Đương đầu với

Đương đầu với “Quốc nạn thực phẩm bẩn” – Tăng nặng hình phạt, răn đe kịp thời

Cập nhật ngày: 15-08-2017

Suốt nhiều tháng qua, truyền thông cả nước rầm rộ lên án vấn đề “thực phẩm bẩn”, nhiều người dân sống trong nỗi ám ảnh “không biết ăn gì để sống?” đủ cho thấy mức độ nghiêm trọng mà “quốc nạn thực phẩm bẩn” đang đe dọa cuộc sống của người dân. Hệ quả trực tiếp của vấn nạn này trước hết tác động đến cuộc sống thường nhật của người dân và kéo theo đó là hệ lụy của nhiều vấn đề xã hội phức tạp như năng lực quản lý của nhà nước về vấn đề An toàn thực phẩm đã thực sự đúng hướng và hiệu quả chưa, sự suy thoái đạo đức trong kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, vì lợi nhuận bất chấp tính mạng, sức khỏe người khác… Mặt khác, ATTP còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội.

       

“Quốc nạn thực phẩm bẩn”

Thực tế, vấn nạn “Thực phẩm bẩn” không mới, và cũng không phải vấn đề chỉ có ở Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng khuyến cáo tất cả các nước, không phân biệt giàu, nghèo đều luôn đặt mức cảnh giác cao độ và tăng cường pháp chế về ATTP. Xu hướng ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xẩy ra ở quy mô rộng nhiều quốc gia càng trở nên phổ biến, việc phòng ngừa và xử lý vấn đề này càng ngày càng khó khăn với mỗi quốc gia và trở thành một thách thức lớn của toàn nhân loại. Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có nhiều sự cố về ATTP. Đặc biệt nhất phải kể đến Trung Quốc, nơi mà các quy định về ATTP còn quá lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến quốc gia sở tại mà còn tác động đến các nước khác khi tiêu dùng các loại hàng hóa này. Ở Việt Nam, vấn đề về vệ sinh ATTP mới thực sự được đặc biệt chú ý và quan tâm thời gian gần đây, chủ yếu là do truyền thông, báo chí vào cuộc quyết liệt, liên tiếp phanh phui ra hàng loạt vụ việc vi phạm nghiêm trọng về vấn đề sử dụng trái phép hóa chất độc hại bảo quản thực phẩm, kinh doanh, chế biến thực phẩm hỏng, kém chất lượng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc… Điển hình như vụ việc tại lò mổ Nam Phong (quận Bình Thạnh), đoàn kiểm tra phát hiện 124 con heo dương tính với chất cấm Salbutamol – tạo nạc, gây ung thư. Theo thống kê đầu năm 2016, chi cục Thú y phát hiện gần 1.000 heo nhiễm chất cấm. Hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo cao gấp hàng trăm, hàng nghìn lần mức cho phép. Hay vụ việc về hàng tấn mỡ bẩn chế biến gần nhà vệ sinh ở Đà Nẵng, sử dụng chất vàng ô (Auramine) ngâm măng chua, dùng hóa chất tẩy thịt thối… 

Thịt tẩm hóa chất độc hại

Chất vàng ô (Auramine) ngâm măng chua

Nguyên nhân sâu sa khiến tình trạng này vẫn tiếp tục nhức nhối dư luận và chưa có dấu hiệu được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời được nhận định đến từ hiệu quả của quản lý nhà nước về vấn đề ATTP. Có ba đối tượng chính tham gia vào vấn đề quản lý nhà nước về ATTP là Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trách nhiệm đầu tiên có lẽ thuộc sự quản lý của các cơ quan chức năng. Nhà nước quản lý dựa trên hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, chế tài, luật định, kiểm tra, thanh tra sát sao và thông qua các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh liên quan đến lĩnh vực ATTP có trách nhiệm và nghĩa vụ thực thi, tuân thủ các quy định của pháp luật. Người tiêu dùng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ATTP, đưa ra những lựa chọn tiêu dùng thông minh và tích cực phản hồi ý kiến đóng góp cho công tác quản lý nhà nước về vấn đề ATTP.
            Chế tài xử lý chưa nghiêm
            Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều kẽ hở để các hành vi vi phạm tiếp diễn mà chưa bị xử lý thích đáng, công tác quản lý nhà nước về ATTP chưa thực sự hiệu quả. Mặc dù Luật ATTP (2011) và nhiều quy định khác liên quan đến ATTP đã được ban hành, nhưng đa phần mới chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Đơn cử như những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn Vệ sinh ATTP, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, bị phạt tù từ 3 đến 10 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ 7 đến 15 năm”. Theo đó, dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm về Vệ sinh ATTP là “gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, tác động của các chất gây hại hay thực phẩm bẩn vào cơ thể con người phát tác từ từ chứ không gây chết người ngay, nên rất khó làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn thực hiện còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng; mức độ xử phạt còn quá nhẹ so với hậu quả lâu dài mà vấn nạn “thực phẩm bẩn” gây ra cho sức khỏe con người, thậm chí đối với sự phát triển giống nòi, của dân tộc sau này. Vấn đề chứng minh thế nào là đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP cũng còn nhiều tranh cãi. Đa phần các cơ sở kinh doanh liên quan đến ATTP, người nông dân trực tiếp sản xuất nông sản phục vụ đời sống hàng ngày… chưa được đào tạo bài bản hay có các chứng chỉ hợp lệ về ATTP, dẫn đến sự thiếu hiểu biết, vì lợi nhuận, xem nhẹ pháp luật, dẫn đến những hành vi sai phạm. Tình trạng người bị “đầu độc” bởi “thực phẩm bẩn” diễn hàng ngày, hàng giờ, hàng nghìn vi phạm quy định về ATTP vẫn diễn ra nhưng hiếm hoi có vụ việc nào bị xử lý.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hành lang pháp lý đẩy lùi vấn nạn “Thực phẩm bẩn”
Tới đây, từ ngày 1/7/2016, Bộ luật hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, bắt đầu áp dụng các chế tài nghiêm minh hơn đối với xử lý các tội phạm, hành vi vi phạm liên quan tới vấn đề ATTP. Cụ thể, Bộ luật mới đã khắc phục được những hạn chế trước đây, đặt ra các chế tài xử phạt chặt chẽ và khả thi hơn. Điều 317 về tội “vi phạm quy định về vệ sinh ATTP” quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi như sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; hoặc sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm; hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về Vệ sinh ATTP, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội danh này là 20 năm tù). Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại như quy định nêu trên sẽ bị xử lý hình sự, mà không cần có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, có hại cho người tiêu dùng trong thời gian tới. Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Việc áp dụng mức phạt tù cao nhất là 20 năm tù thực sự đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các đối tượng, tổ chức, doanh nghiệp vẫn cố tình thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ATTP, thể hiện quyết tâm cao của các cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm minh các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác kiểm tra vệ sinh ATTP được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt
Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát cũng được Chính phủ và Bộ Y tế đặc biệt chú trọng. Lần đầu tiên, hệ thống thanh tra chuyên ngành an toàn thực ở tuyến quận, huyện, phường, xã được thành lập. Chủ tịch UBND cấp quận, phường có quyết định thanh tra và toàn quyền xử lý vi phạm hành chính ngay tại chỗ. Các địa phương được giữ lại số tiền phạt, sung công quỹ để chi cho các hoạt động xây dựng và phát triển khác.
Để đấu tranh, đẩy lùi tiến tới ngăn chặn tuyệt đối vấn nạn “thực phẩm bẩn” đòi hỏi sự chung tay, góp sức, phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan, ban ngành từ tổ chức thực hiện đến quản lý. Cần xác định công tác bảo đảm ATTP phải tiến hành toàn diện, xuyên suốt, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến trong sản xuất, chế biến, phân phối, kinh doanh thực phẩm… Tuy vậy, trước mắt để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, các cơ quan chức năng, thông qua hoạt động của mình tích cực tham mưu, đóng góp ý kiến hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiến nghị các giải pháp thực tiễn giải quyết vấn nạn trên, đồng thời giáo dục, răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến Vệ sinh ATTP./.
Hồng Nhung – Tạp chí CSND – T32

Theo Tạp chí Cảnh sát nhân dân – Csnd.vn