Giai cấp là gì?

Giai cấp là một phạm trù kinh tế-xã hội có tính lịch sử luôn biến đổi cùng với sự biến đổi của lịch sử. Giai cấp có ý nghĩa và vị trí hết sức trong mỗi thời đại. Vậy giai cấp là gì? Hãy cùng Luật Hoàng Phi tìm hiểu qua nội dung bài viết để có câu trả lời.

Giai cấp là gì?

Hiện nay có nhiều cách định nghĩa khác nhau về vấn đề giai cấp là gì. Theo trang Wikipedia đưa ra: “Giai cấp xã hội là đề cập đến các thứ bậc khác nhau phân biệt giữa các cá nhân hoặc các nhóm người trong các xã hội hoặc các nền văn hóa. Các sử gia và các nhà xã hội học coi giai cấp là phổ quát (là sự phổ biến), mặc dù những điều xác định giai cấp là rất khác nhau từ xã hội này đến xã hội khác. Thậm chí ngay cả trong một xã hội, các cá nhân khác nhau hoặc những nhóm người khác nhau cũng có rất nhiều ý tưởng khác nhau về những điều gì làm nên thứ bậc cao hay thấp trong trật tự xã hội.”

Trong khi đó khái niệm này trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại, Lênin định nghĩa: “Người ta gọi là giai cấp, những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định”. Sự ra đời, tồn tại của giai cấp gắn với những hệ thống sản xuất xã hội nhất định.

Tóm lại giai cấp dùng để chỉ những tập đoàn người hết sức đông đảo trong một xã hội, những tập đoàn này phân biệt với nhau bởi địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử. Giai cấp thực chất là một phạm trù kinh tế – xã hội có tính lịch sử. Nó luôn luôn vận động biến đổi cùng với sự biến đổi của lịch sử.

Ví dụ về giai cấp

Dưới đây là một số ví dụ về giai cấp trong xã hội:

– Giai cấp tư sản: Đây là những người sở hữu các tài sản và vốn sản xuất. Ví dụ, các nhà sản xuất, doanh nhân, chủ sở hữu các công ty lớn, các nhà đầu tư.

– Giai cấp vô sản: Đây là những người lao động bị cai trị bởi giai cấp tư sản, không có tài sản hoặc quyền lực sản xuất. Ví dụ, công nhân, nông dân, nhân viên bán lẻ.

– Giai cấp trung lưu: Đây là những người có thu nhập và tài sản cao, nhưng không đủ để trở thành tư sản. Ví dụ, bác sĩ, luật sư, giáo viên, nhà quản lý cấp cao.

Các giai cấp này có ảnh hưởng đến địa vị xã hội, quyền lực, thu nhập và cơ hội trong cuộc sống của mỗi người. Các nghiên cứu xã hội học và kinh tế học thường sử dụng các khái niệm này để giải thích các mối quan hệ xã hội và kinh tế trong xã hội.

Nguồn gốc hình thành giai cấp

Trong xã hội có nhiều nhóm xã hội khác nhau. Sự khác nhau ấy được phân biệt  bởi những đặc trưng khác nhau như giới tính, nghề nghiệp, chủng tộc, dân tộc… Những khác biệt ấy tự nó không tạo ra sự đối lập về mặt xã hội. Sự phân chia một xã hội thành giai cấp trước hết là do nguyên nhân kinh tế.

Trong xã hội nguyên thuỷ, con người sống nương tựa vào nhau theo bầy đàn lệ thuộc nhiều vào tự nhiên, giai cấp chưa xuất hiện.

Sự xuất hiện chế độ tư hữu là nguyên nhân quyết định trực tiếp sự ra đời giai cấp. Sự tồn tại các giai cấp đối  kháng gắn với chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến và chế độ tư bản chủ nghĩa.  Chủ nghĩa tư bản phát triển cao lại tạo tiền đề khiến cho sự thủ tiêu chế độ tư hữu, cái cơ sở kinh tế của sự đối kháng giai cấp trở thành xu thế khách quan trong sự phát triển  xã hội. Đó là logic khách quan của tiến trình phát triển lịch sử.

Đặc trưng của giai cấp

Các đặc trưng của giai cấp có quan hệ mật thiết với nhau, cụ thể các đặc trưng đó là:

Giai cấp là những tập đoàn người có địa vị khác nhau trong một hệ thống sản xuất nhất định. Giai cấp không phải tồn tại trong tất cả các xã hội khác nhau của lịch sử và nó không thể tồn tại vĩnh viễn và tuyệt đối.

Giai cấp khác nhau về cách thức quản lí và phân công lao động.  Giai cấp nào nắm tư liệu sản xuất vật chất của xã hội thì giai cấp đó trở thành giai cấp thống trị và có quyền tổ chức lao động sản xuất xã hội.

Giai cấp cũng khác nhau về thu nhập của cải xã hội.

Bên cạnh đó Giai cấp khác nhau về địa vị xã hội. Điều này dẫn đến việc tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động tập đoàn khác.

Với những thông tin trên đây, chúng tôi tin rằng Quý khách hàng đã phần nào nắm được nội dung Giai cấp là gì?. Trong trường hợp Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc gì về bài viết cũng như vấn đề có liên quan, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thực hiện.