Dự giờ ở Hưng Yên, học sinh lớp 1 tự tin đọc bài trôi chảy – Giáo dục Việt Nam
GDVN- Hầu hết học sinh lớp cô Hải Yến đọc to, không vấp. So với mọi năm, cô đánh giá học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 biết đọc sớm hơn và đọc trơn tương đối tốt.
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn.
Sau một thời gian học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới, có một số ý kiến về chương trình, sách giáo khoa.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, sau khi nghe cả lớp đọc trơn một đoạn văn 4-5 dòng sau khi đọc thầm, thậm chí các em đã có thể đọc một bài tập đọc hoàn chỉnh và bước đầu trả lời được câu hỏi khiến cô Phan Thị Hải Yến – Trường Tiểu học Dân Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên mỉm cười ưng ý.
Hầu hết học sinh lớp cô Hải Yến đọc to, không vấp. So với mọi năm, cô đánh giá học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 biết đọc sớm hơn và đọc trơn tương đối tốt.
“Nếu trước đây tuần tự các kỹ năng đối với môn Tiếng Việt là Nghe – Nói – Đọc- Viết thì giờ đây điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là Đọc – Viết – Nghe – Nói, tức là ưu tiên, rèn luyện kỹ năng Đọc.
Chính vì vậy, nếu mọi năm, hết học kỳ I học sinh mới nhớ âm và vần, nhưng giờ các em đọc trơn tru những mẩu truyện, giao tiếp tự tin hơn giúp các con làm chủ về kiến thức và được phát triển năng lực, phẩm chất của mình”, cô Hải Yến nói.
Cô Hải Yến cũng so sánh, nếu trước đây mỗi khi đến giờ Tiếng Việt giáo viên chỉ mở bài đọc mẫu rồi yêu cầu học sinh đọc theo thì giờ giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn và “giao việc” cho học sinh để các con được làm việc nhiều hơn giúp giờ học trở nên hứng thú, nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, để giờ học hứng thú thì đòi hỏi giáo viên phải năng động, thường xuyên cập nhật kiến thức cũng như tham khảo các bộ sách giáo khoa khác rồi cắt ghép tranh ảnh lồng vào để bài giảng phong phú, đa dạng hơn.
“Do thường xuyên sử dụng máy tính nên sau 1 học kỳ kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của tôi linh hoạt hơn hẳn so với trước đây”, cô Hải Yến tâm sự.
Đồng tình với quan điểm này, cô Hoàng Thị Anh Thơ – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5, trường Tiểu học Trần Cao – huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên cũng khẳng định chỉ sau 1 học kỳ nhưng học sinh học theo chương trình, sách giáo khoa mới đọc thông viết thạo nhanh hơn so với chương trình cũ.
Ngoài yêu cầu cần đạt về mặt kiến thức, cô Huyền thấy học sinh lớp 1 năm nay phát triển năng lực tốt hơn hẳn so với khi học chương trình cũ, thể hiện ở khả năng tự chủ, giao tiếp, hợp tác, ngôn ngữ, tư duy. Học sinh chủ động thảo luận nhóm đôi hoặc nhóm bốn khi gặp yêu cầu khó. Đặc biệt các em đã tự tin hơn rất nhiều khi giới thiệu về bản thân mình.
“Trong buổi họp phụ huynh, các bậc cha mẹ cũng khẳng định với chúng tôi rằng sự tự tin của các em lớp 1 năm nay tương đương với học sinh lớp 2, lớp 3 so với các năm trước”, cô Thơ kể.
Giờ học sinh được tham gia nhiều hoạt động thay giáo viên, nếu trước đây học sinh cứ miệt mài học giải bài tập từ bài toán này sang bài toán khác thì giờ các con được tham gia hoạt động, vận dụng kiến thức để theo nhóm còn cô chỉ cần gợi mở và kết luận vấn đề.
Kết thúc học kỳ I, học sinh lớp cô Thơ chủ nhiệm đều đạt yêu cầu. Đa số đạt ở mức độ cao, tức đọc thông viết tốt, đọc hiểu, tính toán được.
Thùy Linh