Ghi nhận tổng cộng 1126 ca COVID-19, BÌNH DƯƠNG giãn cách 5 TP, TX theo Chỉ thị 16

Trong 8 ca mắc mới có 5 ca phát hiện ở khu cách ly, 3 ca phát hiện ở cơ sở y tế. Các ca này liên quan đến ổ dịch tại Công ty Hansol (5 ca), lây nhiễm từ TP. Hồ Chí Minh (3 ca). 

Trong chiều 9/7, Bình Dương có thêm 9 bệnh nhân nhiễm COVID-19 hoàn thành điều trị, nâng tổng số bệnh nhân hoàn thành điều trị trong đợt dịch thứ 4 lên 73 bệnh nhân. Hiện mã số các bệnh nhân hoàn thành điều trị đang được cập nhật. 

Cũng trong chiều 9/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương ghi nhận 1 trường hợp tử vong do COVID-19 trên bệnh nền (Bộ Y tế chưa công bố), trước đó bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bến Cát. Đó là bệnh nhân nữ, sinh năm 1973, địa chỉ phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một. Bệnh nhân làm việc tại một công ty ở TP. Thủ Dầu Một. Bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp. 

Như vậy, tính đến ngày 9/7, trong đợt dịch lần thứ 4 Bình Dương có 2 bệnh nhân tử vong liên quan đến COVID-19.

Liên quan đến tất cả các ổ dịch trong tỉnh, đến nay Bình Dương đã thực hiện hơn 55.000 mẫu xét nghiệm cho hơn 125.000 lượt người được lấy mẫu. Hiện tỉnh còn cách ly tập trung hơn 6.000 trường hợp; tổng số người đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú là hơn 13.000 người.

​5 thành phố, thị xã giãn cách theo Chỉ thị 15

Ngày 9/7, UBND TX. Bến Cát ban hành văn bản về việc thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ ngày 10/7/2021 trên địa bàn thị xã. Như vậy, Bình Dương có 05 địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 

​Cụ thể, TP. Thuận An và TX. Tân Uyên áp dụng kể từ ngày 21/6/2021; TP. Dĩ An kể từ ngày 05/7/2021; TP. Thủ Dầu Một kể ​từ ngày 08/7/2021 và TX. Bến Cát kể từ ngày 10/7/2021.

Thực hiện Chỉ thị 16, các địa phương đề nghị mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám, chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn….; làm việc tại cơ quan, đơn vị, nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp.

Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… vẫn tiếp tục hoạt động.

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa người với người là 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 02 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, người cách ly, cấp cứu, hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.

Thêm 65 ca mắc mới

Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, tính đến 12h00 ngày 9/7, tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 65 ca mắc mới (Bộ Y tế chưa công bố). Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận tổng cộng 1.118 ca mắc COVID-19.

Trong số 65 ca mắc mới có 34 ca phát hiện ở khu cách ly, 01 ca phát hiện tại khu phong tỏa, 28 ca phát hiện tại cơ sở y tế, 01 ca phát hiện tại cộng đồng, 01 ca phát hiện tại công ty. Về yếu tố dịch tễ, Công ty Wanek (06 ca); Tân Uyên (02 ca); Công ty Hansol Vina (05 ca); Chánh Nghĩa – Thủ Dầu Một (04 ca); Phú An, Bến Cát (09 ca); Nhà trọ Đức Tân (01 ca); lây nhiễm từ Hồ Chí Minh (33 ca), trong đó huyện Dầu Tiếng có thêm 07 ca mới; không rõ nguồn lây, đang điều tra dịch tễ (05 ca).

Các ca mắc cư trú tại phường Hòa Phú, Định Hòa, Chánh Nghĩa, Phú Tân (TP. Thủ Dầu Một); phường An Phú, Thuận Giao, Bình Hòa, Lái Thiêu (TX. Thuận An); phường Tân Đông Hiệp, Tân Bình, An Bình (TP. Dĩ An); thị trấn Dầu Tiếng, xã Minh Hòa, Thanh An, Định Hiệp (Dầu Tiếng); phường Hòa Lợi, xã Phú An, An Tây (TX. Bến Cát); phường Khánh Bình (TX. Tân Uyên); TP. Biên Hòa (Đồng Nai); TP. Thủ Đức, Quận 7, huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh).

Dịch bệnh đã xuất hiện ở 45 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của ngành y tế, hiện nay, số ca mắc COVID-19 mới liên quan đến nguồn lây nhiễm từ TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận với số ca mắc cao, vì vậy, đề nghị người từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Dương chấp hành nghiêm hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 theo nội dung Công văn số 5389/BYT-MT ngày 07/7/2021 của Bộ Y tế: “Những người từ thành phố Hồ Chí Minh (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua thành phố Hồ Chí Minh nhưng không dừng, đỗ) được coi là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định thì phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 07 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 07 ngày tiếp theo. Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 03 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà”.

Tỉnh Bình Dương đã thành lập thêm 7 khu điều trị bệnh nhân COVID-19, với tổng số 1.340 giường bệnh; tiến hành tiêm vắc xin đợt 4 cho 24.000 người.

TP. Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, TX. Tân Uyên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; huyện Dầu Tiếng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Ngành y tế Bình Dương khuyến cáo, mọi người dân tiếp tục chủ động và nâng cao tinh thần phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điêp 5K; khi có các triệu chứng về bệnh đường hô hấp như: Sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở hoặc mất vị giác,… liên hệ ngay trạm y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định.