e-News – Khởi nghiệp trong sinh viên, những thời cơ – thách thức

Thời gian gần đây, cụm từ khởi nghiệp – startup được nhắc đến khá thường xuyên và đang nhận được sự quan tâm rất nhiều của sinh viên trên giảng đường đại học. Đã có rất nhiều sinh viên thử sức mình với những vai trò như là chủ cửa hàng quần áo, phụ kiện thời trang hoặc kinh doanh các mặt hàng handmade,…Vậy trước tiên chúng ta nên hiểu cụm từ “Khởi nghiệp – Startup” là như thế nào?

Thực trạng khởi nghiệp trong sinh viên hiện nay

Khởi nghiệp là bạn tự mình vận hành một công việc kinh doanh riêng, tự mình trả lương cho chính mình và cho người khác chứ không phải nhận lương hàng tháng từ một người chủ nào đó. Hay nói cách khác “Khởi nghiệp là bạn tự mở cho mình một cơ sở kinh doanh có thể là một cửa hàng, trang trại trồng cây, chăn nuôi, hoặc một xưởng sản xuất”, tức là bạn cung cấp và phát triển một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, mua bán lại một sản phẩm bất kỳ theo sở thích hoặc ý muốn của bạn mà không phải nghe theo mệnh lệnh của bất cứ ai. Và sản phẩm, dịch vụ của bạn phải có khả năng thương mại hoá tức là có khả năng sinh lời.

Nói về cụm từ “Startup” thì sao? Startup phải bảo đảm được hai yếu tố là “start” và “up”. “Start” có nghĩa là bạn bắt đầu với một ý tưởng mới, sáng tạo và đổi mới hoặc nếu ý tưởng đó không mới thì cách làm phải đột phá. Còn “up” nghĩa là ý tưởng đó phải có khả năng được triển khai trong thực tế, có khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng, đồng thời phải có khả năng mở rộng được để “up” trong thời gian càng nhanh càng tốt.

Hiện nay, việc khởi nghiệp trong sinh viên đã được Chính phủ và Trung ương Đoàn nước ta quan tâm và hỗ trợ tận tình cho các sinh viên có ý định khởi nghiệp. Điển hình là Trung ương Đoàn đã phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021 và đã có những hỗ trợ thiết thực để thanh niên, sinh viên khởi nghiệp. Ngay tại trường Đại học An Giang, chúng ta cũng đã có những hội thảo về khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tiếp cận và nhận thức về khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khách quan sự nhận thức và quan tâm về vấn đề “khởi nghiệp” ở các bạn sinh viên còn ở mức độ chưa tích cực; vậy vấn đề đặt ra ở đây là “lý do tại sao các bạn sinh viên chưa thực sự quan tâm về khởi nghiệp?”. Theo các chuyên gia, trước vấn đề khởi nghiệp sinh viên thường sợ thất bại, nảy sinh tâm lý an phận và muốn tìm kiếm công việc với mức lương phù hợp thay vì khởi nghiệp. Nhiều sinh viên còn thiếu tự tin, tâm lý e ngại, nhất là với những cái mới. Bên cạnh đó, tại các trường các hoạt động về khởi nghiệp chưa nhiều, hình thức chưa lôi cuốn, kích thích sự tò mò và khám phá của sinh viên.

Thời cơ và thách thức trong khởi nghiệp

Với sự phát triển của xã hội ngày nay và sự quan tâm từ Chính phủ cũng như Trung Ương Đoàn đã tạo ra không ít những cơ hội cho sinh viên, tuy nhiên nó cũng gây ra không ít những thách thức mà sinh viên cần phải đối mặt và vượt qua.

Có người nói rằng “Sinh viên là thời điểm bản lề để khai thác tốt nhất và tối đa mọi nguồn lực đổi mới và sáng tạo”. Bởi lẽ, sinh viên có lợi thế là sức trẻ, không ngại khó và sẵn sàng “làm lại” nếu có thất bại. Sinh viên không bị áp lực về gánh nặng gia đình hoặc tài chính nên dễ dàng chấp nhận rủi ro. Nếu dự án kinh doanh của bạn thành công, nó sẽ mang lại không những về mặt vật chất mà nó còn chứng minh được năng lực và sự nhạy bén của bản thân. Trường hợp bạn thất bại, bạn sẽ nhanh chóng quay trở lại với cuộc sống thường ngày của mình. Quan trọng hơn cả, khi thất bại là bạn nhận được bài học quý về cách quản lý, kinh doanh, đây cũng là một điểm “sáng” trong hồ sơ ứng tuyển với các nhà tuyển dụng của bạn.

Bên cạnh đó trường học là nơi cung cấp kiến thức nền tảng, sinh viên liên tục được giảng viên trau dồi kiến thức là cơ sở lý thuyết vững chắc để sinh viên dễ dàng lập ra kế hoạch cụ thể cho các dự án khởi nghiệp của mình. Ngoài ra, trường học là nơi sản sinh ý tưởng kinh doanh và thúc đẩy sự sáng tạo, tiền đề cho các dự án khởi nghiệp. Có rất nhiều mô hình kinh doanh được nảy sinh từ nhu cầu học tập, cá nhân của sinh viên hoặc phục vụ cộng đồng xã hội. Trường học thực sự là môi trường tốt sẽ giúp ích cho rất nhiều bạn sinh viên. TheoPhó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội cho rằng “Trường Đại học là cái nôi và là nơi tạo đà để các sinh viên khởi nghiệp tốt nhất. Sự đồng hành của các thầy cô giáo và các bạn sinh viên đồng chí hướng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em biến những ý tưởng ban đầu thành những dự án khởi nghiệp khả thi”.

Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn

Nếu bạn cần một đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động với giá rẻ thì các bạn có thể dễ dàng tìm được từ bạn bè, những người bạn đồng hành sẵn sàng hỗ trợ khi bạn cần. Vì chúng ta biết đấy, thật sự bạn khó có thể tìm ra đội ngũ nhân viên nhiệt tình, năng động và có sẵn kiến thức với giá rẻ hơn giá thị trường rất nhiều. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang chúng ta cũng đã có phát động các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên”, giúp cho nhiều thanh niên sinh viên có thể thỏa sức đam mê với những ý tưởng khởi nghiệp mà mình đã ấp ủ. Từ những cuộc thi thực tế như thế, nó sẽ giúp ta tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm để tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp khởi nghiệp.

 

Tuy nhiên, để có thể khởi nghiệp, sinh viên cũng mắc không ít những khó khăn khi đang ở độ tuổi còn ở giảng đường đại học. Thứ nhất, để khởi nghiệp thì việc tìm cho mình một ý tưởng là hết sức quan trọng, bên cạnh đó sinh viên còn phải biết đánh giá được tính khả thi của ý tưởng để có thể bắt đầu thực hiện. Bởi vì chúng ta còn là sinh viên, những người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thì để đưa ra một ý tưởng đã khó mà còn phải đánh giá được tính khả thi của ý tưởng thì quả thật là cả một vấn đề. Thứ hai, chúng ta là những người trẻ, là những người đầy nhiệt huyết nhưng nhiệt huyết không là yếu tố tất yếu để quyết định bạn thành công khi mà bạn không có nguồn vốn cũng không có nguồn vốn hỗ trợ thích hợp. Có thể ý tưởng của bạn rất hay và độc đáo thậm chí có tính khả thi rất cao nhưng lại không có nguồn vốn thực hiện. Vì thế, bạn cần phải cố gắng được tìm được nguồn vốn phù hợp từ gia đình, bạn bè, người thân hoặc bạn có thể hợp tác cùng người khác để khởi nghiệp… Thứ ba, “kinh nghiệm” cũng là một yếu tố quan trọng mà chúng ta cần nhắc đến. Ngay cả những người đã thành công, họ sẽ vẫn không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Cho nên, chúng ta hãy cố gắng tích lũy kinh nghiệm trước khi bắt đầu làm, kinh nghiệm đó bạn có thể học hỏi từ những người đi trước, những người đã thành công. Đó sẽ là một bước đệm tinh thần, giúp bạn tránh và giảm bớt đi những rủi ro. Tuy nhiên, chúng ta là sinh viên là những bạn trẻ thì chắc hẳn chưa bao giờ khởi nghiệp thì sẽ chưa có kinh nghiệm nhưng kinh nghiệm ở đây tôi muốn nói đó là bạn có thể rút ra từ những câu chuyện khởi nghiệp của những người đi trước.

Đề xuất các giải pháp

Để khắc phục, thu hút và tạo cơ sở cho các bạn sinh viên trên hành trang khởi nghiệp thì việc tìm ra giải pháp là hết sức cần thiết. Đầu tiên đối với sinh viên, chúng ta hãy trau dồi, học hỏi thêm những kiến thức từ thầy cô truyền đạt, từ kinh nghiệm trong cuộc sống, từ những người đi trước và hãy biến thất bại của người đi trước thành thành công của mình. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị cho mình các kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian và công việc, khả năng thuyết phục và lãnh đạo… Những kỹ năng này sinh viên có thể rèn luyện cho mình từ trong học tập và tham gia các phong trào do Đoàn – Hội phát động để giúp mình rèn luyện được nhiều kỹ năng cần thiết. Việc vận dụng các kiến thức chuyên môn vào thực tiễn sẽ tạo cho sinh viên nắm bắt và hiểu rõ hơn những gì được thầy cô truyền đạt, từ đó nó sẽ là một bước đệm về kiến thức cho sinh viên.

Nhà trường và tổ chức Đoàn – Hội cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của sinh viên đối với hoạt động khởi nghiệp, chú trọng truyền thông trên các kênh mà sinh viên hay tiếp cận và tương tác, trong đó có cả mạng xã hội. Ngoài ra, cũng cần triển khai nhiều hơn các hoạt động về khởi nghiệp liên quan đến các ngành đang đào tạo, cách làm cần đa dạng về hình thức và hấp dẫn về nội dung, có thể tổ chức các buổi giao lưu với doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực khởi nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm của các bạn sinh viên.

Cuối cùng, tôi có một vài điều muốn nhắn gửi đến chính bản thân tôi cũng như các bạn sinh viên đã, đang và sẽ có ý tưởng kinh doanh rằng các bạn hãy cứ mạnh dạn bắt tay vào việc khởi nghiệp, bắt tay vào việc thực hiện ước mơ của mình giống như một câu nói của shark Lê Đăng Khoa “Muốn khởi nghiệp, hãy cứ dấn thân, hãy cứ đam mê và hãy cứ liều một cách có tính toán”.

Huỳnh Kim Thùy – DH16NH