Gần Tết, dịch vụ đòi nợ thuê kiểu xã hội đen hoành hành trên mạng
Không vay tiền cũng bị khủng bố đòi nợ
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, dịch Covid–19 đã ảnh hưởng tới 32,1 triệu người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên trong đó, 69,2% bị giảm thu nhập; 39,9% bị giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; 14% tạm nghỉ hoặc tạm dừng sản xuất kinh doanh.
Những tác động của dịch Covid-19 đã làm đời sống nhiều người khó khăn, tăng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân. Do việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng khá khó khăn, nhiều người đã chấp nhận rủi ro, tìm tới nguồn tín dụng đen, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng hoặc các app cho vay tiền trực tuyến vì sự nhanh chóng, dễ dàng của nó.
Có thể nói vay tiền qua app có mức lãi cao cắt cổ, ví dụ, để vay được 3,8 triệu VNĐ từ app trong 7 ngày, người đi vay chỉ được nhận 2,3 triệu, số tiền phí dịch vụ và tiền lãi sẽ bị trừ trước. Ngoài phí dịch vụ, các app này còn có nhiều loại phí phạt quá hạn tính theo ngày, phí quá hạn tính theo kỳ, phí gia hạn… Nếu người đi vay trả nợ đúng hạn, mọi việc đều ổn. Nhưng chỉ cần trả nợ chậm một hai ngày, người đi vay lập tức bị khủng bố tinh thần bằng hàng chục cuộc gọi mỗi ngày, bằng tin nhắn đe dọa ghép hình đăng lên mạng xã hội, bằng các cuộc gọi làm phiền đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Họ cũng sẽ trả mãi không hết nợ do lún sâu trong bãi lầy của lãi suất và các loại phí quá hạn do các ứng dụng này đặt ra.
Không chỉ người vay tiền mà nhiều người không vay cũng bị khủng bố, đòi nợ kiểu xã hội đen. Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người bức xúc phản ánh việc họ không vay tiền, không dính líu gì đến xã hội đen nhưng lại bị đăng hình vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm trên mạng xã hội. Do những người này có quan hệ bạn bè hoặc họ hàng với người đi vay.
Chị Lê Thúy ở Hà Nội cho biết, một đồng nghiệp đã dùng số điện thoại của chị để vay tiền qua app mà chị không hề hay biết. Khi người đồng nghiệp không trả nợ đúng hạn, bên cho vay đã liên tục nhắn tin chửi bới, đe dọa; ghép hình chị với người đi vay; đăng số điện thoại của chị cùng nội dung thô tục, thậm chí còn đăng ảnh và số điện thoại chị lên mấy trang mạng rao nhận “đi khách”.
Chiêu điển hình nhất mà các đối tượng hay dùng là in hình và số điện thoại của nạn nhân tố cáo lừa đảo, vay nợ rồi Tag hình này lên tường của bạn bè trên Facebook và Zalo. Người thân của nạn nhân cũng bị ghép hình, đăng ảnh cáo phó cùng địa chỉ, số điện thoại… trên mạng xã hội. Chị Ngọc Ánh ở Hà Nội, mới đây đã phải viết đơn tố cáo với cơ quan công an bởi bỗng nhiên bị một đối tượng gọi điện, nhắn tin đòi nợ, đối tượng này còn đăng hình và số điện thoại của chị rao trong mấy group mời chào nhận “đi khách”. Đối tượng này còn nhắn tin đe dọa sẽ bán chị này cho nhà chứa để trừ nợ. “Cho dù tôi và gia đình tôi không vay nợ ai”, chị Ánh bức xúc nói.
Hiện tượng vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm người vay tiền trên mạng xã hội, trên Zalo để đòi nợ không phải hiện tượng mới. Các đối tượng đòi nợ thường dùng sim rác, sử dụng tài khoản ảo hoặc tài khoản chiếm được của người khác… nên dù việc điều tra, xử lý đối tượng vu khống, xúc phạm người khác đề đòi nợ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều công ty tài chính dường như ngày càng buông lỏng khâu cấp tín dụng, không đảm bảo được quy trình quản lý an toàn thông tin cho khách hàng và quản lý nhân viên của mình. Có vụ việc khách hàng chỉ phát hiện mình nợ tiền FE Credit (dù không vay) khi bị khởi kiện, quấy rối, nhắc nợ theo đủ kiểu. Ví dụ, tháng 9/2020, theo ủy quyền của FE Credit, Công ty thu hồi nợ HP đã khởi kiện ông Trần Tấn Bảo (SN 1997, ở huyện Phú Hoà, Phú Yên) vì khoản nợ 63 triệu VNĐ. Từ khi khởi kiện cho đến khi FE Credit có công văn xin lỗi ông Bảo, gỡ bỏ dư nợ tín dụng vào tháng 11/2020 (thừa nhận hồ sơ vay mang tên ông Bảo từ 5/12/2019 là giả), phía FE Credit và Công ty Cổ phần thu hồi nợ HP liên tục uy hiếp, làm phiền, dùng từ ngữ khó nghe, gửi nhiều công văn đòi nợ, treo nợ xấu có tên ông Bảo trên hệ thống khiến danh dự, uy tín của ông Bảo bị ảnh hưởng.
Nhìn chung, qua phản ảnh của báo chí và mạng xã hội những năm qua, không chỉ FE Credit mà các công ty tài chính cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có nhiều tai tiếng liên quan đến các vụ việc đòi nợ kiểu xã hội đen. Khủng bố tinh thần người đi vay, người thân và bạn bè người đi vay; quấy rối cả người không vay (nhưng số điện thoại bị sử dụng làm số tham chiếu, hoặc bị người khác sử dụng thông tin trái phép).
Việc đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh là để tránh biến tướng của dịch vụ này, tránh tiếp tay cho tín dụng đen, cho các ứng dụng cho vay ngang hàng bất hợp pháp và góp phần khiến các công ty tài chính cho vay tiêu dùng phải thận trọng hơn trong cấp tín dụng để tránh nợ xấu. Tuy nhiên, sự chuyển đổi dễ dàng của các công ty thu hồi nợ sang mua bán nợ cũng đang đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Dịch vụ đòi nợ thuê biến thành “mua bán nợ”: Nguy cơ “bình mới rượu cũ”
Trước khi bị đưa vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong Luật Đầu tư (sửa đổi) 2020, đa số công ty thu hồi nợ hoạt động không đúng quy định pháp luật; ít nhiều có hành vi của xã hội đen; sử dụng nhiều chiêu trò gây rối, khủng bố tinh thần người đi vay và gây mất trật tự an ninh xã hội. Sự việc thương tâm nhất là của ông Lê Thành Tâm, một khách hàng của FE Credit đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực, xảy ra vào ngày 21/6/2020 càng khiến dư luận xã hội đồng tình với quyết định cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ của Chính phủ.
Sau khi Luật Đầu tư (sửa đổi) 2020 được thông qua, nhiều công ty thu hồi nợ đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức kinh doanh sang mô hình công ty mua bán nợ. Tuy nhiên, trên trang chủ của một công ty thu hồi nợ được chuyển đổi thành mua bán nợ, nhưng tình trạng một số công ty mua bán nợ từ chối mua nợ, chỉ muốn đòi nợ hộ khi được liên hệ để bán nợ. Ngoài chuyển đổi sang mô hình công ty “mua bán nợ”, các công ty thu hồi nợ còn có thể lách luật bằng cách chuyển sang mô hình cho thuê lao động, sau đó tiến hành ký kết hợp đồng cho đối tác (chủ nợ) thuê lao động (là những người chuyên đi đòi nợ trước đây) để sử dụng những vào mục đích đòi nợ.
Nhìn chung, xuất phát từ nhu cầu xử lý nhanh nợ xấu của các cá nhân, tổ chức, đặc biệt vào dịp cuối năm (do quá trình đòi nợ thông qua khởi kiện thường kéo dài và thi hành án phức tạp, có thể không thu hồi được nợ hiệu quả) và từ thực trạng vay nợ trong cộng đồng, người vay nợ mất khả năng trả nợ hoặc chây ì không trả… hoạt động đòi nợ thuê vẫn sẽ tiếp tục tồn tại dưới nhiều hình thức. Để tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát và thu hồi giấy phép kinh doanh của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Hiện nay, khi tra soát thông tin trên Tổng cục Thuế, rất nhiều công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn trong trạng thái hoạt động.
Ngoài ra, theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phù hợp với quy định của Nghị định; người quản lý doanh nghiệp phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên, thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận và có ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ; phải có số vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu 100 tỷ VNĐ.
Các cơ quan có trách nhiệm cần rà soát lại việc tuân thủ Nghị định 69/2016/NĐ-CP của các công ty mua bán nợ được thành lập sau khi Luật Đầu tư (sửa đổi) 2020 được thông qua để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ” và tiếp tục gây ra các hệ lụy đòi nợ kiểu xã hội đen trong xã hội.