Đừng để bị lừa bởi những câu thao túng tâm lý này trong tình yêu
(Ảnh: I Heart)
Thao túng tâm lý (Gaslighting) là một kiểu lạm dụng tình cảm có thể xảy ra với bất kì ai, đặc biệt là trong những mối quan hệ lãng mạn. Những kẻ lạm dụng này sẽ duy trì sự kiểm soát trong mối quan hệ và khiến đối phương lo lắng, từ đặt câu hỏi về chính sự nhận thức của bản thân.
Dưới đây là những câu nói điển hình của việc thao túng tâm lý mà bạn cần nhận biết ngay để thoát khỏi mối quan hệ độc hại càng sớm càng tốt:
“Chuyện đó chưa từng xảy ra”
Người lạm dụng sẽ cố gắng phủ nhận những sai lầm mà họ từng gây ra nhất có thể. Điều này khiến đối phương dần đặt câu hỏi về tính xác thực của sự việc bằng cách nhìn nhận vấn đề theo đúng ý người lạm dụng muốn. Đây cũng là cách khiến nạn nhân tin tưởng hơn vào người thao túng tâm lý, tăng cảm giác phụ thuộc của nạn nhân vào chính kẻ lạm dụng.
“Em/Anh điên rồi. Mọi người đều nghĩ như thế đấy”
(Ảnh: iStock)
Đây là một ví dụ vô cùng điển hình khiến nạ nhân nghi ngờ chính bản thân mình, cho rằng mình đang làm quá lên và bản thân có vấn đề tâm lý.
Thậm chí, kẻ thao túng còn có thể thuyết phục, nói chuyện với chính gia đình, bạn bè của nạn nhân để khiến họ tin rằng nạn nhân mới là người bất bình thường trong mối quan hệ này. Điều đó sẽ khiến gia đình, bạn bè không tin tưởng vào những điều mà nạn nhân chia sẻ.
Đáng chú ý, câu nói này vô cùng phổ biến trong mối quan hệ nam – nữ và nữ giới bị coi là người “điên”. Đây thực chất là do cách xã hội miêu tả người phụ nữ như là những người phi lý, không biết kiểm soát cảm xúc.
“Anh xin lỗi nếu em nghĩ anh làm em tổn thương”
Thoạt nghe thì có vẻ như đây là một câu xin lỗi, nhưng thực ra không phải vậy. Đây thực chất lại là cách thao túng tâm lý, giúp kẻ lạm dụng trốn tránh trách nhiệm và đỗ lội ngược lại cho nạn nhân.
Kiểu xin lỗi này khiến nạn nhân đặt câu hỏi về sự phán đoán của mình và tự hỏi liệu có phải họ mới là người đang phản ứng thái quá hay không. Theo đó, chính họ sẽ tự bóp méo sự thật để rồi tin rằng bản thân mới là người sai trong mối quan hệ này.
“Anh thực sự tin là em bịa chuyện à?”
(Ảnh: ReGain)
Kẻ thao túng tâm lý thường sử dụng câu nói này khi họ bị buộc tội nói dối hoặc bịa đặt. Khi sử dụng câu nói này, kẻ lạm dụng đang thao túng sự hiểu biết của nạn nhân và một lần nữa đặt lòng tin của họ trên một bàn cân. Những kẻ này sẽ khiến đối phương cảm thấy tội lỗi vì không tin tưởng họ trong một mối quan hệ tình cảm – một mối quan hệ gây dựng trên niềm tin. Sau đó, nạn nhân lập tức cảm thấy có lỗi và dễ dàng bỏ qua cho kẻ thao túng tâm lý mình.
“Anh không bao giờ có ý định làm tổn thương em”
Đây tiếp tục là một ví dụ cơ bản khác về cách thao túng đối với niềm tin của nạn nhân. Bằng cách tỏ ra họ có ý định tốt đẹp, họ đang cố giảm bớt đi tội lỗi của bản thân. Đồng thời, kẻ thao túng tâm lý cũng che đậy sự thực rằng họ đã làm tổn thương đối phương.
Khi nạn nhân biết rằng kẻ thao túng không có ý định làm tổn thương họ, họ thường có suy nghĩ đặt câu hỏi về giá trị của cảm xúc và rằng liệu họ có quyền khó chịu với vấn đề này hay không.
“Em làm thế vì em yêu anh”
Một câu nói vô cùng phổ biến của việc thao túng tâm lý trong mối quan hệ lãng mạn nhân danh tình yêu. Bằng cách biện minh cho ý định của mình là “tình yêu”, những kẻ thao túng khiến nạn nhân nghĩ rằng họ quan tâm tới lợi ích của đói phương. Do đó, nạn nhân một lần nữa tin tưởng rằng những hành động kia xuất phát từ tình yêu và chỉ đơn giản là được bày tỏ sai cách mà thôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!