Doping được mua bán dễ dàng như thế nào

Chất kích thích được bày bán tự do trong một hiệu thuốc gần sân quốc gia ở Ethiopia – quốc gia sản sinh ra nhiều huyền thoại điền kinh.

Sân vận động hoành tráng nhất ở Ethiopia không có ghế ngồi tách riêng, thay vào đó là những băng ghế dài màu xanh lá, vàng và đỏ theo quốc kì nước này. Các VĐV điền kinh xuất sắc hội tụ trên sân chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia. Những quan chức đứng trên đường piste, mặc đồng phục màu cafe sữa và mũ bóng chày trắng.

doping-duoc-mua-ban-de-dang-nhu-the-nao

Quang cảnh sân vận động quốc gia Addis Ababa. Ảnh: Diretube.

Haile Gebrselassie là một trong số đó. Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Ethiopia đang trao huy chương cho các VĐV. Các khán giả hò reo tên ông vang dội hơn bất kỳ ai khác. Lý do nằm ở hai HC vàng Olympic và bốn chức vô địch thế giới nội dung chạy 10.000m.

Ông được coi như một trong những chân chạy đường dài tài năng nhất lịch sử, và cũng là người nổi tiếng nhất ở Ethiopia – nơi điền kinh là môn thể thao vua. Danh tiếng giúp Gebrselassie sở hữu khối tài sản khổng lồ và những danh mục đầu tư hạng sang.

Một góc sân có trưng những tấm bảng lớn kèm ảnh các huyền thoại điền kinh như Kenenisa Bekele, Tirunesh Dibaba và Almaz Ayana, chủ nhân của kỷ lục thế giới 10.000m tại Olympic Rio 2016. Thành quả đó từng khiến nhiều người không thể tin vào mắt họ. Dưới các bức ảnh là dòng khẩu hiệu được in đậm: “Có thể vươn tới đỉnh cao mà không cần tới doping”.

Nhưng qua cuộc điều tra phối hợp giữa tờ The Guardian (Anh), đài truyền hình ARD (Đức) và Nghiệp đoàn truyền thông Hà Lan, rất có thể khẩu hiệu đó không đúng trong mọi trường hợp.

Sở hữu các sản phẩm doping dường như rất dễ dàng ở quốc gia này. Tình trạng thiếu tổ chức của Cơ quan phòng chống doping Ethiopia (Ethiopia NADO) cũng bị kết quả điều tra phơi bày. 

Một VĐV nổi tiếng bị bắt gặp trong đoạn phim quay lén, khi đang tìm một chương trình doping mới. Cô này thừa nhận đã sử dụng thuốc kích thích tăng cường sức mạnh (PED), trước khi giành một danh hiệu lớn ở châu Âu.

Kết quả điều tra có thể khiến các cơ quan thể thao Anh phải giật mình. Bởi họ thường gửi những VĐV điền kinh hàng đầu đến Ethiopia tập luyện, bao gồm nhà vô địch giải thế giới 2017 nội dung chạy 10.000m – Mo Farah.

Bên ngoài sân quốc gia, nhóm phóng viên bắt gặp hai cô gái bán bắp ngô và hạt cafe trên những chiếc thảm màu sắc. Nhưng cách đó không xa, họ dễ dàng tìm mua thuốc EPO (Erythropoietin), có tác dụng sản sinh thêm hồng cầu. Chúng được bán tràn lan tại một quầy thuốc ngay bên đường gần sân vận động quốc gia. EPO được nhiều VĐV điền kinh và đua xe đạp lợi dụng nhằm tăng sức bền và khả năng chịu đựng.

doping-duoc-mua-ban-de-dang-nhu-the-nao-1

EPO có thể mua ở những quầy thuốc nhỏ như này. Ảnh: ARD.

Đập vào mắt là tấm biển cửa hiệu bị vỡ một góc, bên ngoài trông khá lụp xụp. Đầu tiên, một phóng viên hỏi mua thuốc trị thiếu máu, với gợi ý là EPO. Nữ dược sĩ nhanh chóng quay vào trong, lục lọi tủ lạnh và trở ra với một hộp chứa hàng tá lọ EPO xếp lẫn lộn. Cô thản nhiên hỏi số lượng mà khách muốn mua, với giá bán chỉ khoảng 11 đôla mỗi lọ.

Chừng 13 phút sau, phóng viên này quay lại, mua thêm hai lọ EPO, một chiếc bàn chải đánh răng và một tuýp dầu đuổi muỗi từ một dược sĩ khác. Kế tiếp, phóng viên khác bước vào mua bốn hộp EPO từ người bán hàng thứ ba. Một dược sĩ thừa nhận anh biết rõ thuốc kích thích này phổ biến trong giới thể thao. “Đôi khi tôi cũng bán cho mấy tay VĐV”, anh cười khúc khích.

Trong vòng 26 phút, chín lọ EPO được mua với giá khoảng 100 đôla. Trên lọ thuốc, có một dòng ghi chú nhỏ: ‘Chỉ sử dụng theo đơn thuốc của bác sĩ’. Nhưng người bán không đặt ra bất cứ câu hỏi nào.

Tổng giám đốc Ethiopia NADO, Mekonnen Yidersal từng hứa thắt chặt khâu kiểm soát doping. Ông nói: “Nếu ai đó hoạt động phạm pháp, họ sẽ bị trừng phạt theo quy định của Ủy ban phòng chống doping thế giới (WADA) và những luật hiện hành ở Ethiopia”.

Trên thực tế, bất cứ ai cũng có thể mua EPO dễ dàng. Điều đó trái với quyết tâm thiết chặt xử lý vi phạm của Ethiopia NADO. Họ đã thông qua luật phạt tù từ ba đến 5 năm với những VĐV dính doping. Trong năm nay, Gebrselassie tự hào tuyên bố tù nhân đầu tiên của luật này, đó là Girmay Birahun, một chân chạy marathon ít tên tuổi.

doping-duoc-mua-ban-de-dang-nhu-the-nao-2

Mỗi lọ EPO được bán với giá chỉ hơn 10 đôla. Ảnh: ARD.

Nhiều năm qua, Kenya – láng giềng của Ethiopia – mới là tâm điểm của những cáo buộc doping. Đài ARD từng tiến hành một bộ phim tài liệu khác năm ngoái, lột trần những sai phạm ở trại tập luyện Iten nổi tiếng. Tại đó, một bác sĩ xuất hiện trên camera giấu kín khẳng định ông đã cung cấp các sản phẩm doping cho hơn 50 VĐV, trong đó có ba chân chạy người Anh.

Ngay cả trước bộ phim đó, rất nhiều VĐV Anh, bao gồm cả Farah, đã chuyển từ Kenya sang Ethiopia. Họ tập luyện ở Sululta, một ngôi làng trên độ cao 2.500 mét so với mặt nước biển. Nơi đó chỉ cách thủ đô 16 km, qua một con đường nguy hiểm và chỉ rộng vừa đủ cho hai phương tiện tránh nhau.

Sululta lúc bình minh có thể nhìn thấy quang cảnh thành phố Addis Ababa chìm trong sương mù. Đó là điểm tập luyện lý tưởng cho các VĐV, dù khá hiu quạnh và những quán cafe ven đường là điểm giải trí duy nhất.

Chỉ có một đường chạy cho các VĐV, với một người đàn ông bán tre trên chiếc xe cút kít ở lối vào. Trên đường đua, Ayanleh Souleiman, cựu vương giải trong nhà thế giới nội dung chạy 1.000m, đang đi bộ với Genzebe Dibaba.

Hai người bắt đầu tập cùng nhau từ năm ngoái. Trước đó, Dibaba được HLV Jama Aden hỗ trợ. Aden sinh ra tại Somali và cũng từng hướng dẫn Farah khi anh tập tại Ethiopia năm 2015.

Aden bị bắt năm ngoái bởi EPO và những loại thuốc cấm khác được tìm thấy trong phòng khách sạn của ông ở Tây Ban Nha. Thời điểm đó, ông đang huấn luyện cho Dibaba, người đang giữ kỷ lục thể giới cự ly 1.500m. Sau vụ lùm xùm của Aden, Dibaba khẳng định cô không hề có những trao đổi gì khác với ông ta ngoài các bài tập. Cô cũng tin mình hoàn toàn trong sạch.

doping-duoc-mua-ban-de-dang-nhu-the-nao-3

Kỷ lục gia chạy 1.500m, Genzebe Dibaba từng khẳng định cô trong sạch như pha lê. Ảnh: AP.

Cảnh sát Tây Ban Nha sở hữu rất nhiều bằng chứng từ điện thoại và laptop của Aden ở vụ khám xét năm ngoái. Trong đó là những tin nhắn văn bản và email về vấn đề buôn lậu chất cấm cho các VĐV. IAAF dự định phối hợp cùng các bên liên quan để xử Aden theo luật hình sự.

Những bằng chứng đó cho thấy điền kinh Ethiopia không hoàn toàn nổi trội nhờ vào năng khiếu bẩm sinh của họ. Một VĐV nổi danh đã lọt vào camera giấu kín trong lúc nhờ đồng nghiệp tìm một nguồn cung cấp chương trình doping mới. Cô thừa nhận dùng EPO trước thềm chức vô địch một giải ở châu Âu năm ngoái.

Chương trình doping cô sử dụng kéo dài 45 ngày, gồm EPO và hormone tăng trưởng, với thời gian biểu rõ ràng. Cô sẽ dừng hai chất kích thích đó một tuần trước khi đến kì kiểm tra để tránh bị phát hiện.

Nhiều HLV ở Ethiopia đổ lỗi cho các nhân tố ngoại vi dẫn đến sự bùng phát doping ở quốc gia này, đặc biệt là các HLV và người đại diện từ Đông Âu. Yirefu Birhanu, HLV đội tuyển Olympic Ethiopia cũng cho rằng sự nghèo đói và thiếu giáo dục ở Ethiopia là nguyên nhân.

“Tôi có hai học trò dương tính với doping”, ông tiết lộ. “Họ thậm chí không biết đó là chất cấm, mà tưởng chỉ là vitamin. Sai lầm đó gần như đã cướp đi cuộc sống của họ. HLV cũng có nhiều loại. Có người cống hiến cả trái tim, nhưng cũng có người mờ mắt vì tiền. Họ chỉ quan tâm khi nào VĐV tham gia các giải đấu, sau đó bỏ mặc các học trò của mình”.

“Tôi đề nghị họ phải cho các VĐV biết đầy đủ thông tin. VĐV là con người chứ đâu phải bò hay loài vật nào khác? Họ có quyền biết mình đang dùng thuốc gì”.

Xuân Bình tổng hợp