GIA TĂNG MỨC PHẠT ĐỐI VỚI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN

Ngày 19 tháng 10 năm 2020, Chính Phủ ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, với nội dung đáng chú ý là việc quy định lại các trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan, đồng thời tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm.

xuat nhap khau

So với quy định tại Điều 5 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực Hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 127/2013/NĐ-CP thì Nghị định mới chỉ giữ lại 2 trường hợp và bỏ đi 5 trường hợp liên quan đến việc khai nhầm lẫn, khai sai thông tin và trường hợp khai không đúng nhưng hàng hóa có giá trị thấp.

Cụ thể những trường hợp không bị xử phạt hành chính bao gồm:

“1. Các trường hợp không xử phạt theo quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thông báo với cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa, phương tiện vận tải đó phải được đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau khi các yếu tố nêu trên được khắc phục.

2. Các trường hợp được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan năm 2014 không bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Các trường hợp người khai hải quan thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Quản lý thuế.

4. Trường hợp hàng hoá gửi vào Việt Nam không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại Điều 39 Luật Thương mại năm 2005 (trừ hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng giả, phế liệu không thuộc Danh mục được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất) nhưng đã được người gửi hàng, người vận tải, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của người gửi hàng, người vận tải, người nhận hàng thông báo bằng văn bản (nêu rõ lý do) kèm theo các chứng từ liên quan tới Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa khi chưa đăng ký tờ khai hải quan.”

Nghị định mới đã quy định chặt chẽ hơn các trường hợp trốn thuế, vi phạm hành chính cùng với mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.

Điều 14 khoản 1 của Nghị định đã liệt kê cụ thể các hành vi trốn thuế, là căn cứ rõ ràng để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng. Các hành vi trên nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế tùy thuộc vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong vụ việc. Trong quy định trước đây, đối tượng áp dụng mức phạt nếu là tổ chức sẽ không quá 3 lần, nếu là cá nhân sẽ không quá 1,5 lần số tiền trốn thuế, tuy nhiên Nghị định mới đã áp dụng mức phạt chung.

Đối với các hành vi vi phạm về tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hóa, mức phạt đã thay đổi đáng kể, nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe của pháp luật. Cụ thể:

– Đối với các hành vi tạm nhập, tái xuất hàng hóa phải có giấy phép tạm nhập, tái xuất mà không có giấy phép, mức phạt sẽ từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (trước đây mức phạt là 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng)

– Đối với hành vi tạm nhập, tái xuất  hàng hóa cấm hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu và hành vi tạm xuất, tái nhập hàng hóa cấm hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu mà không có giấy phép tạm xuất, tái nhập, mức phạt tiền là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

– Đối với  hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện nhưng không đạt đủ điều kiện, mức phạt tiền sẽ là từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

– Đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép, mức phạt sẽ là từ 50.000.000 đồng – 60.000.000 đồng.

– Đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép, tang vật vi phạm là hàng hóa cấm hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, hàng chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, mức phạt sẽ từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

– Đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục cấm hoặc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, trước đây mức phạt chỉ từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, tuy nhiên quy định mới đã nâng mức phạt lên từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng .

Ngoài ra, những quy định khác không có thay đổi đáng kể so với nội dung của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP.

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2020.

 

**********

Nếu bạn quan tâm đến chủ đề của bài báo này, xin hãy liên hệ với chúng tôi.

Về chúng tôi

Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Á Châu là Công ty tư vấn chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, tư vấn doanh nghiệp, thuế, bảng lương và nghiên cứu thị trường cho các đối tác trong nước và quốc tế.

Để hiểu rõ hơn về chúng tôi, xin hãy liên hệ email This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.  hoặc tải tài liệu giới thiệu Công ty chúng tôi tại đây. Bạn có thể cập nhật được các tin tức mới nhất về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam bằng cách đăng ký nhận bản tin của chúng tôi tại đây.