“giai cấp nông dân” là gì? Nghĩa của từ giai cấp nông dân trong tiếng Việt. Từ điển Việt-Việt
bao gồm những tập đoàn người sản xuất nhỏ hoặc làm thuê cho địa chủ và cho phú nông trong nông nghiệp dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về ruộng đất. Tính chất “tự túc, tự cấp”, “tự sản, tự tiêu” và sự giới hạn phạm vi địa lí trong làng xã, nông trại địa phương là đặc tính của nông nghiệp sản xuất nhỏ và của GCND.
Trong chế độ phong kiến, nông dân là lực lượng sản xuất chính và cũng là giai cấp cơ bản bị áp bức trong xã hội. Vốn là những người sản xuất nhỏ và bị hạn chế trong tầm nhìn hẹp của làng xã, họ thường bị thụ động trước các vấn đề xã hội và trước các cuộc cách mạng xã hội. Là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, song trước sau họ vẫn không thay đổi được phương thức sản xuất, năng lực sản xuất, không có khả năng đưa ra một phương thức sản xuất và một hình mẫu xã hội tiến bộ hơn. Vì vậy, họ không trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng mà chỉ có thể liên minh với giai cấp công nhân, tầng lớp trí thức và các giai tầng xã hội khác, cùng giai cấp công nhân thực hiện cuộc cách mạng giải phóng mình và giải phóng dân tộc, do giai cấp công nhân lãnh đạo.
GCND có mô hình sản xuất riêng, một kiểu kết cấu xã hội riêng, in đậm những thói quen và quan niệm truyền thống, thể hiện đặc biệt dưới chế độ phong kiến; khi đã bị tước đoạt quyền chiếm hữu tư liệu sản xuất chủ yếu là ruộng đất, người nông dân trở thành người vô sản hay nửa vô sản nông nghiệp, là kẻ lệ thuộc, bị nô dịch về mọi mặt. Song trong chế độ xã hội phong kiến, về cơ bản, họ vẫn là một nhân tố cách mạng dân tộc – dân chủ, một lực lượng quan trọng góp phần xây dựng vương quyền, bảo vệ nền độc lập dân tộc; trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và khi xã hội chuyển sang thời kì quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội thì họ là lực lượng cách mạng quan trọng, cùng với giai cấp công nhân hợp thành đội quân chủ lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản và nền đại công nghiệp, một bộ phận lớn nông dân chuyển thành công nhân nông nghiệp, hay thoát li nông thôn thành công nhân công nghiệp. Nhờ những bước tiến vượt bậc của khoa học – kĩ thuật, tính chất và vai trò của giai cấp nông dân đã có những thay đổi đáng kể. Ở các nước phát triển, số lượng nông dân còn lại rất thấp, một số ít chuyển thành chủ trang trại, một số lớn trở thành công nhân nông nghiệp có tri thức, có phương tiện kĩ thuật và đạt mức sống cao. ở các nước chậm phát triển, GCND vẫn chiếm tỉ lệ cao trong xã hội, điều kiện sống của nông dân rất khổ cực, thậm chí có nơi còn chưa đạt đến mức tối thiểu. Ngay cả ở các nước phát triển, nông dân cũng gặp những khó khăn lớn trong cuộc cạnh tranh gay gắt trong hoàn cảnh toàn cầu hoá hiện nay.