e-News – Chuyến đi học tập thực tế miền Trung của lớp DH16SU

Với mục đích giúp cho sinh viên có những trải nghiệm thực tiễn về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của đất nước, đầu tháng 4 vừa qua, Bộ môn Lịch sử – Khoa Sư phạm đã tổ chức cho tập thể lớp DH16SU chuyến tham quan, học tập thực tế tại các tỉnh dọc miền Trung

Trong chuyến học tập, đoàn thực tế được tham quan, tìm hiểu, nghe thuyết trình tại các di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên của 6 tỉnh miền Trung: Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Ở Khánh Hòa, các bạn sinh viên được tìm hiểu về nét kiến trúc độc đáo và cổ kính của Tháp Bà Po Nagar. Đây là một trong những công trình tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật điêu khắc tháp của người Champa cổ. Ngôi đền tháp nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ bên cạnh dòng sông Cái của thành phố Nha Trang, góp phần tạo nên vẻ đẹp huyền ảo trong nghệ thuật kiến trúc và văn hóa của vùng đất Khánh Hòa. Sinh viên không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tháp mà còn học tập được lịch sử, truyền thuyết và dấu ấn văn hóa Hindu giáo ẩn chứa trong ngôi đền. Đoàn thực tế cũng được thăm viếng chùa Long Sơn – Nha Trang, là ngôi chùa nổi tiếng nhất của tỉnh Khánh Hòa. Chùa có khuôn viên rộng, thoát mát, đặc biệt có tượng “Kim Thân Phật tổ” (còn gọi là tượng Phật trắng) ngồi thuyết pháp, cao 24 m, phía dưới tượng là đài sen. Xung quanh đài sen là chân dung bảy vị hòa thượng đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm vào năm 1963.

Đến với Quảng Nam, đoàn thực tế được tham quan học tập tại Khu di tích văn hóa Mỹ Sơn mà nhiều người vẫn quen gọi là Thánh địa Mỹ Sơn. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Champa (Chăm hay Chiêm Thành) cũng như là lăng mộ của các vị vua Champa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Thánh địa là một công trình cổ vô cùng quý giá. Chất liệu gạch của di tích tuy đã trải qua hàng trăm năm nhưng đa số vẫn còn nguyên vẹn, giá trị của từng viên gạch được thể hiện qua câu nói vừa thú vị vừa đúng của người hướng dẫn: “Các bạn lấy một thỏi vàng đổi một viên gạch ở đây, xin thưa chúng tôi sẽ không đổi”. Những họa tiết trang trí trên thân tháp, các hình nổi chạm trổ điêu luyện bên trong tháp thể hiện được sự tài ba của các nghệ nhân Champa xưa. Vô số bức tượng đá thờ sinh thực khí nữ (Yoni) và nam (Linga), tượng thần Shiva… phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa bản địa của người Champa và tiếp thu tinh hoa văn hóa của người Ấn.

Tiếp tục hành trình, Đoàn thực tế đến Đà Nẵng và tham quan, học tập tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Đây là bảo tàng do người Pháp xây dựng, chuyên sưu tập, cất giữ và trưng bày các di vật về nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Champa tìm thấy ở các tháp. Sau đó, người Việt đã gìn giữ và phát huy bằng cách khai quật và trưng bày thêm nhiều hiện vật. Hiện nay, tổng số hiện vật trưng bày tại bảo tàng lên tới hơn 500 món và được phân chia theo các gian phòng tương ứng với các khu vực địa lý nơi chúng được phát hiện gồm phòng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định. Có thể khẳng định bào tàng này là nơi lưu giữ hiện vật quy mô nhất của nền văn hóa Champa tại Việt Nam.

Tập thể lớp DH16SU vui tươi khởi hành chuyến thực tế

Một góc Khu di tích Mỹ Sơn

Điệu múa cổ truyền độc đáo, uyển chuyển của người Chăm tại di tích Tháp Bà Po Nagar

Tập thể DH16SU chụp ảnh lưu niệm tại Tháp bà Ponagar – Nha Trang

Điểm đến đặc biệt hơn cả trong chuyến đi lần này là Thừa Thiên – Huế. Tại đây, các bạn sinh viên được tìm hiểu về nét cổ kính của nghệ thuật kiến trúc cung đình thông qua các di tích: Cố đô Huế, các lăng vua Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, chùa Thiên Mụ. Chúng tôi được học tập khái quát về sự hình thành, phát triển và suy vong của vương triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Tham quan và nghe thuyết trình tại Kinh thành Huế để thấy được cách bố trí phòng vệ hoàng cung thời phong kiến, vào Thế Miếu để biết được sơ nét về cuộc đời và những nốt thăng trầm của 13 vị vua Nguyễn, vào điện Thái Hòa để thấy được quyền uy to lớn của mỗi vị vua Nguyễn thông qua hiện vật là “chiếc ngai vàng” – bảo vật quý thời phong kiến mà ai cũng muốn có nó. Đồng thời, chúng tôi cũng hiểu rành mạch hơn về “thuật phong thủy” và kiến trúc tuyệt đẹp của các lăng vua. Trước khi mất, mỗi vị vua phải chọn cho mình những nơi an nghỉ thích hợp, nơi đó là địa điểm “long mạch” và lăng các vua Nguyễn thường nằm trên những nơi đất cao có thể nhìn thấy rừng núi hùng vĩ và sông Hương thơ mộng. Đến với nghệ thuật lăng tẩm Huế, khách tham quan sẽ thấy được sự thâm nghiêm của lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng) hay đó là nét thơ mộng của lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) hoặc cũng có thể là sự tinh xảo của lăng Khải Định (Ứng Lăng) với sự kết hợp kiến trúc Đông – Tây.

Các sinh viên nghe thuyết trình tại Cố đô Huế

Tập thể DH16SU chụp ảnh lưu niệm tại Cố đô Huế

Đoàn thực tế trước Chùa Thiên Mụ – Huế

Dừng chân tại Quảng Trị, chúng tôi được học tập ở chứng tích cầu Hiền Lương – sông Bến Hải. Với sự hướng dẫn của người thuyết trình, các bạn sinh viên càng hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử ký kết Hiệp định Gieneve chia cắt hai miền Nam – Bắc Việt Nam và ý chí của toàn dân trong việc đánh giặc nối liền đôi bờ Bến Hải. Đoàn thực tế được sống lại với lịch sử đấu tranh hào hùng của quân và dân ta, thấu hiểu những khó khăn và hy sinh của thế hệ tiền nhân đã dày công bảo vệ và gìn giữ đất nước, đặc biệt là đồng bào hai bên bờ Hiền Lương của mảnh đất Quảng Trị anh hùng.

Trong chuyến đi, tập thể DH16SU cũng được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp thiên nhiên của mảnh đất miền Trung với bờ biển dài, gió mát, cát trắng, sóng vỗ điệp trùng; được hòa mình vào sự thơ mộng của vùng đất Huế, sự cổ kính của Hội An, sự huyền dịu của mảnh đất Quảng Bình (điểm đến là Phong Nha – Kẻ Bàng) với các hang động đẹp lung linh mê hoặc du khách thập phương và được thưởng thức các món ăn đặc sản của xứ Huế, vùng Ngũ Quảng (cao lầu, mì Quảng, bún bò Huế…).

Tượng đài Khát vọng thống nhất (ở bờ Nam sông Bến Hải)

Qua chuyến đi, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ của các bạn sinh viên trong tập thể được phát huy. Chuyến học tập thực tế tại miền Trung giúp sinh viên kiểm chứng lại kiến thức lịch sử đã học trên giảng đường và có cái nhìn sâu sắc hơn về tình người và tình đất, lịch sử và văn hóa của nhân dân miền Trung. Những vết tích của vương quốc Champa, những biểu tượng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn cùng “nhân chứng sống” cho chiến tranh chống giặc ngoại xâm – cầu Hiền Lương, giúp tập thể lớp bổ sung kiến thức cho các học phần lịch sử Việt Nam cổ, trung, cận và hiện đại. Đồng thời, các bạn sinh viên cũng quý trọng hơn những giá trị vật chất và tinh thần mà ông cha ta đã cố công tạo lập.

Đây thực sự là một kỷ niệm khó phai của sinh viên trong quá trình học tập tại mái trường đại học. Sau chuyến đi, lớp sẽ hoàn thành báo cáo thu hoạch về một mảng kiến thức đối với con người và lịch sử miền Trung.

Kim Hồng – DH16SU