phủ do Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trình bày tại Quốc hội phiên khai mạc cho thấy quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết không để xảy ra sai phạm gian lận trong thi cử, nhân dân đồng tình và rất mong đợi điều đó, xin Bộ trưởng và có thể cả Phó Thủ tướng cho biết giải pháp căn cơ để bảo đảm cho sự quyết tâm này của Chính phủ được bền vững”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, chất vấn. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm, nói: “Tôi nghĩ trách nhiệm chính thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng như Bộ Công an chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào, từ việc tổ chức các kỳ thi cho đến kỳ thi quốc gia lớn, đều có mối quan hệ thường xuyên để bảo đảm an ninh trật tự, trong đó có vấn đề lớn là chống gian lận thi cử, với các giải pháp như kiểm soát phương tiện, người vào thi, các biện pháp phối hợp để không xảy ra tình trạng gian lận xả ra tại các điểm thi”.
Làm rõ hơn vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, cho biết: Ngay khi xảy ra vụ việc gian lận thi cử Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Công an khẩn trương kiểm tra xác minh nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý nghiêm. Hiện nay, Bộ Công an cũng đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý tiêu cực gian lận, sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Trong phiên họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 bảo đảm trung thực, khác quan tạo niềm tin cho phụ huynh học sinh cả nước và cũng đề ra một số giải pháp chấn chỉnh để việc thi cử bảo đảm khách quan, trung thực như tinh thần trên.
Giải pháp căn cơ như thế nào, chúng tôi thấy rằng ở đây có câu chuyện là có phụ huynh muốn cho con em mình được thi đậu nên có hành động tiêu cực, rồi cũng có người trong bộ máy giáo dục có tiêu cực, quản lý nhà nước chưa được chặt chẽ nên để xảy ra sơ sót, bị lợi dụng dẫn đến có hành vi gian lận trong thi cử.
Nguyên nhân trước hết là ý thức trách nhiệm chung của xã hội, của mọi công dân, của phụ huynh, học sinh, cán bộ công chức nhà nước làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trách nhiệm của các thầy cô giáo thế nào để chúng ta củng cố nền tảng đạo đức xã hội ý thức trách nhiệm sống trung thực, biết tôn trọng các giá trị đạo đức xã hội, tôn trọng quyền lợi của người khác, không làm mất đi cơ hội của người khác. Đấy là nhận thức chung của xã hội và nhận thức chung này phải được giáo dục trong nhà trường từ cấp mẫu giáo, trong các cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị, trong bộ máy của ngành giáo dục, phụ huynh, học sinh, nhận thức điều này, có như vậy chúng ta mới lên án với hành vi tiêu cực.
Thứ hai, cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, của cán bộ công chức đạo đức công vụ, trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước và điều hành công việc.
Thứ ba, củng cố quy chế thi cử cho thật chặt chẽ, phối hợp các bộ, ngành, các cơ quan chức năng để bảo đảm việc tổ chức thi cử khách quan nghiêm minh, công khai minh bạch có sự kiểm soát của các cơ quan có sự giám sát và có cộng đồng xã hội cùng nhau giám sát, tinh thần chung tôi nghĩ là vấn đề căn cơ xử lý một cách toàn diện, nhiều mặt. Nếu đã phát hiện ra vi phạm thì ở mức nào phải xử lý theo mức đó, đúng quy định của pháp luật, không để bị oan và cũng không có vùng cấm.