e-News – Bài Học Về Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Những ngày này, toàn thể CB- GV- CNV trường ta đang tiến hành viết bài thu hoạch về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Enews xin giới thiệu bài viết dưới đây về vấn đề “quan điểm cần, kiệm, liêm, chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta”.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn của nhân loại; Người là hiện thân cao đẹp của giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam. Từ Hồ Chí Minh, nền đạo đức Việt Nam đã mang bản chất mới và đã được chính người gọi tên cho nó, đó là đạo đức mới, đạo đức Cách mạng.

          Để có thể nhìn nhận vấn đề một cách có hệ thống, chúng ta hãy đến với những lời giáo huấn của Người. Ngay từ khi Đảng Cộng sản vẫn còn đang phôi thai, năm 1927, khi viết tác phẩm Đường Kách mệnh, Bác Hồ – lúc bấy giờ là Nguyễn Ái Quốc đã mở đầu bằng một bài nói về “Tư cách một người cách mệnh“. Điều đó chứng minh rằng, ngay từ khi dấn thân vào con đường cứu nước, con đường cách mạng cao cả, Bác đã nhận thức sâu sắc quan điểm “Cái đức là gốc của người Cách mạng”. Và từ đó cho đến khi Người ra đi về với Tổ tiên, trong suốt cuộc đời tận tuỵ phục vụ cho dân cho nước của Người, quan điểm đó ngày càng được quán triệt sâu sắc. Bác không chỉ là một mẫu mực trong sáng về một con người có phẩm chất đạo đức cách mạng tuyệt vời mà Người còn ý thức một cách sâu sắc rằng Đảng Cộng sản Việt Nam phải là một Đảng trong sạch và kiên định. Điều đó không thể tách rời khỏi yêu cầu mỗi một Đảng viên phải luôn rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất đạo đức của mình, là tấm gương sáng về đạo đức cho quần chúng và nhân dân noi theo.

          Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của mình, ở chương 3, Hồ Chí Minh lại nghiêm túc đề cập đến “Tư cách và đạo đức Cách mạng”. Người cho rằng: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người Cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt sẽ ngày càng thêm” (trang 34 – Sđd).

          Những tính tốt mà Bác đề cập đến ở trên cũng đồng thời chính là quan điểm cần, kiệm, liêm, chính của Người mà trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hôm nay, vấn đề đó luôn nóng hổi tính thời sự, không bao giờ xưa cũ.

          Tuy nhiên, trước khi phân tích sự cần thiết của quan điểm nêu trên trong công cuộc đổi mới của đất nước hôm nay, chúng ta một lần nữa hãy ôn lại những quan điểm đầy tâm huyết của Bác về đạo đức Cách mạng. Phải thừa nhận một điều rằng, đôi mắt xanh của một con người vĩ đại như Bác đã nhìn thấu suốt hiện tại quá khứ tương lai. Với Bác, vấn đề đạo đức cách mạng như sự sống, như hơi thở của Đảng ta. Nếu không biết gìn giữ điều đó như gìn giữ con ngươi trong mắt của mình thì một mặt Đảng sẽ dần mất niềm tin trong lòng quần chúng, mặt khác, đất nước sẽ suy yếu, sẽ mãi chìm trong nghèo nàn lạc hậu. Và điều đó quả thật là đáng sợ.

          Quan điểm của người, xét cho cùng có một cội nguồn sâu xa từ những quan điểm truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta, lại có những tinh hoa đạo đức của nhân loại. Và điều quan trọng là Người còn đưa vào đó những nội dung mới, có khi hoàn toàn mới, bổ sung những khái niệm, những phạm trù đạo đức của thời đại mới. Chính vì thế mà những điều Bác quan niệm, Bác đúc kết, Bác phát biểu, bác giáo huấn luôn luôn gần gũi, dễ hiểu đối với nhân dân đối với mọi người. Theo cách diễn đạt bình dị của Người, đạo đức như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, sức mạnh của con người, sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Từ cuộc sống thực của nhân dân, cuộc đời thực của con người Việt Nam, từ sự từng trải sâu sắc và tu dưỡng của chính mình, từ niềm tin lớn lao vào khát vọng và sức vươn lên cái chân, cái thiện, cái mỹ của con người, Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp các phẩm chất đạo đức cho con người Việt Nam – trở thành những chuẩn mực chung của nền đạo đức cách mạng Việt Nam.

          Trong số các chuẩn mực ấy, phẩm chất CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH được Hồ Chí Minh đề cập nhiều nhất, thường xuyên nhất như là một chuẩn mực quan trọng nhất, cần thiết nhất trong việc rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên. Phẩm chất này gắn với hoạt động thực tiễn, được thể hiện cụ thể, hàng ngày của mỗi con người, là cái nhìn thấy được của đạo đức, không thể che giấu, gắn chặt giữa lời nói và việc làm, giữa suy nghĩ và hành động… Hồ Chí Minh đã sử dụng những khái niệm truyền thống của đạo đức phương Đông, giữ lại những gì tốt đẹp, phù hợp, lọc bỏ những gì lạc hậu, lỗi thời và đưa vào những nội dung mới của thời đại mới.

          Cần tức là lao động cần cù, siêng năng tự lực cánh sinh, có kế hoạch, sang tạo và có năng suất cao.

          Kiệm là tiết kiệm sức lao động, thì giờ tiền của của dân của nước, của bản than, tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn, không phô trương, hình thức, xa xỉ, hoang phí…

          Liêm là luôn luôn tôn trọng của công, của dân, liêm khiết trong mọi hoàn cảnh, không luyến địa vị, không tham tiền tài. Không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình.

          Chính “nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn” đối với mình, đối với người, đối với việc. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh.

          Theo Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính tốt sẽ dẫn tới chí công vô tư (Tức là khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau), vì nước nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.

          Trong “Di chúc” của mình, Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng toàn dân ta một nhắn gửi cực kỳ sâu sắc về thời kỳ đất nước ta bước vào xây dựng và đổi mới sau khi giành được độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta lại bước vào một cuộc chiến đấu mới – một cuộc chiến đấu khổng lồ – với một đường lối đổi mới đúng đắn được kiểm nghiệm hơn mười mấy năm qua. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới, thách thức mới. Do tác động cực kỳ phức tạp, nhiều mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nên vấn đề đạo đức đang trở thành một trong những vấn đề bức xúc nhất của toàn đảng toàn dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, quyền lãnh đạo và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tác động tiêu cực đến toàn bộ đạo đức xã hội mà chúng ta đã dày công xây dựng từ nhiều thập kỷ qua. Hơn bao giờ, trong những lúc như lúc này, vấn đề cần, kiệm, liêm, chính phải được quán triệt và thực thi sâu sắc trong từng đảng viên. Đây không chỉ là yêu cầu bức thiết của đất nước trong thời kỳ đổi mới đối với từng đảng viên mà còn là sự thôi thúc tự bên trong tâm hồn, là ý thức trách nhiệm mà mỗi đảng viên chúng ta phải đối diện và phấn đấu từng giờ, từng phút để đạt được. Một mặt để đáp ứng mong mỏi đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu kính, mặt khác để xứng đáng là một thành viên của một cộng đồng dân tộc có truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp. Và điều quan trọng nữa là bản thân nêu cao chuẩn mực này còn để xây dựng một đất nước mạnh giàu, một xã hội công bằng văn minh, để có thể cùng với dân tộc ngẩng cao đầu với các cường quốc khác.

          Dựa trên cơ sở lý luận quan điểm đạo đức của Hồ Chí Minh kết hợp với thực tế đất nước hiện nay đang trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá, chúng ta một lần nữa kiểm nghiệm lại phẩm chất đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính để soi sáng thêm con đường phấn đấu cho lý tưởng cộng sản của bản thân .

          Trước hết, trong thời đại mới, CẦN cũng có những yêu cầu mới. Lao động cần cù, thông minh sáng tạo để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo cho mọi người đều được no ấm, hạnh phúc, vươn lên ngang tầm thời đại mới là nhiệm vụ cao cả của mỗi người Việt Nam yêu nước. Ngày nay đất nước ta đang trong quá trình đổi mới và phát triển, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của Cách mạng Việt Nam. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con đường tất yếu để đạt tới mục đích “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Tuy nhiên chúng ta thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiên đại hóa trong điều kiện đất nước cơ bản vẫn ở trong tình trạng chậm phát triển, khu vực nông nghiệp vẫn còn chiếm trên 70% lực lượng lao động xã hội, đây là một khó khăn lớn trên con đường phát triển. Thực hiện chính sách mở cửa, phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang đặt ra cho chúng ta những vận hội mới, thời cơ và thách thức mới. Lao động ngày nay là lao động có kỷ luật, có kỹ thuật và có năng suất cao dựa trên những thành tựu phát triển của khoa học và công nghệ. Tất cả những yếu tố trên sẽ không thể không có CẦN. Yêu cầu mỗi đảng viên, mỗi con người phải thật sự siêng năng, cần cù, chăm chỉ. Phải kiên quyết chống lại bệnh lười biếng, việc dễ thì tranh lấy cho mình, việc khó thì đùn đẩy cho người khác, gặp việc nguy hiểm thì tìm cách trốn tránh. Đặc biệt là chống bệnh lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới.

          KIỆM, ở một cái nhìn mang tính khái quát hơn trong tình hình mới là lối sống giản dị trong sáng dựa trên nền tảng đạo đức truyền thống của dân tộc, không lai căng, đua đòi vượt quá mức thu nhập cá nhân và mặt bằng chung của xã hội. Thực tế hiện nay trong lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên biến chất, đã đây đó xuất hiện lối sống xa hoa, phung phí từ những thu nhập bất chính có được qua sự lợi dụng quyền hạn và chức vụ của mình. Cần phải triệt tiêu biểu hiện này, nó hoàn toàn không phù hợp với lối sống giản dị, tiết kiệm, đúng mực của một đảng viên chân chính. Đồng thời cũng kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền và những nhu cầu thấp hèn về đạo đức, góp phần củng cố trở lại niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

          Trong sự nghiệp đổi mới, trước tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội, trước những chấn động to lớn của tình hình thế giới do chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đất nước vẫn đứng vững, kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng, phá thế bị “bao vây”, “cấm vận”, đời sống nhân dân mỗi ngày một cải thiện, đã và đang tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó nhân dân đặt niềm tin vào Đảng. Hơn bao giờ hết, phẩm chất LIÊM phải được chú trọng một cách cao nhất để khẳng định niềm tin của dân vào Đảng không hề suy suyễn. Thực tế, do một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc vào tệ quan liêu, tham nhũng, không giữ gìn sự thanh liêm, liêm khiết nên ít nhiều gây nên hiện tượng suy giảm lòng tin. Dù chỉ là những con sâu, nhưng cũng làm rầu nồi canh không ít. Bởi lẽ họ là số ít nhưng lại rơi vào trong số những người có chức có quyền nên tác hại gây ra không nhỏ. Trong một hoàn cảnh như vậy, Đảng ta dù đau lòng nhưng rất dũng cảm cắt bỏ những khối u ung nhọt ấy, mạnh dạn đối đầu và nghiêm trị những thành phần biến chất – đặc biệt là bọn quan tham nhũng nhiễu trên mồ hôi và nước mắt của nhân dân. Bọn chúng đã vô trách nhiệm trong công việc gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Những công trình của công bị rút ruột, những kho công quỹ Nhà nước bị thâm lạm. Đau xót biết chừng nào khi đó đều là những đồng tiền xương máu của nhân dân. Đảng ta đã nhân danh chữ LIÊM trong tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại để mạnh mẽ đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch hóa đội ngũ của Đảng, làm tấm gương sáng cho tất cả quần chúng nhân dân noi theo. Nạn tham nhũng là kết quả của quyền lực cộng với ham muốn cá nhân vị kỷ. Đảng ta đã sáng suốt nhận thấy rằng bên cạnh việc giao quyền thì phải xây dựng một cơ chế giám sát người có quyền trên cơ sở nâng cao tinh thần tự giác của đảng viên. Đảng rất coi trọng sự giám sát của nhân dân. Và tất cả mọi người đều sống trong sạch, liêm khiết, đất nước ta rồi sẽ giàu mạnh để sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện tha thiết của Bác Hồ.

          Cuối cùng, CHÍNH là “ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người khác phê bình mình, mà cũng đồng thời mạnh dạn thảng thắn và đúng đắn trong phê bình người khác” (Sửa đổi lối làm việc – Hồ Chí Minh – trang 35). Mỗi con người luôn phải giữ cái tâm trong sáng để soi đường dẫn lối cho bất cứ việc làm, suy nghĩ nào của mình. Trong thời kỳ mới, lợi ích quốc gia, dân tộc luôn luôn đặt lên trên hết thì “khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Ở đây là kẻ thù của một đất nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là sự dốt nát, nghèo nàn, lạc hậu, chính là sự trì trệ, bảo thủ, cố tình duy trì cái cũ kỹ để mưu cầu lợi ích cá nhân…Tất cả phải bị triệt tiêu, xóa bỏ tới tận cùng gốc rễ.

          “Sự nghiệp Cách mạng của chúng ta, cuộc sống của nhân dân ta đang đòi hỏi phải kiên quyết làm trong sạch Đảng và làm lành mạnh đời sống đạo đức xã hội. Làm được hai nhiệm vụ trên cũng chính là thực hiện trung thành với những khát vọng và di huấn đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, dân tộc ta. Trở về và thấu hiểu sâu hơn nữa cội nguồn Hồ Chí Minh, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta vững tâm kiên định đi tới trong cuộc đấu tranh vì một nền đạo đức Việt Nam ngang với tầm vóc của dân tộc và thời đại, thấm sâu những tư tưởng lớn của Người về đạo đức mới, đạo đức cách mạng”.

TRÌNH CHÂN

                                                                  

TRÌNH CHÂN