Dự án VnSAT trả cây cà phê về với tự nhiên

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (tên viết tắt VnSAT) đã dành 3 năm để nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình trồng cà phê dưới tán rừng…

Cây cà phê thế giới rời khỏi tán rừng để tăng sản lượng

Từ khi được con người tìm thấy, cà phê đã là một loại cây bụi mọc hoang dã trong các khu rừng ở đất nước Ethiopia và miền nam Sudan (ngày nay các bụi cây Arabica hoang sơ vẫn được tìm thấy tại Ethiopia). Cho đến trước những năm 1970, hầu hết cà phê vẫn được trồng trong các hệ thống nông học truyền thống (bắt chước các khu rừng tự nhiên).

Tuy nhiên, với sự ra đời của phân bón tổng hợp và sau đó là Cách mạng xanh để tăng sản lượng và chống lại bệnh gỉ sắt. Các nhà nông học đã giới thiệu hệ thống độc canh “Full Sun”, khi đó hầu hết các trang trại bị phá rừng, cà phê được trồng trong hàng rào dày đặc và với quy trình trồng cho vô số phân bón hóa học cùng thuốc trừ sâu. Hệ quả của cách trồng này là năng suất cà phê tăng nhanh trong 1 thời gian ngắn nhưng chất lượng cà phê giảm xuống đáng kể.

Cà phê Arabica phát triển trong các khu rừng cao nguyên, ẩm ướt, rậm rạp của Ethiopia. Ảnh: nationalgeographic.

Cà phê Arabica phát triển trong các khu rừng cao nguyên, ẩm ướt, rậm rạp của Ethiopia. Ảnh: nationalgeographic.

Dự án VnSAT  đưa cây cà phê về với tự nhiên để tạo thích ứng biến đổi khí hậu

Tại Việt Nam trong suốt ba thập kỷ qua, cây cà phê đã phát triển mạnh mẽ với những vùng trồng cà phê độc canh rộng lớn phủ khắp khu vực Tây Nguyên. Cây cà phê đã trở thành  một trong những cây trồng có đóng góp quan trọng cho doanh thu của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và cho toàn bộ GDP quốc gia nói chung.

Tuy nhiên, giống như các quốc gia khác trên thế giới, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đang có tác động xấu đến chất lượng của cà phê Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành cà phê của Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề  biến đổi khí hậu với sự nóng lên toàn cầu khiến nhiều vùng trồng cà phê thiếu nước tưới dẫn tới năng suất và chất lượng cây cà phê đều sụt giảm.

Nhìn nhận rõ những khó khăn này, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (tên viết tắt VnSAT) đã dành 3 năm để nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình trồng cà phê dưới tán rừng hay còn gọi là cảnh quan cà phê cho năng suất ổn đinh, nâng cao chất lượng cà phê. Đây được xem là một mô hình trồng cà phê thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định cho nông dân trồng cà phê Tây Nguyên.

HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) có vùng sản xuất 250 ha cà phê, được phát triển theo mô hình cảnh quan cho năng suất ổn định và chất lượng cao.

HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) có vùng sản xuất 250 ha cà phê, được phát triển theo mô hình cảnh quan cho năng suất ổn định và chất lượng cao.

Mô hình cà phê cảnh quan của dự án VnSAT được xây dựng với 3 tầng sinh thái. Thứ nhất là tầng cây cao gồm cây ăn trái, cây nọc tiêu che nắng, che sương, gió để điều tiết nhiệt độ vườn. Tầng trung là trồng cà phê và tầng thấp nhất là nuôi thảm thực vật cỏ.

Theo ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông (xã Đăk R’Moan, TP.  Gia Nghĩa) cho biết: “Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới do đã giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng phát triển khỏe mạnh. Từ đó, chất lượng cà phê được cải thiện, không có tồn dư hoạt chất Glyphosate trong sản phẩm giúp việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam thuận lợi, đặc biệt là vào thị trường Châu Âu. Năm 2021, cây cà phê của HTX bội thu, năng suất đạt 3.5 tấn/ha. Trong đó có khoảng ¼ sản lượng đạt tiêu chuẩn cà phê hữu cơ.”

Lợi ích từ việc trồng cây Cà phê dưới bóng râm

  • Cây che bóng đóng vai trò như một lớp phủ tự nhiên và thêm chất hữu cơ, khoáng chất vào trong đất. Trong trường hợp cây che bóng là cây họ đậu, chúng còn giúp cố định đạm, góp phần đáng kể vào độ phì nhiêu của đất.
  • Tán cây tự nhiên mang đến khả năng bảo vệ đối với sự thay đổi nhiệt độ quá mức giữa ngày và đêm. Trong khi hệ rễ chống xói mòn thì hệ lá giúp hạn chế thoát hơi nước của cây cà phê. Cây che bóng được lựa chọn và duy trì đúng cách có thể giúp giảm bớt căng thẳng gây ra do hạn hán.
  • Bằng cách duy trì đa dạng sinh học cao hơn trong trang trại cà phê, có những lợi ích tiềm năng về năng suất do các loài thụ phấn phong phú hơn và kiểm soát dịch hại do sự hiện diện của các loài thiên địch khác.
  • Cây che bóng có thể làm giảm sự phát triển của cỏ dại, đặc biệt là các loại cỏ, cỏ dại gặp trong các trang trại cà phê bóng mờ ít gây hại và dễ kiểm soát hơn.
  • Sau cùng, bằng cách trồng cây che bóng nhóm ăn quả, nông dân có thể tăng cường thu nhập của mình thông qua việc thu hoạch trái cây, lấy gỗ hoặc các sản phẩm khác…

Tất cả những đóng góp tích cực này làm cho cà phê canh tác dưới bóng râm trở thành một hệ thống thân thiện với môi trường và bền vững hơn so với hệ thống độc canh không có cây che bóng. Tuy nhiên, nông dân phải điều chỉnh bóng râm phù hợp với mục tiêu canh tác. Cây che bóng được quản lý không đúng cách có thể làm giảm đáng kể năng suất, làm trầm trọng thêm dịch bệnh hoặc cạnh tranh dinh dưỡng với cây cà phê.