EU nỗ lực hạn chế người nhập cư trái phép

Vấn đề người nhập cư trái phép đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo EU Vấn đề người nhập cư trái phép đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo EU

Theo thông tin từ Frontex, cơ quan kiểm soát biên giới của EU, trong năm vừa qua, 330.000 người đã nhập cư trái phép vào EU, mức cao nhất kể từ năm 2016, trong đó những người đến từ tuyến đường Tây Balkan gia tăng mạnh nhất. Trong bối cảnh này, hôm 26/1 vừa qua, các bộ trưởng phụ trách vấn đề di cư của EU đã phải nhóm họp để lên kế hoạch nhằm hạn chế người nhập cư bất hợp pháp, đồng thời đẩy mạnh việc hồi hương những người nhập cư không có thị thực. Ủy viên EU về Nội vụ Ylva Johansson nhấn mạnh mặc dù đang có sự gia tăng mạnh số lượng người nhập cư bất hợp pháp, nhưng tỷ lệ hồi hương những người không có quyền tị nạn ở châu Âu hiện ở mức rất thấp, chỉ khoảng 1/5. Thiếu nguồn lực và phối hợp nội khối là một nguyên nhân dẫn đến thực tế này, nhưng theo bà Johansson, “EU có thể đạt được tiến bộ đáng kể ở điểm này”.

Cuộc đàm phán cấp bộ trưởng phụ trách di trú diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU và theo bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị sẽ diễn ra ngày 9-10/2, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ tìm kiếm nhiều lợi ích hơn trong vấn đề người di cư.

Đứng trước vấn đề này, Đan Mạch, Hà Lan và Latvia nằm trong số các nước kêu gọi gia tăng áp lực thông qua chính sách thị thực và viện trợ phát triển đối với khoảng 20 quốc gia, bao gồm Iraq và Senegal, mà EU cho là đã không hợp tác trong việc nhận lại những công dân không có quyền ở lại châu Âu của họ. Đan Mạch đã tiến hành các cuộc đàm phán với Rwanda về việc xử lý đơn của những người xin tị nạn ở Đông Phi. Trong khi đó, những nước EU khác đang kêu gọi tài trợ cho việc xây dựng hàng rào biên giới giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn dòng người tị nạn.

Tuy vậy, cho đến nay, cả hai ý tưởng gồm xây dựng các cơ sở xử lý người tị nạn và xây dựng hàng rào ngăn cách biên giới của EU với bên ngoài vẫn bị coi là điều cấm kỵ. Trong báo cáo ngày 26/1, Hội đồng Tị nạn Đan Mạch, một tổ chức phi Chính phủ, cho rằng việc đẩy lùi có hệ thống nhằm vào những người bên ngoài biên giới EU là vi phạm quyền xin tị nạn của họ.

Trong khi phần lớn các nước EU phản đối tiếp nhận người nhập cư bất hợp pháp, chủ yếu là người Hồi giáo từ Trung Đông và Bắc Phi, Đức đang mở cửa thị trường lao động cho những người di cư. Phát biểu tại Stockholm, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn ký kết các thỏa thuận di cư với các quốc gia, đặc biệt là với các quốc gia Bắc Phi, qua đó cho phép một con đường hợp pháp đến Đức, nhưng cũng bao gồm các hoạt động hồi hương”.

Trước đó, vào năm ngoái, chính phủ Anh đã ký một thỏa thuận với Rwanda để đưa người xin tị nạn tới Anh bằng đường biển sang quốc gia châu Phi để chờ xét duyệt. Tuy nhiên, cho đến nay, Anh vẫn chưa triển khai được kế hoạch do các vụ kiện liên quan cản trở việc thực hiện các chuyến bay đưa người xin tị nạn từ Anh sang Rwanda.