Gần gũi môi trường là nông nghiệp hiện đại
LTS: Thiên tai vừa rồi cho thấy một điểm rất rõ: môi trường đang bị chính chúng ta hủy hoại rất nhiều.
Trong bối cảnh này, câu chuyện về cải cách nông nghiệp, làm nông nghiệp gần gũi thiên nhiên là vấn đề nên được nhìn nhận nghiêm túc nhất.
Giấc mơ nông nghiệp bền vững
Trong nhiều năm, nông nghiệp chỉ chú trọng sản lượng mà quên đi chất lượng lẫn định vị thương hiệu không những đã làm cho nghề nông và cuộc sống của những người nông dân đi xuống, mà còn khiến môi trường ô nhiễm hơn.
Nhà anh Nguyễn Văn Giàu có gần 1ha đất ruộng ở một huyện biên giới của tỉnh Long An. Vụ đông xuân năm 2019, với năng suất khoảng 7 tấn lúa và giá khoảng 5.000 đồng/kg, anh lãi khoảng 17-20 triệu sau 3 tháng vất vả, sau khi trừ đi các chi phí.
Và đó là tiền lãi trong điều kiện lý tưởng: đầu tiên thì anh Giàu phải không mất mùa, điều vốn không hiếm với nghề nông. Sau đó thì phải có năng suất tốt, vì nếu chỉ đạt được khoảng 5 tấn lúa/ha đó, anh thậm chí còn lỗ. Cuối cùng, thương lái phải mua lúa với giá tốt. Ở mức 6.000 đồng/kg, bà con có thể coi đó là một chiến thắng rực rỡ.
Trong nhiều năm, đây là 3 thách thức không nhỏ. Ba mẹ đặt tên cho anh là Giàu nhưng dù được xem như một trong những người làm lúa giỏi nhất, anh vẫn chỉ coi cái tên mình cũng như một giấc mơ. Trong nhiều năm, người nông dân 42 tuổi này sống bằng chủ nghĩa kinh nghiệm, từ những bài học nhà nông được cha anh truyền lại và những phép thử – sai liên tục. “Ví dụ như mình phun thuốc theo hướng dẫn trên bao bì mà sâu bệnh không chết thì lại phải pha gói thuốc lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi” – anh Giàu chia sẻ, bằng một bài toán kinh nghiệm đơn giản. Thời đại internet ập đến, công cụ hỗ trợ thêm duy nhất của anh là Google và YouTube. Cuộc sống của cả một gia đình gói gọn trong khả năng lĩnh hội qua màn ảnh nhỏ.
Ảnh: L.G.
Trong ấp của anh Giàu, nhiều người trẻ hơn một chút đã mất kiên nhẫn với nghề ruộng. Với 10 ngàn mét vuông đất và 2 vụ trong năm, thu nhập của họ không khá hơn làm xí nghiệp may ở cách những thửa ruộng không xa, khoảng hơn mười cây số. Công việc gia công khá đơn giản. Có xe đưa đón. Và lương 5-6 triệu mỗi tháng. Không phải vất vả nắng mưa, ảnh hưởng sức khỏe vì phân bón, thuốc trừ sâu và quan trọng hơn, không phụ thuộc vào sự thất thường của đất trời lẫn giá cả.
Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ và những người giỏi làm ruộng như anh Giàu cũng không thể cứu vãn nghề nông ở đây. Hiện tại, đây vẫn là một trong những nghề vất vả nhất nhưng thu nhập hạn chế bậc nhất. Năm 2019, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh nhưng chỉ thu về khoản ngoại tệ 2,758 tỷ USD. Tức tăng 2,5% về lượng nhưng lại giảm gần 10% về trị giá so với cùng kỳ. Tháng 6 năm ngoái, lúa vụ hè thu rớt giá kỷ lục, chỉ còn 4.000 đồng/kg. Đến lúc ấy thì ruộng của người nông dân lại thành gánh nặng: họ có thể lỗ nặng và mắc nợ. Chính anh Giàu hiện đang nợ ngân hàng 100 triệu mà không có cách nào chi trả. Chỉ vài vụ thua lỗ, số nợ và tiền trả lãi có thể tăng nhiều lần.
Trong cuộc chiến tự thích nghi để tồn tại này, những người nông dân cũng rơi vào một nghịch lý khác: báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy tăng trưởng lương thực đóng một vai trò quan trọng trong cải thiện an ninh lương thực và giúp người dân thoát khỏi nghèo đói ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng nhưng đi kèm điều đó là ô nhiễm đất, nước lẫn không khí chưa từng có ở khu vực này.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có khoảng 300 loại thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng. Trung bình một năm bà con nông dân sử dụng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, con số mà ông Trương Quốc Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam, nhận xét là “vô tội vạ” trên tờ VnExpress.
Nhưng, với kinh nghiệm lĩnh hội chủ yếu qua truyền miệng và YouTube, những người nông dân như anh Giàu không thể làm gì hơn, nhất là khi miếng ăn còn ám ảnh. Con anh học đại học trên TP Hồ Chí Minh, tháng cũng tốn ít nhất vài triệu và vụ mùa luôn là quãng thời gian ám ảnh cả thể xác lẫn tinh thần. Không thể nghĩ gì xa xôi hơn là lúa sâu bệnh có thể chết và khiến những giấc mơ tương lai chết theo của nhiều gia đình.
Cuối năm ngoái, có một giấc mơ nhỏ bỗng dưng vụt sáng. Tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 diễn ra ở Philippines, loại gạo ST25 của Việt Nam được vinh danh là “ngon nhất thế giới”. Sau hàng thập niên được biết đến như một trong những cường quốc xuất khẩu gạo, lần đầu tiên chúng ta được công nhận như một nước có thể làm ra những hạt gạo ngon hàng đầu thế giới.
Hiệu ứng tích cực đến gần như ngay lập tức: tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố số liệu mới cho thấy trong 3 “cường quốc” xuất khẩu gạo là Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, giá gạo của Việt Nam ở mức cao nhất, lần đầu tiên sau nhiều thập niên. Trong 30 năm làm ruộng, vụ hè thu vừa rồi, lần đầu tiên anh Giàu biết thế nào là giá lúa lên đến gần 6.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, anh lời khoảng hơn 50 triệu.
Anh Giàu và hàng vạn người nông dân khác vô tình được hưởng lợi như làn sóng thương hiệu. Lần đầu tiên sau nhiều năm chỉ chú trọng sản lượng, nếu được phổ biến đủ thông tin, anh có thể biết rằng có một cách khác để sống tiếp hiệu quả hơn: cần phải nuôi trồng được những loại gạo ngon hơn, bằng những phương pháp bền vững hơn. Chủ nghĩa kinh nghiệm đã giúp anh sống lay lắt qua những vụ mùa trong quá khứ nhưng nó không bao giờ giúp anh vươn lên một nấc thang mà ở đó, những người nông dân có thể nhìn thấy những giấc mơ tương lai của gia đình, theo một cách nào đó, rực rỡ hơn thường lệ.
Đó cũng là một bài toán cân bằng mang tính chiến lược của quốc gia. Trong năm 2019, trước dịch COVID, du lịch Việt Nam đạt kỳ tích vàng về tăng trưởng, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, có tổng doanh thu khoảng 720.000 tỷ đồng (tương đương 31 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay. Với tư cách một đất nước hòa bình và chi phí hợp lý, Việt Nam là điểm đến ngày một khao khát hơn. Và sẽ đáng để khát khao hơn, nếu sản xuất không làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan. Trong nhiều năm, nông nghiệp chỉ chú trọng sản lượng mà quên đi chất lượng lẫn định vị thương hiệu không những đã làm cho nghề nông và cuộc sống của những người nông dân đi xuống, mà còn khiến môi trường ô nhiễm hơn.
Tháng 8 vừa rồi, nhiều địa phương đẩy mạnh diện tích trồng loại gạo “ngon nhất thế giới”, phản ứng tích cực ngay sau hiệu ứng thương hiệu. Nhưng, chỉ thời gian mới trả lời được liệu đây sẽ là bước đầu của một quá trình phát triển nông nghiệp bền vững có nền tảng và chiến lược của một quốc gia hay là một xu hướng nhất thời. Hạt gạo đang ẩn chứa quá nhiều biến số mà một mình người nông dân hầu như không thể giải quyết chỉ bằng chủ nghĩa kinh nghiệm và những đoạn clip trên YouTube. Hằng số duy nhất trong phép toán này là những giọt mồ hôi của người nông dân đã kiên trì chống lại sự thất thường của thiên nhiên lẫn biến thiên giá cả của thị trường, chỉ với một vũ khí duy nhất và ngàn đời: sự chăm chỉ. Giờ đây, họ không nên và không thể cô đơn như thế nữa.
(Phạm An)
Trò chuyện với tiến sĩ Bùi Bá Bổng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn: Nông nghiệp hữu cơ là lựa chọn cho tương lai
– Thưa tiến sĩ Bùi Bá Bổng! Ông có 23 năm làm việc ở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và 12 năm làm Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều gì khiến ông băn khoăn nhất về nông nghiệp hiện nay?
– Trước hết, phải nói rằng Việt Nam có quá nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Chúng ta có nhiều sản phẩm đứng ở vị trí cao trên thị trường thế giới như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản… Thế nhưng, suốt một thời gian dài, chúng ta quá chú trọng vào năng suất mà ít quan tâm đến chất lượng. Vì vậy, giá trị nông nghiệp của chúng ta vẫn còn tương đối thấp, hay nói cách khác là chưa tương xứng với tiềm năng của đất và người Việt Nam.
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng.
– Khi chúng ta lao theo năng suất thì phải dùng đến phân bón vô cơ. Và hậu quả là môi trường bị ảnh hưởng rất lớn, sức khỏe của đất đai cũng giảm sút…
– Đúng, đã đến lúc phải hạn chế đổ hóa chất ra môi trường. Bởi vì, dùng một lượng lớn phân bón vô cơ có thể giúp tăng năng suất vụ trước nhưng sẽ giảm năng suất vụ sau, do sức khỏe của cây trồng và sức khỏe của đất đai đều bị vắt kiệt. Nông nghiệp hữu cơ đang được chú trọng, chính là sự chọn lựa cho tương lai.
– Ông không chỉ là tác giả của giống lúa lai nổi tiếng một thời mà còn là một chuyên gia uy tín. Bằng chứng là về hưu thì ông vẫn được mời làm cố vấn cho FAO – Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan. Vậy, xin hỏi, so với Thái Lan thì chúng ta có thể cạnh tranh với họ không?
– Về quy mô và trình độ thì chúng ta có thể sánh ngang với Thái Lan nhưng chúng ta thua họ về chuỗi sản xuất. Cụ thể hơn, chúng ta đang bất cập về chất lượng và thương hiệu.
– Để thay đổi tình hình, cần làm gì, thưa ông?
– Chúng ta đang thiếu những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta chỉ mới có những tổng đại lý thu gom mà chưa có nhà đầu tư đích thực. Mua chỗ nọ một ít, gom chỗ kia một ít kiểu tinh khôn của nhà buôn thời vụ thì làm sao bảo đảm chất lượng đồng nhất để thành thương hiệu xuất khẩu? Muốn có một nền nông nghiệp vững mạnh thì phải đáp ứng được 3 điều kiện. Thứ nhất là vùng nguyên liệu, cần tránh xu hướng a dua canh tác và sản xuất theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, quy hoạch từng khu vực chuyên canh thật phù hợp và hiệu quả. Thứ hai là quy trình sản xuất, từ giống cho đến kỹ thuật phải áp dụng khoa học triệt để. Thứ ba là tiêu chuẩn khắt khe cho từng loại sản phẩm, đặc biệt chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Diện tích đất canh tác đang bị thu hẹp, nhất là diện tích đất lúa. Theo ông, có phải vấn đề đáng lo ngại không?
– Trong 10 năm qua, chúng ta đã mất 300 nghìn ha đất lúa. Trong 10 năm tới, theo nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chúng ta sẽ mất thêm 500 nghìn ha đất lúa. Diện tích đất lúa được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp và các công trình dân sinh, theo tôi như vậy đã tới ngưỡng rồi. Không nên thu hẹp nữa, để bảo đảm an ninh lương thực và bảo đảm hệ sinh thái nông nghiệp. Trên một diện tích đã giảm bớt, thì càng cần vận dụng khéo léo trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ở miền Tây Nam bộ, mô hình lúa – tôm hoặc mô hình lúa – cá ở khu vực đồng bằng ven biển là một ví dụ tích cực.
– Việt Nam đứng top 3 xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng vì sao người trồng lúa vẫn vất vả và túng thiếu trên cánh đồng nặng trĩu mồ hôi của họ?
– Mỗi hộ nông dân vài ba sào đất lúa thì làm sao có thể gặt hái được cơm no áo ấm? Sản xuất manh mún không thể làm chủ được thị trường tiêu thụ lẫn thị trường xuất khẩu, khiến giá cả lên xuống thất thường. Chúng ta cần đẩy mạnh “dồn điền đổi thửa” để có cánh đồng lớn. Những người không còn hứng thú trồng lúa thì khuyến khích họ chuyển sang các ngành lao động dịch vụ khác, theo tiêu chí “ly nông không ly hương”. Khi cánh đồng lớn với số lượng nông dân nhỏ thì mọi chuyện sẽ hanh thông hơn. Mặt khác, để thu hút nông dân yên tâm trồng lúa, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vùng trồng lúa, trợ giúp nông dân trồng lúa và hỗ trợ cho các địa phương giữ đất lúa có điều kiện về ngân sách để chi phát triển, bớt đi sức ép về nguồn thu của địa phương.
– Hiện nay, nông dân trồng cà phê hay trồng hồ tiêu, cũng gặp rất nhiều khó khăn. Câu chuyện “được mùa mất giá, mất mùa được giá” vẫn cứ ám ảnh từng nương rẫy…
– Đó là hệ lụy của việc thiếu quy hoạch đồng bộ và chạy theo năng suất. Chúng ta không thể trách nông dân vì họ thấy loại cây nào đang được thị trường ưa chuộng thì họ thi nhau trồng. Nông dân không có khả năng điều chỉnh thị trường và nông dân cũng không có khả năng dự báo thị trường. Theo tôi, diện tích cà phê và diện tích hồ tiêu bây giờ đã thừa, không nên mở rộng nữa. Phải lấy chất lượng thay cho số lượng. Quan trọng nhất là chú trọng cải tạo đất đai. Con người cần nghỉ ngơi thì đất đai cũng cần nghỉ ngơi. Trên những nương rẫy cà phê hoặc hồ tiêu, nên trồng thêm cây lâu năm để môi trường đất đai được cải thiện.
Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh thêm lần nữa, muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải cần có sự góp sức của những doanh nghiệp lớn mà chúng ta quen gọi là đại gia. Thị trường nông nghiệp thì Nhà nước chỉ có thể đưa ra chính sách, chứ không thể làm thay cho doanh nghiệp và nông dân. Đại gia có vốn mạnh, đầu tư thật bài bản và có cam kết rõ ràng với nông dân thì mới có thể hình thành chuỗi giá trị. Thậm chí, nông nghiệp kết hợp du lịch. Khi và chỉ khi, nông dân trở thành một mắc xích trong chuỗi giá trị thì sản xuất nông nghiệp sẽ có sản phẩm thân thiện với môi trường và đột phá xuất khẩu.
– Xin cảm ơn những chia sẻ cởi mở của ông.
(Lê Thiếu Nhơn – thực hiện)
Phải cải tạo nông nghiệp ngay từ bây giờ
Tháng 8-2020, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra một thông tin rất khả quan là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ ở mức cao hơn so với các nguồn xuất khẩu khác ở các sản phẩm cùng chủng loại. Và trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam là cao nhất. Đây hẳn là một tin tích cực khi chúng ta mới đọc nó. Nhưng, có phải đó là tin vui đối với tất cả những ai có liên quan đến gạo hay không?
Nhà nông sẽ vẫn thế. Họ không quan tâm đến các con số về sản lượng xuất khẩu gạo hay giá gạo xuất khẩu. Điều họ quan tâm duy nhất là có được mùa hay không và nếu được mùa, thương lái sẽ mua của họ với giá như thế nào. Và điều đáng suy nghĩ là rất nhiều người đã dần dần bỏ nghề nông, thậm chí ly hương kiếm sống bằng các lao động thời vụ khác. Thực tế ấy chứng minh rằng làm nghề nông ở Việt Nam rất vất vả và bù đắp lại không bõ bèn gì.
Hãy thử hình dung thế này. Giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam hồi tháng 8 là 497 USD/ tấn. Cứ cho là người nông dân bán được gạo ở mức giá xuất khẩu này, chúng ta thử tính xem một nông dân có 1 ha đất trồng lúa sẽ thu được bao nhiêu cho một vụ? Với sản lượng cao, khoảng 7 tấn/ha, mỗi vụ người nông dân ấy thu về 3.479 USD. Một năm 3 vụ, doanh thu sẽ là 10.437 USD, xấp xỉ 240 triệu đồng. Bình quân, thu nhập 1 tháng sẽ là 20 triệu đồng. Nếu trừ đi chi phí giống, phân bón, công cán…, họ sẽ còn lại được bao nhiêu?
Ảnh: L.G.
Mà đấy là lấy giá gạo xuất khẩu để tính toán. Thực tế, giá bán gạo của nông dân thấp hơn nhiều. Với 1 ha canh tác, thực sự mỗi hộ nông dân có kiếm nổi 10 triệu đồng mỗi tháng hay không? Và với con số 10 triệu đồng kia, một tá điền ở tuổi vàng lao động hoàn toàn có thể kiếm được hằng tháng khi đi làm những ngành nghề khác ở các đô thị lớn.
Các so sánh kia chỉ để dẫn dụ đến một điểm khác mà chúng ta nên nhắc tới. Đó là sản lượng xuất gạo có nên là một ám ảnh thành tích hay không khi mà nó không thực sự mang lại sự thịnh vượng cho nhà nông và bối cảnh thế giới đang thay đổi cách tiếp cận làm nghề nông rất mạnh mẽ?
Tổng sản lượng xuất khẩu gạo năm 2019 của Việt Nam khoảng 6,3 triệu tấn và mang lại nguồn thu 2,76 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam đạt 516, 96 tỷ USD. Như vậy, doanh thu xuất khẩu gạo chỉ chiếm hơn 0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, dù chúng ta đang là “cường quốc gạo” của thế giới.
Câu chuyện này cũng tương tự với rất nhiều nông sản khác mà thôi, Thậm chí, các nông sản khác còn gian nan hơn gạo khi ngoài nguy cơ mất mùa, chúng còn phải đối diện với các biến động giá, sự cạnh tranh khốc liệt của các vùng cung cấp, sự chi phối của các nhà nhập khẩu quyền lực nước ngoài…
Một so sánh rất nhỏ nhưng đáng được đưa ra. Đó là năm 2019, du lịch Việt Nam có doanh thu khoảng 31 tỷ USD. Doanh thu của du lịch gấp hơn 11 lần doanh thu của xuất khẩu gạo. Và du lịch có còn dư địa để phát triển hay không? Chắc chắn còn. Trong khi đó, ngành gạo khó có thể có thêm dư địa phát triển để tăng sản lượng. Hơn nữa, sản lượng có tăng đi nữa thì chưa chắc nó đảm bảo cho lượng xuất khẩu tăng hoặc doanh thu xuất khẩu gạo tăng.
Một ví dụ khác là cafe xuất khẩu. Giá cafe xuất khẩu tháng 8 là 1.791 USD/ tấn. Cả năm 2019, Việt Nam xuất khoảng 1,6 triệu tấn cafe. Tính sơ sơ, giá cafe xuất khẩu của Việt Nam khoảng 1,79 USD/ kg. Bây giờ, tôi muốn làm một so sánh khác, để chúng ta cùng dựa vào nó đi đến những kết luận cuối cùng.
Đạt, một nghệ sĩ có đam mê cafe, đã quyết định đầu tư một rẫy cafe nhỏ, khoảng 1 ha, được vài năm nay. Ban đầu, Đạt đến với quyết định này vì anh mở một chuỗi cafe nhỏ ở TP Hồ Chí Minh và khá đông khách. Anh quyết định đầu tư trồng cafe sạch, trước tiên để phục vụ các quán có chủ đề cafe tự rang, xay của mình. Quyết định ấy dẫn anh đến một con đường cafe khác hẳn, với những viễn cảnh khác hẳn.
Bây giờ, Đạt đang có sản lượng cao nhất khoảng 2 tấn/ha. Nhưng, nếu làm kỹ hẳn, sạch hẳn để ra sản phẩm đúng uy tín mà chuỗi cafe anh đang xây dựng, sản lượng sẽ còn chỉ khoảng 1,4 tấn/ha. Đây là một sản lượng cực thấp so với những nông hộ đang trồng cafe phục vụ xuất khẩu hiện nay, với con số trung bình khoảng 4-5 tấn/ha. Nhưng, giá bán của Đạt rất cao, vì nhờ vào cái đảm bảo “sạch” của sản phẩm. Cafe nhân xanh, Đạt đang bán được 80 ngàn đồng/kg. Nếu so với giá xuất khẩu 1,79 USD/kg ở trên, chúng ta thấy chênh lệch rất rõ. Và Đạt chia sẻ thêm “Nếu em mang đi dự thi quốc tế và có giải thưởng, em hoàn toàn có thể bán được 350 ngàn/kg”.
Mà đó là cafe nhân xanh. Còn cafe thành phẩm, tức là Đạt đã rang và đóng bao bì rất đẹp với thương hiệu mà anh đã đăng ký, đang được bán với giá dao động từ 240 ngàn cho tới 500 ngàn/kg tùy theo từng chủng loại. Điều đáng mừng cho Đạt là cafe của anh bán khá chạy. Một số chủng loại có thời điểm còn cháy hàng.
Cái chênh lệch từ vài USD/kg (nhân xanh) cho tới hàng chục USD/kg (thành phẩm) giữa giá cafe xuất khẩu với cafe của Đạt nằm ở đâu? Cơ bản, nó nằm ở tư duy canh tác. Để có được thành quả nho nhỏ hôm nay, Đạt xây dựng một trang trại cafe hữu cơ, canh tác thân thiện với thiên nhiên, chủ trương theo hướng vừa trồng vừa cải tạo đất, không sử dụng phân bón vô cơ và không chú trọng vào sản lượng.
Nông nghiệp gần gũi môi trường, nông nghiệp vừa trồng vừa tái tạo dưỡng chất trong đất đang là xu hướng toàn cầu hôm nay. Nhiều nông hộ ở Mỹ thậm chí đã từ chối lối canh tác cũ, nhận trợ cấp nông nghiệp của chính phủ để theo đuổi nông nghiệp “xanh thuần túy”. Ở Việt Nam, cũng đã có rất nhiều người mua trang trại nhỏ ở nông thôn để thực hiện nông nghiệp xanh kiểu này. Nhưng họ không phải nông dân. Họ làm trang trại để tự cung tự cấp là chính. Nếu có bán ra cũng chỉ là nhỏ lẻ, vụn vặt, cho vui là chủ yếu.
Thực trạng đất nông nghiệp Việt Nam ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa, do xây dựng cở sở vật chất hạ tầng, do xây dựng khu công nghiệp là có thật. Qũy đất cho nông nghiệp ngày càng nhỏ lại mà đất đai thì ngày càng bạc màu đi vì lối canh tác sử dụng các can thiệp vô cơ. Chính vì các can thiệp vô cơ và cày xới này, đất mất nhiều vi sinh vật, khả năng hấp thụ carbon dioxide của đất cũng kém dần. Điều đó dẫn tới sản lượng luôn giảm sau 1-2 vụ. Sản lượng giảm, nông dân lại dùng phân vô cơ để kích thích. Càng kích thích, tốc độ bạc màu lại càng nhanh hơn. Cái vòng luẩn quẩn đó chẳng khác gì cái nghèo luẩn quẩn của nông dân Việt hôm nay.
Trở lại với du lịch, chúng ta hãy nhìn nhận du lịch không chỉ là nghỉ dưỡng, với núi và biển, thứ chúng ta vẫn nghĩ nó mang lại sức hút cho khách nước ngoài. Sức hút của du lịch là văn hóa. Văn hóa nằm ở chính những ruộng đồng xanh, sạch thực sự, với lối canh tác cổ điển gần gũi với tự nhiên của văn minh lúa nước, khác hẳn với các quốc gia khác. Văn hóa cũng nằm ở chính các làng nghề, ở các sản phẩm du lịch được tạo ra định hướng đúng nhu cầu trở về với thiên nhiên của du khách. Ví dụ như các tour du lịch “ở cùng nông dân, làm cùng nông dân” mà đây đó mới manh nha tổ chức chẳng hạn. Sức hút từ văn hóa bền và trường tồn hơn, đặc sắc hơn những sức hút từ danh thắng. Nếu phát triển du lịch theo lối này, người nông dân hoàn toàn có thể sống khỏe bằng nghề nông khi chính các thửa ruộng hoàn toàn hữu cơ, gần gũi với môi trường của họ có thể mang lại 2 thứ. Đầu tiên là không khí, môi trường trong sạch, có thể giúp thương hiệu du lịch Việt phát triển hơn. Thứ hai là các nông sản hữu cơ, sạch và chất lượng để phục vụ du khách với giá cao thay vì thứ nông sản nhàng nhàng phục vụ xuất khẩu với giá bèo bọt.
Cải tạo cách làm nông nghiệp mang lại vô vàn lợi ích cho Việt Nam ở hiện tại và tương lai lâu dài. Nhưng, để làm được điều đó, người nông dân không phải lực lượng chủ đạo. Nông dân chỉ lo cái bụng đừng đói, cái thân không rét, con cái không mù chữ đã đủ quay cuồng rồi. Làm nông nghiệp sạch kiểu mới là chuyện quốc gia đại sự và nông dân không dám lạm bàn quốc gia đại sự.
Những người như Đạt kể trên đều là trí thức thành phố về nông thôn làm nông. Cái họ có là có kiến thức, nền tảng kinh tế… để làm thứ họ nhận thấy là tiến bộ. Nông dân không có các điều kiện ấy. Và các Bộ, ngành, hiệp hội phải là những người đứng trên tuyến đầu để mang lại những thứ như vậy cho người làm nông. Có vậy mới mong cứu được nghề nông và tạo một vị thế nông nghiệp Việt Nam trên toàn cầu.
Nếu ngành ngân hàng có hỗ trợ cho nông dân chuyển hướng canh tác theo lối thân thiện môi trường; nếu ngành công thương làm tốt nhiệm vụ xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu phổ quát của vùng sản xuất để giúp nông dân có chỗ dựa thương hiệu; nếu ngành nông nghiệp tham gia xuất sắc và bền chặt với nông dân trong việc cải tạo lại đường lối canh tác; nếu ngành du lịch biết tận dụng nguồn lợi từ nông dân làm nông nghiệp sạch; nếu Hiệp hội Nông dân biết bỏ qua niềm vui nhỏ của xuất khẩu gạo để chinh phục niềm vui vĩ đại hơn là tạo dựng một quốc gia xanh và sạch… ngần ấy cái nếu đồng hành với nhau, lo gì chuyện nông dân không thể làm giàu.
Nhưng, chúng ta có cùng nghĩ, cùng làm vì một hướng, một đích hay không? Trong khi đó, cứ vài năm lại một cơn lũ lịch sử như cơn lũ vừa rồi, cuốn phăng tất cả và chỉ để lại đúng một thứ: cái bản đồ ngày càng lắm đất trống, ngày càng vơi màu xanh.
(Hà Quang Minh)