[GDCD 10] BÀI 13: CÔNG DÂN VỚI CỘNG ĐỒNG – THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt
[GDCD 10] BÀI 13: CÔNG DÂN VỚI CỘNG ĐỒNG
BÀI 13: CÔNG DÂN VỚI CỘNG ĐỒNG
I. Lý thuyết
1. Cộng đồng và vai trò của cộng đồng đối với cuộc sống của con người.
a. Cộng đồng là gì:
Cộng đồng là toàn thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội.
b. Vai trò của cộng đồng đối với cuộc sống của con người.
Cộng đồng là môi trường xã hội để cá nhân lên kết gắn bó với nhau tạo nên đời sống của mình và cộng đồng
– Chăm lo cuộc sống của cá nhân.
– Đảm bảo cho mọi người có điều kiện phát triển.
– Giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa quyền lợi và nghĩa vụ.
– Cá nhân phát triển trong cộng đồng và tạo nên sức mạnh cho cộng đồng.
2. Trách nhiệm của công dân đối với cộng động
a. Nhân nghĩa
– Khái niệm: Nhân nghĩa là lòng thương người và sự đối xử với người theo lẽ phải, là tình cảm, thái độ, việc làm đúng đắn, phù hợp với đạo lí của dân tộc Việt Nam.
– Biểu hiện nhân nghĩa:
+ Nhân ái, sự thương yêu giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lúc khó khăn không đắn đo tính toán,
+ Nhường nhịn đùm bọc nhau lúc sa cơ lỡ bước.
+ Tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động, trong cuộc sống hằng ngày.
+ Vị tha bao dung độ lượng.
+ Đặc trưng nổi bật: Thế hệ sau luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ trước.
– Ý nghĩa nhân nghĩa:
+ Giúp cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp, có ý nghĩa hơn.
+ Con người thêm yêu cuộc sống, có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn.
+ Là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
– Rèn luyện lòng nhân nghĩa cần:
+ Kính trọng, biết ơn hiếu thảo với ông bà cha mẹ..
+ Quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ mọi người.
+ Cảm thông, bao dung, độ lượng vị tha.
+ Kính trọng, biết ơn các vị anh hùng dân tộc.
b. Hòa nhập
– Khái niệm: Sống hòa nhập là sống gần gũi, chan hòa, không xa lánh mọi người, không gây mâu thuẫn, bất hòa với người khác, có ý thức tham gia các hoạt động chung của cộng đồng.
– Ý nghĩa:
Sống hòa nhập sẽ có thêm niềm vui, sức mạnh vượt qua khó khăn. Ngược lại không hòa nhập sẽ cảm thấy cô đơn, buồn tẻ cuộc sống kém ý nghĩa.
– Rèn luyện sống hòa nhập cần:
+ Tôn trọng, đoàn kết, quan tâm, gần gũi, vui vẻ, cởi mở, chan hòa với thầy cô giáo và mọi người xung quanh.
+ Không lánh xa, bè phái, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết với người khác.
+ Tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, vận động mọi người cùng tham gia.
c. Hợp tác
– Khái niệm: Hợp tác là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó vì mục đích chung.
– Nguyên tắc: Dựa trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng các bên cùng có lợi và không làm phương hại đến lợi ích của những người khác.
– Ý nghĩa: Tạo nên sức mạnh trí tuệ, tinh thần và thể chất. Đem lại chất lượng và hiệu quả cao cho công việc chung.
– Hình thức: Song phương, đa phương, toàn diện từng lĩnh vực, giữa các cá nhân, các nhóm, cộng đồng, dân tộc, quốc gia.
– Rèn luyện tinh thần hợp tác cần:
+ Biết bàn bạc, xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể
+ Nghiêm túc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được phân công
+ Biết phối hợp nhịp nhàng với nhau, chia sẽ ý kiến, kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ nhau
+ Biết đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động
II. Câu hỏi ôn tập
Câu 1: Một trong những biểu hiện của nhân nghĩa là?
A. Thể hiện ở sự hợp tác, bàn bạc với nhau khi cần thiết.
B. Thể hiện ở sự thương yêu, kính trọng và biết nghĩ về nhau.
C. Thể hiện ở sự đoàn kết, quan tâm, vui vẻ với mọi người xung quanh.
D. Thể hiện lòng nhân ái, sự thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn, khó khăn; không đắn đo tính toán.
Câu 2: Câu tục ngữ nào sau đây không nói về sự hòa nhập?
A. Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn.
B. Đồng cam cộng khổ.
C. Chung lưng đấu cật.
D. Tức nước vỡ bờ.
Câu 3: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước” quan điểm trên của Đảng ta nói về vấn đề gì?
A. Nhân nghĩa. B. Trách nhiệm.
C. Hợp tác. D. Hòa nhập.
Câu 4: Đời sống cộng đồng chỉ lành mạnh nếu nó được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc?
A. Mỗi người tự phát triển, không phương hại đến nhau.
B. Tự chủ, đôi bên cùng có lợi.
C. Không gây mâu thuẫn, hữu nghị, hợp tác.
D. Công bằng, dân chủ, kỉ luật.
Câu 5: Cộng đồng là gì?
A. Tập hợp những người ở một nơi, cùng sống với nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội.
B. Là hình thức thể hiện các mối quan hệ và liên hệ xã hội của con người.
C. Là môi trường xã hội để các cá nhân thực sự liên kết hợp tác với nhau.
D. Là toàn thể những người cùng chung sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội.
Câu 6: Câu tục ngữ nào nói về cách sống hòa nhập?
A. Cá lớn nuốt cá bé.
B. Cháy nhà ra mặt chuột.
C. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.
D. Đèn nhà ai nấy rạng.
Câu 7: Biểu hiện của hợp tác là gì?
A. Mọi người cùng bàn bạc, phối hợp nhịp nhàng với nhau.
B. Mọi người cùng bàn bạc, phối hợp nhịp nhàng, biết về nhiệm vụ của nhau và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần thiết
C. Mọi người cùng bàn bạc với nhau, phân công nhiệm vụ, biết về nhiệm vụ của nhau.
D. Mọi người cùng làm một nơi, phối hợp nhịp nhàng, biết về nhiệm vụ của nhau.
Câu 8: Hợp tác giữa Việt Nam – Nhật là hình thức hợp tác gì?
A. Hợp tác giữa các cá nhân.
B. Hợp tác giữa các quốc gia.
C. Hợp tác giữa các nước.
D. Hợp tác giữa các nhóm.
Câu 9: Người có lòng nhân nghĩa là người như thế nào?
A. Có lòng yêu quê hương, đất nước.
B. Có lòng thương người.
C. Có trách nhiệm đối với xã hội.
D.Có lòng thương người và đối xử với người khác theo lẽ phải.
Câu 10: Em tán thành với ý kiến nào sau đây?
A. Khi thấy có lợi cho mình thì mới hợp tác.
B. Chỉ hợp tác khi mình yếu, kém.
C. Đèn nhà ai, nhà nấy rạng.
D. Hợp tác sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn trong công việc.
Câu 11: Việc làm và biểu hiện nào dưới đây là biểu hiện lối sống hòa nhập?
A. Chủ động tham gia mọi sinh hoạt tập thể.
B. Chỉ kết bạn với người cùng sở thích.
C. Coi thường mọi người.
D. Thích chỉ huy người khác.
Câu 12: Em tán thành với ý kiến nào sau đây?
A. Chỉ tôn trọng ai đó, khi họ giúp đỡ mình.
B. Việc của ai người nấy biết.
C. Hợp tác giúp tăng thêm sức mạnh.
D. Tán thành tất cả ý kiến của mọi người.
Câu 13: Nội dung nào không đúng để có lối sống hòa nhập?
A. Đoàn kết với các bạn trong lớp, trong trường.
B. Tham gia hoạt động tập thể.
C. Tham gia vệ sinh ngõ xóm.
D. Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình.
Câu 14: Biết tin đồng bào Miền trung bị lũ lụt, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông A đã gửi tiền và quần áo vào ủng hộ cho đồng bào. Theo em hành động của ông A thể hiện trách nhiệm nào của công dân với cộng đồng?
A. Nhân nghĩa. B. Hòa nhập. C. Hợp tác. D. Nghĩa vụ.
Câu 15: Nhà bạn A mới chuyển về nơi ở mới. Sau khi ổn định nhà cửa, bố mẹ bạn A đã đi chào hỏi hàng xóm, láng giềng. Hành động của bố mẹ bạn A thể hiện trách nhiệm nào của công dân đối với cộng đồng?
A. Nhân nghĩa. B. Hòa nhập. C. Hợp tác. D. Nghĩa vụ.
Câu 16: Để không bị phá sản, anh A đã liên kết làm ăn với anh B. Việc liên kết làm ăn giữa anh A và anh B được gọi là
A. nhân nghĩa. B. hòa nhập. C. hợp tác. D. nghĩa vụ.
Câu 17: Học sinh trường THPT Ngô Quyền hưởng ứng cuộc thi viết bài “Người thầy trong ta” là thể hiện tình cảm
A. nhân nghĩa. B. hòa nhập. C. hợp tác. D. đạo đức.
Câu 18: Người sống hòa nhập với cộng đồng sẽ có thêm niềm vui và sức mạnh
A. trong một số trường hợp.
B. để làm giàu cho gia đình mình.
C. để chinh phục thiên nhiên.
D. vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Câu 19: Biểu hiện nào dưới đây không phải là nhân nghĩa?
A. Chỉ giúp đỡ người nào đã giúp đỡ mình.
B. Lòng thương người.
C. Giúp đỡ người khác lúc hoạn nạn, khó khăn.
D. Nhường nhịn người khác.
Câu 20: Hợp tác phải dựa trên cơ sở nào dưới đây?
A. Cần cù, sáng tạo. B. Nhiệt tình, chân thành.
C. Tự giác, tự lực, tự chủ. D. Tự nguyện, bình đẳng.
Từ khóa:
công dân
Tổng số điểm của bài viết là: 258 trong 81 đánh giá
Click để đánh giá bài viết