–::– Du lịch

Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình cho khách du lịch. Ở Việt Nam hiện nay, lực lượng kinh doanh lữ hành ngày càng phát triển, có vai trò chủ lực trong việc khai thác khách và hướng dẫn khách đi du lịch. Hoạt động kinh doanh lữ hành phát triển không chỉ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành Du lịch, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Luật Du lịch 2017 ra đời đã được điều chỉnh, bổ sung giúp cho dịch vụ kinh doanh lữ hành ngày càng hoàn thiện đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để khách tham quan, du lịch.

Kinh doanh dịch vụ lữ hành chính là hoạt động trung gian kết nối, xâu chuỗi các dịch vụ du lịch bao gồm kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh doanh lữ hành quốc tế. Luật Du lịch 2017 đã quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cả nội địa và quốc tế chỉ được phép kinh doanh khi có Giấy phép. Đây là điểm mới so với Luật Du lịch 2005 trước kia. Luật Du lịch 2005 chỉ quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế mà không quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Do du lịch nội địa ngày càng có vai trò quan trọng, hiện là nhu cầu phổ biến của người dân Việt nam. Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy, du lịch nội địa phát triển nhanh, do không có quy định cấp phép nên xảy ra hiện tượng nhiều tổ chức, cá nhân không thành lập doanh nghiệp hoặc có thành lập doanh nghiệp nhưng không đảm bảo điều kiện, không thông báo thời điểm bắt đầu kinh doanh cho cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh; trong quá trình hoạt động cắt giảm chương trình, dịch vụ, không đảm bảo chất lượng dịch vụ như cam kết với khách… dẫn đến tình trạng lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch nội địa (là người Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam), Luật Du lịch 2017 quy định doanh nghiệp chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa khi có Giấy phép. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cũng đã đơn giản hóa. Doanh nghiệp thay vì phải nộp hồ sơ đề nghị qua sở, sở thẩm định rồi gửi đến Tổng cục Du lịch thì nay chỉ cần gửi trực tiếp đến Tổng cục Du lịch. Theo đó Luật Du lịch 2017 cũng nghiêm cấm hành vi kinh doanh lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành, không có đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành, nghề, phạm vi kinh doanh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, Luật 2017 cũng đã bổ sung điều kiện có nghiệp vụ chuyên môn đối với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, do tính chất khác nhau của kinh doanh lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa nên có sự khác nhau về chuyên môn, nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành. Cụ thể người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa. Và người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Luật mới cũng quy định cụ thể việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Trong hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên (HDV) đóng vai trò là người truyền cảm hứng trong suốt hành trình khám phá. Nhưng thời gian qua, một số điểm đến thiếu HDV tiếng nước ngoài trầm trọng, nhất là ở các địa phương có lượng khách Trung Quốc tăng “nóng”. Khoảng trống này lập tức được doanh nghiệp lữ hành nước ngoài khai thác, tạo điều kiện để HDV người nước ngoài hoạt động trái phép, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, chưa kể họ còn giới thiệu sai lệch về lịch sử, văn hóa ở các di tích, danh thắng của nước ta. Luật Du lịch 2017 cũng đã có những điều chỉnh vừa để bổ sung tình trạng thiếu HDV tiếng hiếm vừa nhằm thắt chặt hoạt động trôi nổi của các hướng dẫn viên tự do này. Người muốn hành nghề hướng dẫn du lịch phải đáp ứng đồng thời ba điều kiện sau:

Thứ nhất, phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch

Thứ hai, ngoài việc có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên du lịch cũng có thể hành nghề hướng dẫn nếu có hợp đồng lao động với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Thứ ba, khi hướng dẫn các chương trình cụ thể, hướng dẫn viên du lịch phải có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch.

Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên được quy định thống nhất và đơn giản hơn, không phân biệt hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ sử dụng khi hướng dẫn khách du lịch. Yêu cầu về trình độ cũng được điều chỉnh theo hướng giảm xuống (từ cử nhân xuống trung cấp). Luật mới cũng sử dụng khái niệm “hướng dẫn viên tại điểm”, bổ sung quy định về điều kiện, thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Luật sửa đổi cũng mở rộng điều kiện hành nghề hướng dẫn viên, theo đó, ngoài việc hành nghề trên cơ sở hợp đồng giao kết với doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có thể hành nghề theo hợp đồng giao kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc tham gia tổ chức xã hội- nghề nghiệp về hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, một số quy định mới như nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành mua bảo hiểm cho tất cả các khách thay vì mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài. Sự điều chỉnh thay đổi này nhằm tăng cường công tác quản lý hướng dẫn viên du lịch – lực lượng lao động có tính đặc thù cao, góp phần ngăn ngừa việc hướng dẫn viên thực hiện hành vi kinh doanh dịch vụ du lịch “chui” trong thực tiễn, đồng thời tạo động lực để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có chính sách quản lý, kinh doanh, cạnh tranh phù hợp nhằm thu hút được hướng dẫn viên có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thống kê mới nhất, đến tháng 9/2017, cả nước có 1.780 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước, 560 doanh nghiệp cổ phần, 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.192 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân; và khoảng 2000 doanh nghiệp thông báo đang hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa. Ngoài ra, hiện cả nước có hơn 20.000 nghìn hướng dẫn viên du lịch, trong đó có hơn 12.000 hướng dẫn viên quốc tế và 8.000 hướng dẫn viên nội địa. Tuy nhiên, hoạt động lữ hành còn tồn tại khá nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến môi trường, sức hấp dẫn và thương hiệu của du lịch Việt Nam, như: hiện tượng thao túng thị trường của một số công ty lữ hành nước ngoài; cạnh tranh không lành mạnh; tính liên kết yếu; tình trạng thiếu hướng dẫn viên tại các điểm đến; vấn đề ứng xử với thị trường khách du lịch lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc…Hướng dẫn viên chỉ có một lượng rất nhỏ ký hợp đồng làm việc dài hạn ở các công ty lữ hành, còn chủ yếu tự do ký hợp đồng làm việc với các hãng lữ hành theo từng tua, tuyến cụ thể, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra chất lượng HDV. Ở nước ta, sự liên kết, chia sẻ lợi ích giữa công ty lữ hành với các nhà cung ứng dịch vụ chưa thật sự được chú trọng cho nên chưa tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng, có mức giá cạnh tranh. Cũng do năng lực và nguồn lực tài chính còn hạn chế, lại thiếu chủ động kết nối, nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước dễ bị các đối tác nước ngoài chi phối, dẫn đến hiện tượng thao túng thị trường của một số công ty lữ hành nước ngoài, khi các công ty này giữ vai trò chủ động đưa khách đến và tận dụng lợi thế này để ép giá. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam lại có hành vi cấu kết, tiếp tay cho người núp bóng kinh doanh điều hành, tổ chức tua trái phép ảnh hưởng tới hình ảnh điểm đến, chất lượng dịch vụ và an ninh trật tự tại một số địa phương. Thời gian qua, việc phát hiện một số công ty kinh doanh không phép dẫn tới những thiệt hại lớn về sức khỏe, tính mạng của du khách cũng cho thấy hậu quả khôn lường của tình trạng kinh doanh “chui”. Nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tồn tại, như: nhái thương hiệu kinh doanh, hạ giá tua đón khách…Nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước đang gặp những khó khăn về cơ sở hạ tầng, tiềm lực vốn… Đội ngũ nhân lực du lịch thiếu và yếu về trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm, nhất là thiếu những người có chuyên môn cao.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện nay có 27 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành gồm 01 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 03 văn phòng đại diện và 23 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Các doanh nghiệp chủ yếu là vừa, nhỏ, siêu nhỏ, tiềm lực còn hạn chế dẫn đến sự cạnh tranh kém đối với các công ty lớn; nhận thức một số bộ phận doanh nghiệp chưa đầy đủ, toàn diện, thiếu chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, bị động trong công tác phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm khiến nhiều doanh nghiệp giẫm chân lên nhau hình thành tâm lý “chộp, giật” trong kinh doanh; sự phối hợp liên ngành trong quản lý doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn còn hết sức hạn chế, chưa tạo hiệu quả rõ rệt; một số doanh nghiệp hoạt động không ký hợp đồng với khách du lịch, với hướng dẫn viên du lịch; vẫn sử dụng hướng dẫn viên chưa được cấp thẻ hướng dẫn cho khách du lịch.., đội ngũ nhân viên điều hành là những người tay ngang, trái nghề, không được đào tạo bài bản và còn thiếu kinh nghiệm thị trường; không thông báo thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; không báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp làm cho công tác hậu kiểm gặp nhiều khó khăn, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch không có thông tin để thực hiện việc quản lý, hướng dẫn hoạt động của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch…

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về kinh doanh lữ hành theo Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh lữ hành của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, của hướng dẫn viên hoạt động trên địa bàn. Trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu định hướng chỉ đạo để các doanh nghiệp du lịch thấy được vai trò và lợi ích khi tích cực tham gia xúc tiến quảng bá du lịch mang lại hiệu quả thiết thực và các doanh nghiệp cũng tích cực hưởng ứng tham gia tại các Hội chợ du lịch, các cuộc triển lãm du lịch trong và ngoài tỉnh. Khi Luật Du lịch 2017 bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ngay lập tức tổ chức Hội nghị phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn đến các công ty lữ hành trên địa bàn toàn tỉnh và các hướng dẫn viên tự do hoạt động trong tỉnh. Qua Hội nghị, các doanh nghiệp đã nhận thức được các quy định của pháp luật đối với ngành nghề kinh doanh lữ hành. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung tăng cường vai trò quản lý nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định: Tập trung phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các hướng dẫn viên tự do; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hướng dẫn viên về các quy định của pháp luật; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh; khuyến khích doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành theo hướng có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về kinh doanh lữ hành theo Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh lữ hành của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, của hướng dẫn viên hoạt động trên địa bàn. Trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu định hướng chỉ đạo để các doanh nghiệp du lịch thấy được vai trò và lợi ích khi tích cực tham gia xúc tiến quảng bá du lịch mang lại hiệu quả thiết thực và các doanh nghiệp cũng tích cực hưởng ứng tham gia tại các Hội chợ du lịch, các cuộc triển lãm du lịch trong và ngoài tỉnh. Khi Luật Du lịch 2017 bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ngay lập tức tổ chức Hội nghị phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn đến các công ty lữ hành trên địa bàn toàn tỉnh và các hướng dẫn viên tự do hoạt động trong tỉnh. Qua Hội nghị, các doanh nghiệp đã nhận thức được các quy định của pháp luật đối với ngành nghề kinh doanh lữ hành. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung tăng cường vai trò quản lý nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định: Tập trung phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các hướng dẫn viên tự do; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hướng dẫn viên về các quy định của pháp luật; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh; khuyến khích doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành theo hướng có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

TTTT