Gia Cát Lượng chế ‘trâu gỗ, ngựa máy’

Chiếc xe có giá đỡ đầu là ngựa, bụng là bò. Gia Cát Lượng đặt tên cho chiếc xe này là Gia Cát Lượng xa.

Gia Cát Lượng dùng “mộc ngưu lưu mã” để vận chuyển lương thảo, là chuyện mà ai ai cũng biết. Nhưng nói đến lai lịch của “mộc ngưu lưu mã”, thì phải nói kể từ lúc Gia Cát Lượng nghinh thân trở đi.

Sau khi Hoàng Thừa Nhan hứa gả con gái cho Gia Cát Lượng, thì quyết định ngày 28 tháng 12 năm ấy sẽ cho rước dâu.

Một tháng trước khi quá môn, đột nhiên Hoàng Thừa Nhan gọi Gia Cát Lượng, bảo rằng con gái ông đưa ra bốn điều kiện: trong ngày xuất giá, một là nàng không ngồi kiệu, hai là nàng không cưỡi ngựa, ba là không đi thuyền, bốn là không đi bộ.

Gia Cát Lượng quay về Long Trung, chàng bị bốn điều kiện này làm cho ăn không ngon, ngủ không yên giấc, thường đi đi, lại lại trong sân hoặc ở sườn núi.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa ngày một ngày hai, thấy ngày lễ thành hôn kíp đến gần. Hôm ấy, trong khi Gia Cát Lượng đang lao tâm khổ trí suy nghĩ về cách rước dâu, đột nhiên nghe thấy tiếng kêu kinh hãi ở dưới chân núi: “Bò đang hốt hoảng, mau tránh ra nhanh đi!”

Truyen thuyet cac nhan vat Tam quoc anh 1

Sách Truyền thuyết các nhân vật Tam Quốc. Nguồn: Tri Thức Trẻ Books.

Sau khi Gia Cát Lượng nghe thấy, vội vã chạy nhanh lên trên cao mà xem, trông thấy một con bò đang kéo một đế cối xay lao như bay ở dưới đất, Gia Cát Lượng nhìn con bò đang kéo một cối xay đang lăn như bay, bỗng dưng trong lòng lóe lên một ý tưởng.

Chàng nghĩ: Nếu như mình đặt một cái giá ở trên cái cối đang lăn ấy, chẳng phải có thể để cho người ngồi được sao! Chàng lập tức chạy về nhà để chuẩn bị.

Gia Cát Lượng về đến nhà, bèn suy đi nghĩ lại một cách cân nhắc, rồi phác họa ra một bản vẽ, để người ta có thể trông theo đó mà làm.

Như vậy, vừa làm vừa sửa, sửa rồi lại làm tiếp, liên tục trong mấy ngày liền, cuối cùng hoàn thành được một cái xe có giá đỡ mà đầu là ngựa mà bụng là bò, Gia Cát Lượng muốn thử xem chiếc xe này có vận hành hiệu quả hay không, chàng bèn ngồi lên đó, bảo thư đồng đẩy, và thấy thư đồng chỉ vịn vào cán xe, chiếc xe có thể chạy băng băng trên đường núi hạn hẹp.

Gia Cát Lượng hết sức vui mừng, bèn đặt tên cho chiếc xe này là Gia Cát Lượng Xa.

Vào ngày rước dâu, trong sân lẫn bên ngoài nhà Hoàng Thừa Nhan tề tựu đông đảo những bạn bè thân hữu và cả một đám người đến xem tiệc vui. Tất cả bọn họ đều biết đến bốn điều kiện mà Hoàng tiểu thư đưa ra, muốn xem thử coi Gia Cát Lượng làm thế nào để ứng phó.

Buổi sáng, quả nhiên là đám người rước dâu cũng đến. Một món đồ trông như là một cái khung giá được phủ kín bằng một mảnh vải màu sắc rực rỡ, được một thư đồng đẩy ở phía sau.

Mọi người đều ngạc nhiên trông thấy, một con lăn bằng gỗ trông như là cối xay lớn đang lăn ở dưới “cái khung giá” ấy. Bèn vây lại, hỏi rằng đây là thứ gì. Thư đồng buông cán xe xuống, nói to với vẻ hân hoan:

– Đây chính là chiếc xe mà thầy tôi đặc biệt gấp rút làm ra để nghinh tiếp nương tử quá môn đó, không giống kiệu, tiết kiệm sức lực hơn cả kiệu; không giống ngựa, ngồi lên trên êm hơn là cưỡi ngựa; không giống thuyền, vì đi lại dễ dàng ở đường núi hẹp.

Mọi người chưa từng trông thấy món vật kỳ lạ như thế này, nên không xem được cho đến cùng thì chưa chịu thôi. Thư đồng cố ý muốn bẹo hình bẹo dạng trước mặt người nhà họ Hoàng khiến họ sốt ruột, bèn vén một góc tấm vải màu lên, để mọi người nghía một cái rồi nói:

– Chiếc mộc ngưu lưu mã này đẹp biết chừng nào chứ!

Hoàng Thừa Nhan trông thấy món vật lạ mắt thú vị này, vội vàng chạy vào trong bảo với con gái, kể tỉ mỉ ngọn ngành từ đầu tới cuối về chuyện chiếc xe Gia Cát Lượng.

Cô con gái nghe xong, bèn vui vẻ chải đầu trang điểm. Nàng không ngồi kiệu, không cưỡi ngựa, không đi thuyền và cũng không đi bộ, thế là nàng ngồi vào trong chiếc “mộc ngưu lưu mã” ấy mà vu quy về nhà chồng.

Nói đến “mộc ngưu lưu mã” là món vật gì chứ, có người lại gọi nó là Gia Cát Lượng Xa, thực ra mà nói nó chính là chiếc xe một bánh mà đến bây giờ cả ở phía Nam và phía Bắc vẫn còn sử dụng đấy thôi.

——————-

* Tiêu đề truyện trong sách: Kỳ xa nghinh thân