Gene Việt trội trên võ đài
Xuất thân từ võ cổ truyền, Duy Nhất (phải) thành danh với muay Thái và hiện đang tiến ra các võ đài nhà nghề – Ảnh: GIA TIẾN
Người Việt có ưu thế về tốc độ, sự nhanh nhạy. Võ cổ truyền của người Việt thiên về những đòn chân phá trụ và lối cận chiến với những đòn cùi chỏ rất sắc bén, rất phù hợp với lối đánh phòng thủ – tấn công nhanh.
GIÁP TRUNG THANG (tổng thư ký Liên đoàn Muay Thái TP.HCM)
Từ Nguyễn Trần Duy Nhất, Trương Đình Hoàng, Cung Lê, Martin Nguyễn… dựa vào số lượng các võ sĩ người Việt hoặc gốc Việt lừng danh ngày càng nhiều, có thể nói họ đã dần tạo nên thương hiệu Việt trên các võ đài đỉnh cao của thế giới.
Những vùng đất võ thuật
Trước tiên phải khẳng định có một số vùng miền, dân tộc đặc biệt hùng mạnh ở một số môn thể thao là chuyện có thật.
Chẳng hạn trong bóng đá, những tuyển trạch viên khi cần tìm kiếm các ngôi sao nhí lại lặn lội sang châu Phi hoặc Nam Mỹ. Còn trong giới võ thuật, những tay đấm hùng mạnh nhất thường là người da màu hoặc xuất phát từ vùng Trung Á như Khabib Nurmagomedov, anh em nhà Klitschko…
Có nhiều nguyên nhân để lý giải thiên hướng đặc biệt này. Ở môn bóng đá, nhiều phân tích từ giới sinh học cho rằng sở dĩ người Nam Mỹ – cụ thể nhất là Brazil – chơi bóng giỏi vì họ có cái hông rất khỏe.
Mà chuyện này lại có liên quan đến những vũ điệu samba, tango trứ danh ở đây. Hay việc trưởng thành trong điều kiện khắc nghiệt khiến VĐV châu Phi đặc biệt dẻo dai, mạnh mẽ trong môn chạy.
Còn trên võ đài, ai gân cơ mạnh khỏe, xương cốt cứng cáp hơn là chiếm ưu thế.
Võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất (phải)
Thành công từ tình yêu võ thuật
Người Trung Quốc – tuy thường tự hào về nền tảng kung-fu thần bí qua… truyện Kim Dung – cũng không phải là một cường quốc võ thuật thực sự.
Minh chứng là Từ Hiểu Đông chỉ thuộc hạng xoàng trên võ đài MMA nhưng vẫn thừa sức đánh cho cả làng võ kung-fu Trung Hoa “oai danh lừng lẫy” ngàn năm qua phải thua liểng xiểng.
Thật ra sự thống trị của người Mỹ gốc Phi hoặc Trung Á với võ đài nhà nghề chỉ ở các hạng cân nặng.
Vẫn có chỗ cho những võ sĩ đến từ các quốc gia khác ở hạng cân trung bình trở xuống. Vì vậy, một người Philippines như Manny Pacquiao cũng có thể đương cự với “độc cô cầu bại” Floyd Mayweather trong trận đấu quyền anh đắt giá nhất thế giới.
Các võ sĩ Việt Nam thời gian gần đây cũng ngày càng gầy dựng được thương hiệu như Nguyễn Trần Duy Nhất, Trương Đình Hoàng, Trần Quang Lộc… đều bắt đầu tiến ra võ đài chuyên nghiệp sau nhiều năm trời “cày cuốc” ở hệ thống các giải đấu thuộc Olympic như SEA Games – vốn chỉ được xem là đấu trường nghiệp dư của giới võ thuật.
Vinod – võ sĩ kiêm HLV MMA làm việc ở TP.HCM – nhận định: “Việt Nam là một đất nước của võ thuật. Tuy nhiên qua tìm hiểu một số môn võ Việt, tôi thấy võ Việt cần cải thiện nhiều về khả năng thực chiến.
Nhưng điều quan trọng là võ Việt dạy cho người Việt văn hóa về võ thuật, mang lại tình yêu võ thuật cho những đứa trẻ. Điều này lý giải được vì sao ngày càng có nhiều võ sĩ người Việt vang danh như vậy”.
Minh chứng nhận định của HLV Vinod là Nguyễn Trần Duy Nhất. Nổi danh với tư cách võ sĩ muay Thái hàng đầu châu lục ở hạng cân nhẹ, nhưng ít ai biết Duy Nhất thực ra được nuôi dưỡng từ cái nôi võ cổ truyền với môn phái gia truyền Tấn gia quyền được truyền từ đời ông nội anh (cha mẹ anh cũng là võ sư).
Đến năm 18 tuổi – khi đã là võ sĩ có tiếng tăm trong giới võ cổ truyền, Duy Nhất mới bắt đầu học muay Thái, rồi từ đó thành danh ở các võ đài tầm cỡ châu lục.
Võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất
Võ sĩ Việt có ưu thế về tốc độ
Ông Giáp Trung Thang – tổng thư ký Liên đoàn Muay Thái TP.HCM – nhận định các võ sĩ Việt Nam có lợi thế riêng khi chạm trán những đối thủ nước ngoài: “Người Việt có ưu thế về tốc độ, sự nhanh nhạy.
Võ cổ truyền của người Việt cũng thiên về những đòn chân phá trụ và lối cận chiến với những đòn cùi chỏ rất sắc bén, rất phù hợp với lối đánh phòng thủ – tấn công nhanh.
Để trở thành võ sĩ chuyên nghiệp của MMA, các võ sĩ cần hội tụ nhiều yếu tố như đam mê võ thuật, tập luyện các môn võ đối kháng lâu năm như muay Thái, kickboxing, jujitsu, vật, judo, karate, hoàn thiện được những kỹ năng thực chiến, đảm bảo thể lực và sức mạnh.
Tìm hiểu lịch sử Việt Nam sẽ thấy dấu ấn của võ thuật khắp mọi nơi. Ngay với những võ sĩ sinh sống ở nước ngoài, tôi tin đam mê này vẫn luôn tồn tại. Còn ở Việt Nam những năm gần đây, những môn võ giàu tính thực chiến của nước ngoài ngày càng tiếp cận nhiều, tạo điều kiện để các võ sĩ được hoàn thiện kỹ năng chiến đấu”.
“Trong vòng 7 năm Việt Nam sẽ có võ sĩ vô địch thế giới”
HLV Kim Sang Bum (giữa) và nữ võ sĩ vô địch châu Á – Thái Bình Dương Thu Nhi (phải) – Ảnh: T.P.
Võ Việt dạy cho người Việt văn hóa về võ thuật, mang lại tình yêu võ thuật cho những đứa trẻ. Điều này lý giải vì sao ngày càng có nhiều võ sĩ người Việt vang danh”.
VINOD (võ sĩ kiêm HLV MMA)
Đây là mục tiêu của HLV người Hàn Quốc Kim Sang Bum (CLB boxing Cocky Buffalo) trong việc xây dựng cho boxing Việt Nam một hình mẫu, như võ sĩ lừng danh Manny Pacquiao của Philippines.
* Xưa nay người ta vẫn thường bảo “gen người Việt” yếu. Có đúng không?
– Người Việt nhỏ con nhưng không yếu. Cụ thể, nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi vừa giành được đai vô địch châu Á – Thái Bình Dương.
Thậm chí ở các nước tôi từng đi như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines… võ sĩ Việt Nam giàu nghị lực và có ý chí mạnh mẽ bậc nhất. Vì thế, tôi đã chọn Việt Nam để đầu tư. Các tay đấm Việt Nam khá mạnh về cơ bắp, nhanh nhẹn và khát khao chiến thắng mãnh liệt. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá.
Trước những năm 1980, người Hàn Quốc cũng bị đánh giá thấp bé nên chỉ đánh các hạng cân nhẹ. Nhưng giờ người Hàn Quốc đã phát triển chiều cao thêm 5-7cm và tấn công sang các hạng cân nặng. Thành công của Hàn Quốc phần lớn nhờ khâu đào tạo tốt. Nếu được đầu tư bài bản, tôi tin sẽ có những võ sĩ Việt vô địch thế giới.
* Ông đánh giá thế nào về ý chí và độ lì đòn của võ sĩ Việt trên võ đài quốc tế?
– Tôi từng dẫn một võ sĩ Việt đấu với nhà vô địch của Hàn Quốc. Do chẳng ai biết tên tuổi võ sĩ Việt Nam nên đánh giá thấp. Thực tế học trò của tôi cũng non kinh nghiệm so với đối thủ. Nhưng anh ấy sau khi bị đánh ngã xuống sàn lại nén đau đứng dậy đánh tiếp để khuất phục đối thủ của mình bằng chiến thắng oanh liệt.
Hay như tay đấm trẻ Sầm Minh Phát từng thượng đài với một tay bị chấn thương từ trước, chứ nhất quyết không bỏ cuộc. Tôi từng có nhiều trải nghiệm đầy xúc động với các học trò như thế nên hiểu thế nào là ý chí Việt Nam.
Tôi đặt chỉ tiêu trong vòng 7 năm Việt Nam sẽ có võ sĩ vô địch thế giới. Tôi đang xây dựng cho boxing Việt Nam một hình mẫu, như Manny Pacquiao của Philippines, sau đó phong trào sẽ phát triển theo.
* Theo ông, dinh dưỡng có giúp người Việt bù đắp bất lợi về thể hình?
– Dinh dưỡng là cơ bản của con người, cũng giống như cây trồng cần đất tốt mới cho quả ngon. Võ sĩ Việt Nam rất cần chuyên gia dinh dưỡng để tính toán khẩu phần ăn theo từng giai đoạn, lúc tập luyện sẽ khác lúc thi đấu.
Để võ đài Việt Nam thêm hấp dẫn