Gia Bình nhân rộng mô hình trồng sen hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao

Trồng lúa ở ruộng trũng năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao, nhiều nông dân bỏ ruộng đồng vào nhà máy, xí nghiệp, làm xuất hiện những cánh đồng hoang ở các địa phương. Nhưng giờ đây, chính từ những cánh đồng hoang ấy, nhiều mô hình trồng sen đã được hình thành trên địa bàn huyện Gia Bình, vừa phát triển kinh tế vừa làm đẹp cho quê hương.

Mô hình trồng sen lấy củ của gia đình anh Lê Văn Thực

Vào ngày hè nắng gắt của tháng 7, chúng tôi có dịp về thăm “đầm sen cạn” bạt ngàn của anh Lê Văn Thực – thôn Khoái Khê – xã Nhân Thắng .  Cạnh đầm sen thơm ngát, anh Thực cho biết: Xuất phát từ gia đình thuần nông, trước thực trạng cấy lúa mang lại hiệu quả không cao, nhiều hộ nông dân không mặt mà với đồng ruộng, anh luôn trăn trở tìm một hướng đi để khai thác tiềm năng từ đất đai, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình. Đã tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế, nhưng anh đã lựa chọn mô hình trồng sen lấy ngó, lấy củ vì điều kiện thổ nhưỡng khá phù hợp và nhu cầu thị trường đang hướng tới những loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc từ tự nhiên. Đầu năm 2019, khi địa phương có chủ trương tích tụ ruộng đất, anh Lê Văn Thực vận động một số hộ trong thôn nhường lại đất để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Do có sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ngay năm đầu tiên anh Thực thuê được 11 mẫu ruộng với giá thỏa thuận 30kg thóc/năm. Trên diện tích ấy gia đình anh đã bố trí 1, 2 mẫu trồng sen lấy ngó, 4 mẫu lúa nếp, còn lại là diện tích trồng sen lấy củ. Bắt đầu xuống giống từ tháng 2, với diện tích ban đầu 5 sào, chi phí sen giống hết khoảng 5 triệu đồng. Sen giống của Nhật Bản, là giống sen trồng để lấy ngó, được chuyển giao cho một số mô hình tại tỉnh Hải Dương. Theo anh Lê Văn Thực: trồng sen khá đơn giản, cũng như cấy lúa, ruộng được cày bừa kỹ, bón các loại phân tổng hợp, trồng với khoảng cách khoảng 3m một cây, sau đó giữ đủ nước và làm cỏ bằng thủ công vì tuyệt đối không được sử dụng thuốc trừ cỏ. Sau khoảng 30 ngày sen đã lên những mầm mới, khi đó anh lại tách ra để nhân rộng trên diện tích 1,2 mẫu. Vào mùa thu hoạch ngó sen,  mỗi ngày anh thu khoảng 20 kg, bán với giá 60 nghìn đồng/kg.

Cùng với cây sen lấy ngó, anh Thực đã trồng trên 7 mẫu sen lấy củ,  đạt sản lượng khoảng 3 tấn/mẫu, với giá bán như hiện nay thì mỗi mẫu sen lấy củ cũng sẽ cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Khác với trồng sen lấy ngó, sen lấy củ đã được hợp đồng với công ty tiêu thụ sản phẩm, khi đến kỳ thu hoạch công ty sẽ đem thiết bị về thu hoạch và thanh toán theo giá thỏa thuận. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh Lê Văn Thực đang tiếp tục chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa đã thuê được sang trồng sen, đồng thời sẽ thuê thêm diện tích của các hộ xung quanh với dự định mở rộng diện tích lên khoảng 20 mẫu.

Cũng như anh Thực , trên địa bàn huyện Gia Bình còn có hàng chục mô hình chuyển ruộng, sông ngòi hoang hóa sang trồng sen với quy mô từ 2 ha đến 5 ha như: mô hình của ông Trịnh Đình Thu – thôn Lập Ái – xã Song Giang có 4 ha, mô hình của anh Hoàng Đắc Lâm – thị trấn Gia Bình có 03 ha;  mô hình của Đoàn thanh niên thị trấn Gia Bình tại cánh đồng thôn Song Quỳnh với diện tích 2,5 ha… Qua tìm hiểu các mô hình cho thấy: Cây sen là loài cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, các sản phẩm của cây sen như: ngó sen, hoa sen, bát sen, củ sen, lá sen… đều được thị trường ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ. Với mật độ trồng 40 gốc sen/sào thì chi phí đầu tư trồng sen khoảng 400.000 đồng/sào. Các hộ có thể lựa chọn trồng sen lấy ngó hoặc để bán hoa, lá, bát sen, củ sen. Đối với thu hoạch bát sen kéo dài khoảng 3 tháng, đúng vào mùa hè nên thuận lợi cho việc chế biến, tiêu thụ. Thời điểm đầu mùa, sen có giá 50.000 đồng/kg hạt tươi chưa tách bóc vỏ, đến giữa mùa giảm xuống còn 30.000 – 35.000 đồng/kg. Trung bình 1,5kg hạt sen sau khi bóc và tách vỏ, xoi tâm sen thì còn lại được 1kg hạt sen. Một ngày công mỗi người bóc tách được 4 đến 5 kg hạt sen, bán với giá 100.000 đồng/kg hạt sen tươi. Với hiệu quả mang lại cao gấp 3 đến 4 lần so với cấy lúa trên diện tích ruộng trũng, trồng sen không chỉ giúp nhiều gia đình thoát nghèo mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động nhàn rỗi vùng nông thôn hiện nay.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Gia Bình còn rất nhiều diện tích ruộng, kênh mương, đoạn sông cụt hoang hóa, trồng sen sẽ là hướng đi triển vọng, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại nguồn thu nhập kinh tế gia đình bền vững cho nông dân, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Đồng thời làm đẹp cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng hình ảnh vùng quê Gia Bình nông thôn mới tươi đẹp, bình yên./.