Dự án tàu tự hành thông minh đoạt giải Nhất sáng tạo trẻ 2022
Cuộc thi Sáng tạo trẻ 2022 do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học khối kỹ thuật và các đơn vị chuyên môn tổ chức.
Với chủ để đề “Sáng tạo vì Cuộc sống” (Smart up for life), cuộc thi năm nay hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế…
Mục đích của cuộc thi nhằm tạo môi trường hỗ trợ học tập, nghiên cứu thông qua trải nghiệm sáng tạo của người học tại các trường đại học, qua đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật tạo ra các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Sáng tạo trẻ cũng là diễn đàn chia sẻ, hỗ trợ và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giữa các trường đại học, doanh nghiệp và xã hội.
Trải qua các vòng ý tưởng, đề án, triển khai, vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo trẻ 2022 là cuộc đua tranh tài giữa 5 đội thi: BinCase với dự án: “aLight – Máy chiếu cảm ứng tiện lợi sử dụng công nghệ đồng bộ tần số quét và xử lý hình ảnh có chọn lọc”; IRONMAN với dự án “Exoskeleton Suit; The F.I.R.S.T với dự án Tàu USV tự hành thông minh”; I-Tech với dự án “Ứng dụng IoT trong giám sát và quản lý hàng hoá vận chuyển trong Logistics” và TRAIVI BKCIM với dự án “Tận thu xà cừ ngọc trai”.
Đội thi I-Tech trình bày dự án Ứng dụng IoT trong giám sát và quản lý hàng hoá vận chuyển trong Logistics
Phát biểu tại vòng chung kết Sáng tạo trẻ 2022, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, cuộc thi Sáng tạo trẻ là ví dụ sinh động cho việc thực hiện chủ trương xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ kỹ thuật hướng tới khởi nghiệp.
Việc tổ chức cuộc thi thường niên sẽ tạo điều kiện cho sinh viên vận dụng kiến thức với suy nghĩ sáng tạo triển khai những ý tưởng thành những sản phẩm đáp ứng thực tiễn cuộc sống dựa trên công nghệ kỹ thuật, có tính thực tiễn cao và hướng tới quốc tế.
PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội
“Cuộc thi ngày càng hấp dẫn đối với sinh viên các ngành trong trường, các trường đại học khối kỹ thuật cũng như sự quan tâm của xã hội. Cuộc thi cũng góp phần khích lệ thế hệ sinh viên đam mê khoa học dấn bước trên con đường học tập, sáng tạo, khoa học công nghệ”, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính nói.
Sáng tạo trẻ ngày càng hấp dẫn sinh viên các trường đại học
Trước khi vòng chung kết diễn ra, Sáng tạo trẻ 2022 trải qua hành trình 8 tháng và thu hút 200 lượt sinh viên tham dự chương trình huấn luyện, thiết lập với 12 đề tài được tài trợ để phát triển thành sản phẩm trong Vòng Triển khai.
5 dự án lọt vào vòng chung kết đều là những dự án tiềm năng và có tính khả thi cao. Đơn cử như dự án “Ứng dụng IoT trong giám sát và quản lý hàng hoá vận chuyển trong Logistics” của đội I-Tech đã đưa ra sự đột phá về sản phẩm là ứng dụng mô hình truyền dữ liệu không dây thông minh trong việc theo dõi thời gian thực của môi trường trong container lạnh chở thực phẩm.
Sản phẩm ứng dụng công nghệ IOT vào quá trình vận chuyển trong Logistic nhằm cảnh báo sự cố và tối ưu hóa rủi ro, cũng như chi phí vận chuyển.
Trịnh Tuấn Anh, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội
Hoặc dự án “Tận thu xà cừ ngọc trai” của đội TRAIVI BKCIM mang thông điệp về sự an toàn của người lao động, bảo vệ môi trường, tăng năng suất so với sản xuất thủ công.
“Em là người sinh ra ở làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Em hiểu được khó khăn mà bà con làng nghề gặp phải, nhiều tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra. Xuất phát từ điều này, đội chúng em đã ăn, ngủ nhiều tháng ở làng nghề, khảo sát, nghiên cứu từ đó đưa ra sản phẩm này để làm sao nâng cao năng suất, giảm thiểu tai nạn lao động”, Trịnh Tuấn Anh, đội trưởng đội TRAIVI BKCIM nói.
Chung cuộc, dự án “Tàu USV tự hành thông minh” của đội thi The F.I.R.S.T (nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng hợp tác) giành được vị trí cao nhất.
Cao Thị Quỳnh Trâm, thành viên nhóm The F.I.R.S.T. cho biết, dự án “Tàu USV tự hành thông minh” ra đời với mục đích giúp khảo sát địa hình lòng sông hồ, tự động hóa mọi công việc nằm trong vấn đề quản lý chất lượng môi trường trên phạm vi rộng; giúp quản lý được một vùng sông nước lớn.
Để tạo ra sự thân thiện với người dùng, sản phẩm được các thành viên nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong việc đưa ra định hướng phát triển tối ưu nhất trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người thực hiện sử dụng, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực.
Dự án “Tàu USV tự hành thông minh” của đội thi The F.I.R.S.T giành giải Nhất
Sáng tạo trẻ 2022
Tại vòng chung kết, Ban tổ chức cũng trao giải Nhì cho dự án “Ứng dụng IoT trong giám sát và quản lý hàng hoá vận chuyển trong Logistics” của đội I-Tech; trao giải Ba cho dự án “Tận thu xà cừ ngọc trai” của đội TRAIVI BKCIM; Hai dự án “BinCase-Máy chiếu cảm ứng tiện lợi sử dụng công nghệ đồng bộ tần số quét và xử lý hình ảnh có chọn lọc” của đội BinCase và dự án Exoskeleton Suit của đội IRONMAN giành giải Khuyến khích.
Theo Ban tổ chức, tổng giá trị giải thưởng và hỗ trợ phát triển sản phẩm của cuộc thi năm nay lên đến 600 triệu đồng. Riêng đội giành giải Nhất nhận được phần thưởng bằng tiền mặt trị giá 50 triệu đồng. Ngoài ra quán quân của cuộc thi còn được nhận gói đầu tư ươm tạo trị giá 100 triệu đồng.
Sáng tạo trẻ được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức lần đầu vào năm 2017 dành cho sinh viên của trường. Tuy nhiên đến năm 2019 cuộc thi được mở rộng quy mô toàn quốc. Tới năm 2022, Sáng tạo trẻ tiếp tục mở rộng khi các trường đại học khối kỹ thuật, các doanh nghiệp trong nước tham gia với vai trò đồng tổ chức. Ngoài ra, cuộc thi còn chào đón sự tham gia của các doanh nghiệp và sinh viên quốc tế.