Giải Bài Tập Sinh Học 11 – Bài 12: Ảnh hưởng của các nhân tố môi trường đến hô hấp (Nâng Cao)
Mục Lục
Xem toàn bộ tài liệu Lớp 11: tại đây
Giải Bài Tập Sinh Học 11 – Bài 12: Ảnh hưởng của các nhân tố môi trường đến hô hấp (Nâng Cao) giúp HS giải bài tập, cung cấp cho học sinh những hiểu biết khoa học về đặc điểm cấu tạo, mọi hoạt động sống của con người và các loại sinh vật trong tự nhiên:
Trả lời câu hỏi Sinh 11 nâng cao Bài 12 trang 52: Dựa vào kiến thức ở mục IV.1, 2, hãy cho biết tại sao biện pháp bảo quản nhằm một mục đích giảm mức tối thiểu cường độ hô hấp.
Lời giải:
– Vì hô hấp tiêu hao chất hữu cơ của đối tượng bảo quản, do đó làm giảm số lượng và chất lượng.
– Hô hấp làm thay đổi thành phần khí trong môi trường bảo quản: Khi hô hấp lượng 02 sẽ giảm, C02 sẽ tăng và khi 02 giảm quá mức thì hô hấp ở đối tượng bảo quản chuyển sang dạng phân giải kị khí và đối tượng bảo quản sẽ bị phân hủy nhanh chóng.
Bài 1 trang 53 sgk Sinh học 11 nâng cao: Hãy giải thích mối liên quan giữa hô hấp và nhiệt độ môi trường, giữa hô hấp và hàm lượng nước trong cây.
Lời giải:
a. Hô hấp và nhiệt độ
– Hô hấp bao gồm các phản ứng hoá học với sự xúc tác của các enzim do đó phụ thuộc chặt chẽ vào nhiệt độ.
– Mối quan hệ giữa cường độ hô hấp và nhiệt độ thường được biểu diễn bằng đồ thị có đường cong một đỉnh.
+ Nhiệt độ thấp nhất mà cây bắt đầu hô hấp biến thiên trong khoảng 0 – 10C tuỳ theo loài cây ở các vùng sinh thái khác nhau.
+ Nhiệt độ tối ưu cho hô hấp trong khoảng 30 – 35C
+ Nhiệt độ tối đa cho hô hấp trong khoảng 40 – 45C. Trên nhiệt độ tối đa, bộ máy hô hấp sẽ bị phá huỷ.
b. Hô hấp và hàm lượng nước
– Nước vừa là dung môi vừa là môi trường cho các phản ứng hoá học xảy ra. Nước còn tham gia trực tiếp vào quá trình oxi hoá nguyên liệu hô hấp. Vì vậy hàm lượng nước trong cơ quan, cơ thể hô hấp liên quan trực tiếp đến cường độ hô hấp.
+ Cường độ hô hấp tỉ lệ thuận với hàm lượng nước (độ ẩm tương đối) của cơ thể, cơ quan hô hấp.
+ Hàm lượng nước trong cơ quan hô hấp càng cao thì cường độ hô hấp càng cao và ngược lại.
Bài 2 trang 53 sgk Sinh học 11 nâng cao: Sự thay đổi nồng độ O2 và CO2 trong môi trường sẽ ảnh hưởng đến hô hấp như thế nào?
Lời giải:
– O2 tham gia trực tiếp vào việc oxi hoá các chất hữu cơ và là chất nhận điện tử cuối cùng trong chuỗi truyền điện tử để sau đó hình thành nước trong hô hấp hiếu khí. Vì vậy nếu nồng độ O2 trong không khí giảm xuống dưới 10% thì hô hấp sẽ bị ảnh hưởng và khi giảm xuống dưới 5% thì cây chuyển sang hô hấp kị khí có hiệu quả năng lượng rất thấp.
– CO2 là sản phẩm của quá trình hô hấp. Các phản ứng đêcacbôxi hoá để giải phóng CO2 là các phản ứng thuận nghịch. Nếu hàm lượng CO2 cao trong môi trường sẽ làm cho phản ứng chuyển dịch theo chiều nghịch và hô hấp bị ức chế.
Bài 3 trang 53 sgk Sinh học 11 nâng cao: Tại sao trong quá trình bảo quản nông sản, thực phẩm, rau quả người ta phải khống chế sao cho cường độ hô hấp luôn ở mức tối thiểu?
Lời giải:
Duy trì cường độ hô hấp nông sản, nông phẩm, rau quả ở mức tối thiểu để sao cho hao hụt xảy ra ở mức thấp nhất vì hô hấp là quá trình phân giải các chất hữu cơ dự trữ trong các sản phẩm.
Bài 4 trang 53 sgk Sinh học 11 nâng cao: Hãy nêu các biện pháp bảo quản đang được sử dụng mà em biết.
Lời giải:
– Bảo quản khô: Biện pháp bảo quản này thường sử dụng để bảo quản các loại hạt trong các kho lớn. Trước khi đa hạt vào kho, hạt được phơi khô với độ ẩm khoảng 13-16% tuỳ theo từng loại hạt.
– Bảo quản lạnh: Các loại thực phẩm, rau quả được giữ trong các kho lạnh, tủ lạnh ở các ngăn có nhiệt độ khác nhau.
– Bảo quản trong điều kiện nồng độ CO2 cao: Đây là biện pháp bảo quản hiện đại và cho hiệu quả bảo quản cao. Biện pháp này thường sử dụng các kho kín có nồng độ CO2 cao hoặc đơn giản hơn là các túi polietilen. Tuy nhiên việc xác định nồng độ CO2 thích hợp là điều hết sức quan trọng đối với các đối tượng bảo quản và mục đích bảo quản.
Bài 5 trang 53 sgk Sinh học 11 nâng cao: Tại sao ta không để rau quả trên ngăn đá của tủ lạnh?
Lời giải:
Cùng 1 lượng nước nhất định khi nước đóng băng thì thể tích tăng lên. vì vậy khi đưa rau quả trên ngăn đá đông lạnh, nước trong tế bào sẽ đóng băng làm tăng thể tích, lúc đó các tinh thể nước sẽ phá vỡ cấu trúc tế bào làm bên ngoài rau quả bị dập nhanh hỏng khi đưa ra ngoài.